15:58 09/04/2024

Doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xu hướng "chuyển đổi kép"

Phương Hoa

Xu hướng chuyển đổi số kết hợp với chuyển đổi xanh không những giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của mình mà còn bắt kịp với xu thế toàn cầu....

Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngày một rõ nét.
Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngày một rõ nét.

Ngày 9/4, Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế Hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Hợp tca Quốc tế Đức (GIZ) đã tổ chức buổi hội thảo công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh.

Báo cáo là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai cùng với sự hỗ trợ của chính phủ Đức thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).

Trong thời gian vừa qua, tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững.

"Cùng với xu thế phát triển đó, việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là "chuyển đổi kép", không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội," ông Trung cho biết.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại tọa đàm
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại tọa đàm

Về quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung vào phổ cập, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

"Đến nay, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới sự chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn", ông Trung cho hay.

Chính vì vậy, dựa trên sự quan trọng của việc kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, "Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh" đã cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nhiều góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi kép.

Theo Ông Dennis Quennet, Giám đốc các dự án Phát triển kinh tế bền vững, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam, hoạt động này nằm trong khuôn khổ Hợp tác Việt-Đức nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Sự hỗ trợ của GIZ trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không dừng lại ở buổi hội thảo công bố báo cáo ngày hôm nay.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp để xây dựng khối kinh tế tư nhân vững mạnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng với các tiêu chuẩn mới của thị trường châu Âu cũng như thị trường quốc tế", ông Dennis Quennet khẳng định.

Trình bày về Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, đại diện Văn phòng Chuyển đổi số, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thuật ngữ "chuyển đổi kép"  trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Đại diện Văn phòng Chuyển đổi số, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư trình bày báo cáo.
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Đại diện Văn phòng Chuyển đổi số, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư trình bày báo cáo.

Tại Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” đề ra các mục tiêu: Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Theo kết quả đánh giá phân tích mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp về chuyển đổi số trong năm 2023, báo cáo đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm, đều đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2.5) với mức tăng từ 0.7-1.4 điểm so với năm trước. Điều này cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số, chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của mình cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết, đặc biệt nhân sự lãnh đạo hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án chuyển đổi số.

"Đặc biệt, hai lĩnh vực có mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số ấn tượng trong năm 2023 so với năm 2022 đó chính là lĩnh vực giáo dục, đào tạo và lĩnh vực lưu trú ăn uống," bà Quyên cho hay. 

Mặc dù quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết tích cực, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Chính vì vậy, Ông Dennis Quennet cũng đề xuất rằng việc có những chính sách, chương trình hỗ trợ, tư vấn về lộ trình, hỗ trợ ứng dụng giải pháp phù hợp là thực sự cần thiết để doanh nghiệp có thể phát triển và điều chỉnh một cách tốt nhất trong mô hình chuyển đổi kép của mình trong thời gian tới.