17:25 16/05/2023

Doanh nghiệp phía Bắc cần tuyển hàng nghìn công nhân may, điện tử

Phúc Minh

Bên cạnh một số doanh nghiệp khó khăn do thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp tại một số địa phương phía Bắc đang có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động phổ thông, đặc biệt là công nhân trong các lĩnh vực may mặc, điện tử, sản xuất giày da...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc tổ chức “Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố” ngày 16/5.

Phiên giao dịch việc làm có sự tham gia của 152 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số 9.238 chỉ tiêu tuyển dụng. Các địa phương tuyển dụng trên 1.000 chỉ tiêu như: Ninh Bình 2.503; Phú Thọ 2.271, Bắc Giang 1.573, TP. Hà Nội 1.612…

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp chủ yếu rơi vào nhóm lao động phổ thông, chiếm hơn 4.000 vị trí, còn lại là nhóm có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật và nhóm cao đẳng – đại học trở lên.

Xét theo mức thu nhập, nhìn chung mức từ 7 – 10 triệu đồng được người lao động kỳ vọng nhiều nhất, với 3.428 chỉ tiêu tuyển dụng; tiếp theo là mức từ 5 – 7 triệu đồng với 2.877 người, hơn 2.000 người tìm kiếm mức thu nhập từ trên 10 triệu đồng…

Trong phiên giao dịch việc làm ngày 16/5, đáng chú ý các doanh nghiệp tìm kiếm nhiều nhất là nhóm công nhân sản xuất điện tử, công nhân sản xuất giày da, may mặc, lần lượt là 2.346; 2.195; 931 chỉ tiêu.

Xu hướng tuyển dụng này cũng tương đồng với nhận định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đó là mặc dù một số ngành may mặc, giày da, chế biến gỗ....vẫn còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động nhưng hiện tượng này chỉ diễn ra ở một số nơi. Nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn lớn ở những ngành, nghề, địa phương khác.

Kết nối phỏng vấn việc làm trực tuyến với các địa phương. Ảnh - Thanh Bình.
Kết nối phỏng vấn việc làm trực tuyến với các địa phương. Ảnh - Thanh Bình.

Riêng với sàn Hà Nội, tại phiên giao dịch việc làm ngày 16/5, trong tổng số 40 doanh nghiệp tham gia thì phần lớn thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm 52,2%, còn lại thuộc các lĩnh vực khác như sản xuất, vận tải...

Mức thu nhập từ 7 - 10 triệu/tháng được nhiều người lao động kỳ vọng, với 374/942 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ lớn nhất là 39,7% trong tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.

Mức thu nhập từ 5 - 7 triệu/tháng chiếm 29,8%. Đây là mức thu nhập dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, partime...

Mức thu nhập từ 10 triệu trở lên/tháng chiếm 16,2%, là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.

Còn lại là mức thu nhập thỏa thuận, doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của hai bên.

Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 18 – 25 tuổi, chiếm 43,5%. Đây cũng là cơ hội cho người lao động trẻ nhiệt huyết với công việc qua đó sẽ đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Các vị trí được tuyển dụng phổ biến tại sàn việc làm Hà Nội là: Quản lý, Phó phòng kinh doanh, nhân viên văn phòng, nhân viên tư vấn, nhân viên xuất nhập khẩu…

Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố ngày 16/5 được kì vọng nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu tại Sàn giao dịch việc làm, tạo cơ hội việc làm cho tất cả người lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng như 8 tỉnh, thành phố.

Thông qua đó, cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp; hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm trong tình hình mới.