16:26 14/02/2025

Doanh nghiệp xuất khẩu thép, nhôm Việt Nam đối mặt với nguy cơ “thuế chồng thuế”

Nguyệt Hà

Sản phẩm thép, nhôm của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Hoa kỳ không những có khả năng phải chịu mức thuế 25%, mà còn đang đứng trước nguy cơ thuế chồng thuế trước cuộc điều tra thuế chống bán phá giá gần đây của Bộ Thương mại nước này...

Thép xuất khẩu Việt Nam trước nguy cơ thuế chồng thuế. Ảnh minh họa.
Thép xuất khẩu Việt Nam trước nguy cơ thuế chồng thuế. Ảnh minh họa.

Trước tuyên bố áp thuế 25% lên các sản phẩm từ nhôm, thép của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng đối với thép, bên cạnh các sản phẩm đang bị chịu mức thuế 25% theo mục 232, thì các sản phẩm thép khác (được loại trừ trong danh mục của Hoa Kỳ) như thép dự ứng lực (PC strand) của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong thời gian tới cũng có khả năng sẽ bị áp thuế 25%.

MỨC THUẾ 25% KHÔNG ÁP DỤNG VỚI SẢN PHẨM ĐANG BỊ ÁP THUẾ KHÁC

Theo VSA, các tuyên bố này là sự mở rộng của thuế quan Mục 232 mà Trump đã áp đặt vào năm 2018 nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép và nhôm trong nước với lý do an ninh quốc gia.

Một quan chức Nhà Trắng cho rằng các ngoại lệ trước đây đã làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp này, cụ thể là mức thuế sẽ trở lại 25% đối với hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và các quốc gia khác, vốn trước đây được miễn thuế theo các ngoại lệ đặc biệt.

Sắc lệnh này cũng mở rộng thuế quan đối với các sản phẩm hạ nguồn sử dụng thép nước ngoài, bao gồm thép kết cấu chế tạo, nhôm định hình và dây cáp thép dùng cho bê tông dự ứng lực.

Theo đó, đối với các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam, nhìn chung vẫn đang phải chịu mức thuế là 25% theo Mục 232 mà Hoa Kỳ áp dụng từ năm 2018; Theo thống kê của hải quan Hoa Kỳ, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép (tăng gần 159% so với năm 2023).

Một số sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ năm 2024. Nguồn: USITC
Một số sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ năm 2024. 
Nguồn: USITC

“Như vậy, đây là kịch bản Hoa Kỳ sử dụng Mục 232 nhưng mức thuế 25% chỉ áp dụng với những sản phẩm/những đối tác đã được miễn trừ trước đó và không làm tăng mức thuế với đối tác đang bị áp thuế khác”, VSA nhận định.

Phân tích cụ thể hơn, VSA cho biết đối với thép, bên cạnh các sản phẩm đang bị chịu mức thuế 25% theo mục 232 như trên, các sản phẩm thép khác (được loại trừ trong danh mục của Hoa Kỳ) như thép dự ứng lực (PC strand) của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong thời gian tới cũng sẽ có khả năng bị áp thuế 25%.

Trước đó, sản phẩm thép vốn là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ điều tra với Việt Nam. Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, tính đến nay, đã có 34 vụ kiện phòng vệ thương mại với mặt hàng thép và các sản phẩm liên quan đến thép, chiếm tới hơn 50% tổng số vụ kiện mà Hoa Kỳ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam. 

Trong ngắn hạn, VSA cho rằng nếu Hoa Kỳ áp dụng với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu vì thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm xuống.

Trong trung và dài hạn, việc mở rộng áp thuế 25% theo Mục 232 sang các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Canada,...sẽ tác động lớn đến dòng chảy thương mại thép toàn cầu như sản phẩm thép của các nước bị mở rộng trên khi không xuất khẩu được sang Hoa Kỳ sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm thép của Việt Nam ngay trên thị trường nội địa.

“Việc khó khăn trong xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, thép/nhôm các nước khó xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ tìm đường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam”, VSA cảnh báo; đồng thời cho rằng đối với Hoa Kỳ, biện pháp thuế chắc chắn sẽ khiến lạm phát tăng lên khi nhôm và thép là những mặt hàng cơ bản và nhu cầu sử dụng lớn tại Hoa Kỳ.

Các đối tác xuất khẩu vào Hoa Kỳ có kim ngạch lớn. Nguồn: USITC.
Các đối tác xuất khẩu vào Hoa Kỳ có kim ngạch lớn. Nguồn: USITC.

Thêm vào đó, việc Hoa Kỳ áp thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu sẽ khiến các công ty thép quay trở lại thị trường nội địa khiến các nước tăng cường bảo hộ với mặt hàng thép/nhôm nội địa (tương tự như năm 2018 khi Mỹ áp dụng Mục 232 với nhôm thép, EU, Thổ Nhĩ Kỳ…đều đã điều tra tự vệ mới hầu hết thép nhập khẩu). Điều này sẽ khiến quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường khác, ngoài Hoa Kỳ.

