05:00 29/10/2021

Doanh nghiệp Việt chậm trễ trong chuẩn bị nhân lực cho 4.0

Vũ Khuê

Dù chúng ta đã nói nhiều về công nghiệp 4.0 tuy nhiên vẫn còn khoảng cách lớn từ nhận thức của doanh nghiệp đến việc thực hiện. Sự chậm trễ trong ứng dụng công nghệ 4.0 khiến các doanh nghiệp thờ ơ trong đào tạo nhân lực...

Diễn đàn đa phương (MSF) 2021.
Diễn đàn đa phương (MSF) 2021.

Nhận định được đưa ra tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 với chủ đề: “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” trong báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện Phát triển doanh nghiệp (thuộc VCCI) và Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT).

THỜ Ơ ĐÀO TẠO

Khảo sát về thực trạng tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ công nghiệp 4.0 được thực hiện trên hơn 400 doanh nghiệp sản xuất, phi sản xuất ở mọi loại hình và hơn 20 đại diện tổ chức xã hội trên cả nước.

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp chia sẻ, dù chúng ta đã nói nhiều về công nghiệp 4.0 tuy nhiên vẫn còn khoảng cách lớn từ nhận thức của doanh nghiệp đến việc thực hiện.

Cụ thể, có 80% doanh nghiệp biết đến các công nghệ đặc thù cho công nghiệp 4.0. 45-60% doanh nghiệp quan tâm đến các công nghệ đặc thù cho công nghiệp 4.0. 20% đang sử dụng các công nghệ đặc thù công nghiệp 4.0, chủ yếu là thiết bị điều khiển và công nghệ an ninh mạng. Còn công nghệ có tính đặc thù cao hơn như công nghệ mô phỏng, hay thực tế ảo tăng cường thì tỷ lệ sử dụng thấp hơn nhiều.

Một phát hiện nữa, đó là sự chậm trễ của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0. Theo phân tích, doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu quan tâm tới các công nghệ 4.0 nhiều hơn các doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc doanh nghiệp chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tỷ lệ lần lượt là 27,8% và 48,1%.

Số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đang xây dựng kế hoạch cho 4.0 cũng cao hơn khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp chưa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, có 11,3% doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch và đang triển khai 4.0 có kết quả.

Chính sự chậm trễ trong ứng dụng công nghệ 4.0 khiến các doanh nghiệp thờ ơ trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động cho xu thế này.

Khảo sát cũng chỉ ra, 80% doanh nghiệp chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động. Nhưng chủ yếu là đào tạo nâng cao (65,1%) hay đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng (57,6%) mà ít đào tạo kỹ năng mới (46,1%), nhất là kỹ năng chuyên biệt cho công nghiệp 4.0 (17,6%).

Về cung năng lực, khảo sát cũng cho thấy, người lao động trong doanh nghiệp áp dụng kỹ năng mềm tốt hơn kỹ năng kỹ thuật, đặc biệt kỹ năng kỹ thuật về 4.0 doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Vẫn còn khoảng cách xa về kỳ vọng của doanh nghiệp với sự đáp ứng của người lao động.

CẦN XÁC ĐỊNH NGÀNH ƯU TIÊN CÔNG NGHIỆP 4.0

Việc hạn chế trong đào tạo lao động ứng dụng công nghệ 4.0 nguyên nhân được khảo sát chỉ ra đó là rào cản bên ngoài. Do thiếu cơ chế đủ mạnh đủ lớn để khuyến khích doanh nghiệp liên kết, thiếu sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Sự chồng chéo của nhiều cơ quan quản lý. Thiếu sự tin tưởng vào năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo.

Rào cản bên trong đó là do doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ sản xuất đơn giản nên chưa có nhu cầu liên kết, tham gia đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho người lao động. Ngoài ra, rào cản từ chính doanh nghiệp, đó là đa số là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế cả về mặt tài chính, nhân sự nên chưa thể tham gia vào quá trình đào tạo.

Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Nhà nước cần xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đặt ra của công nghiệp 4.0. Từ khung này, các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dựa vào đó để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp hơn.

Đặc biệt, Nhà nước cần xác định ngành ưu tiên để có chiến lược phát triển theo công nghiệp 4.0. Có chính sách thúc đẩy đào tạo chuỗi cung ứng để chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo…

Đẩy nhanh quá trình xã hội hoá đào tạo, chuyển giao dần các dịch vụ công cho các tổ chức xã hội đủ năng lực. Nên hỗ trợ các tổ chức xã hội đủ năng lực tiếp cận cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực mang tính phi lợi nhuận với các kỹ năng mềm.

Theo ông Huân, Việt Nam hiện thiếu cơ sở dữ liệu đòi hỏi Nhà nước đứng ra xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê nhu cầu trong các ngành, dự báo về xu hướng phát triển của thị trường lao động và kỹ năng cần đào tạo.

Thúc đẩy hợp tác đa phương tối ưu hóa nguồn lực và khớp nối cung cầu giữa Nhà nước – doanh nghiệp – nhà tài trợ - nhà đầu tư - tổ chức xã hội – khu vực đào tạo chuyên nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nghiệp lớn trong dẫn dắt thúc đẩy việc hợp tác trong đào tạo lao động giữa các bên. Cần chủ động xây dựng các chiến lược, có lộ trình phân bổ nguồn lực cho đào tạo lao động phù hợp công nghệ 4.0…

Khuyến nghị với người lao động, nghiên cứu cho rằng họ cần tăng cường tiếp cận thông tin chủ động, từ đó thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của các kỹ năng trong 4.0 và lộ trình chuyển đổi, nâng cao năng lực phù hợp với nhu cầu, tiềm năng của bản thân.

Mặt khác, tự hoàn thiện và tìm kiếm hỗ trợ hoàn thiện bản thân đáp ứng 4.0. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, chỉ có nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt kịp về nhận thức, nâng cao năng lực bản thân, tiệm cận nhanh nhất với “hơi thở” của thực tiễn mới giúp người lao động vững vàng trong công việc, chủ động trong cuộc sống và “không bị bỏ lại phía sau”.