18:28 29/09/2008

Doanh nghiệp vừa và nhỏ “không có khả năng phá sản hàng loạt”

Minh Đức

Khẳng định trên được Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 29/9

Báo cáo của Vụ Tín dụng cho rằng tỷ trọng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tổng nguồn vốn hoạt động phần lớn ở mức thấp, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng nên hiệu quả kinh doanh thấp - Ảnh: Việt Tuấn.
Báo cáo của Vụ Tín dụng cho rằng tỷ trọng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tổng nguồn vốn hoạt động phần lớn ở mức thấp, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng nên hiệu quả kinh doanh thấp - Ảnh: Việt Tuấn.
Khẳng định trên được Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 29/9.

Dựa trên tổng hợp kết quả kinh doanh, nguồn vốn và chất lượng lượng tín dụng liên quan, báo cáo này nêu rõ: “Chiều hướng phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tương đối ổn định và đi lên, không có khả năng phá sản đổ vỡ hàng loạt như một số thông tin cung cấp từ nguồn không chính thức, thiếu cơ sở”.

Báo cáo trên được đưa ra sau khi thị trường xuất hiện những thông tin về khả năng có đổ vỡ, phá sản của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là từ nguồn vốn.

Tuy nhiên, những thông tin từ Vụ Tín dụng lại cho thấy một bức tranh tổng thể khá khả quan về thực tế vay, tiếp cận vốn, khả năng trả nợ và tình hình sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp này.

Báo cáo được xây dựng trên cơ sở dữ liệu từ 6 ngân hàng thương mại quốc doanh (bao gồm cả Ngân hàng Ngoại thương vừa chuyển đổi mô hình và Ngân hàng Phát triển), 31 ngân hàng thương mại cổ phần và 33 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh.

Quá nửa doanh nghiệp vừa và nhỏ vay ngân hàng

Theo số liệu báo cáo, hiện tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng là 163.673 doanh nghiệp (chiếm trên 50% tổng số) với tổng nguồn vốn kinh doanh là 482.092 tỷ, trong đó vốn tự có chiếm tỷ trọng là 36,25%, vốn vay ngân hàng chiếm tỷ trọng 45,31%, còn lại vốn khác chiếm 18,44%.

Vốn tự có bình quân 1 doanh nghiệp đến 31/7/2008 là 1,33 tỷ đồng; bình quân vốn vay ngân hàng của 1 doanh nghiệp là 1,79 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh (thu lớn hơn chi) 7 tháng đầu năm 2008 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại đạt 18.532 tỷ đồng, bình quân kết quả kinh doanh của 1 doanh nghiệp đạt 458 triệu đồng. Nộp ngân sách 7 tháng đầu năm 2008 là 5.721 tỷ đồng, bình quân 48 triệu đồng/doanh nghiệp.

Theo số liệu kết quả kinh doanh, trả nợ ngân hàng đúng hạn của các doanh nghiệp nhóm này đang có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại nêu trên, có 23% số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, 73,2% doanh nghiệp hoạt động trung bình và 3,8% doanh nghiệp gặp khó khăn - trong đó có 1,42% doanh nghiệp có khả năng mất vốn.

Báo cáo cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2008, doanh số cho vay của các ngân hàng thương mại đối với nhóm khách hàng này là 289.100 tỷ đồng; trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước là 141.816 tỷ đồng, chiếm 47,7%; khối ngân hàng cổ phần là 139.837 tỷ đồng, chiếm 47,07%; khối ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 7.446 tỷ đồng, chiếm 2,5%.

Dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đến 31/7/2008 của các ngân hàng thương mại đạt 299.472 tỷ đồng (chiếm 27,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), tăng 16,65% so với 31/12/2007 và tăng 70,5% so với 31/12/2006. Trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm 73,05%, cho vay trung và dài hạn chiếm 26,95%.

Nợ xấu tăng đáng kể

Điểm mà dư luận quan tâm thời gian qua là với lãi suất cho vay tăng cao từ đầu năm (phổ biến trên 20%/năm), hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, khả năng trả nợ của khối doanh nghiệp này có bị ảnh hưởng, nợ xấu liên quan có tăng cao hay không?

Số liệu tập hợp cho thấy nợ xấu liên quan đã tăng đáng kể so với năm 2007, và khả năng không trả được nợ cũng chiếm một tỷ trọng khá lớn.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ của toàn hệ thống tính đến 31/7/2008 là 3,64% (số tuyệt đối là 10.886 tỷ đồng), tăng 1% so với năm 2007. Trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là 4.064 tỷ đồng, chiếm 37,3% tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Xét cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng thương mại quốc doanh ở nhóm này là 4,59%, ở khối ngân hàng cổ phần là 2,44%, ngân hàng liên doanh và nước ngoài là 1,45%.

Đánh giá chung, Vụ Tín dụng cho rằng quan hệ tín dụng giữa khối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các ngân hàng thương mại thời gian qua đã có sự chuyển biến về nhận thức từ phía ngân hàng, khi họ xác định đây là đối tượng khách hàng tiềm năng.

Thực tế, doanh số và dư nợ cho vay nhóm này liên tục tăng qua các năm; nhiều ngân hàng cổ phần đã tập trung cho vay lên tới trên 70% dư nợ, một số chi nhánh của ngân hàng thương mại quốc doanh có dư nợ lên tới trên 95%.

Tuy nhiên, mối quan hệ trên hiện vẫn gặp nhiều hạn chế. Báo cáo của Vụ Tín dụng cho rằng tỷ trọng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tổng nguồn vốn hoạt động phần lớn ở mức thấp, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng nên hiệu quả kinh doanh thấp.

Ngoài ra, công nghệ sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp này vẫn còn lạc hậu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường hạn chế, các báo cáo tài chính không được kiểm toán… là những trở ngại đối với công tác thẩm định và quyết định cho vay của ngân hàng.