NGUY CƠ THUẾ CHỒNG THUẾ TỪ CUỘC ĐIỀU TRA CHỐNG PHÁ GIÁ

Gần đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống phá giá (AD) và trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam. DOC đã ban hành và gửi bản câu hỏi Q&V cho điều tra CVD đến đích danh một số doanh nghiệp thép Việt Nam và yêu cầu thời hạn trả lời là ngày 9/10/2024 (được gia hạn đến ngày 11/10/2024).

Ngày 7/1/2025 và ngày 17/1/2025 Việt Nam nộp bản lập luận và bản phản biện về ngưỡng chuẩn. Ngày 5/2/2025, DOC ban hành quyết định sơ bộ về biên độ trợ cấp, theo đó HSG (Hoa Sen group) và GDA (Tôn Đông Á) nhận được mức thuế tối thiểu (~0,13% và 0%).

Tuy nhiên, có 06 doanh nghiệp do không phản hồi kết quả điều tra này nên đã bị quy mức thuế lên tới 140,5%. Điều đáng nói là 6 Doanh nghiệp này không xuất khẩu vào Hoa Kỳ, nhưng vẫn bị DOC cho vào “một rổ” với nhóm còn lại. Kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá dự kiến sẽ được Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố vào tháng 4/2025.

Như vậy, sản phẩm nhôm, thép Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với nguy cơ đáng lo ngại hơn đó là thuế chồng thuế nếu Bộ Thương mại nước này áp thêm một số loại thuế khác như CVD (thuế đối kháng) và AD (thuế chống bán phá giá), bên cạnh mức thuế 25%.

Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Công Thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết: Thuế đối kháng và Thuế chống bán phá giá của DOC chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp cụ thể không chỉ ngành thép. Kết quả điều tra sẽ phụ thuộc vào khả năng đáp ứng điều tra của từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là DOC điều tra và đưa ra mức thuế cho từng doanh nghiệp, nhưng sẽ áp mức thuế trung bình cộng từ kết quả điều tra tất cả doanh nghiệp.

Theo nhận định của đơn vị tư vấn, không có khả năng giảm mức thuế 140,05% do mức thuế này hoàn toàn được tính dựa trên dữ liệu sẵn có của DOC theo phương pháp đã trình bày. Các doanh nghiệp có thể nộp đơn khiếu kiện DOC lên toà án Thương mại Quốc tế của Hoa Kỳ, nhưng khả năng thắng kiện rất thấp bởi mức thuế này xuất phát từ việc không hợp tác của các doanh nghiệp

Các bên liên quan (nguyên đơn, bị đơn gồm doanh nghiệp bị đơn bắt buộc, các công ty khác, 06 doanh nghiệp bị áp AFA (biên độ trợ cấp) cao nhất, Chính phủ Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam) có quyền gửi bình luận đối với kết luận sơ bộ trước thời hạn nộp bản lập luận báo cáo tóm tắt. Thời hạn này được tính là trong vòng 07 ngày kể từ ngày DOC đưa ra báo cáo thẩm tra.

DOC dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 17/6/2025 nếu không gia hạn. Các mức thuế tại quyết định cuối cùng vẫn là thuế tạm nộp để chờ kết quả rà soát hành chính lần 1.

Ông Phạm Công Thảo cho biết Hiệp hội Thép và Cục Phòng vệ Thương Mại (Bộ Công Thương) cùng các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thép sẽ tiếp tục theo dõi, phân tích cập nhật để báo cáo đánh giá các tác động từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ với sản phẩm nhôm, thép của Việt Nam cũng như thế giới, từ đó có các biện pháp thích ứng.

VSA sẽ là đầu mối, đại diện cho các doanh nghiệp thuê công ty Luật để tham gia các “cuộc chiến pháp lý” với Bộ Thương mại Hoa Kỳ để bảo vệ lợi ích của nhà xuất khẩu thép trong nước.

 

DOC đã từng áp dụng phương pháp trung bình cộng này trong vụ điều tra CVD đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc (2013) và nước này cũng đưa ra lập luận tương tự, yêu cầu DOC áp dụng bình quân gia quyền biên độ của bị đơn bắt buộc.

Tuy nhiên, DOC trong quyết định cuối cùng không thay đổi quan điểm dựa trên việc DOC được quy định của Hoa Kỳ cho phép sử dụng bất cứ biện pháp “hợp lý”. Và việc áp thuế trung bình cộng là hợp lý vì phương pháp này đã không áp toàn bộ biên độ AFA cho nhóm công ty khác mà chỉ áp một phần (do được trung bình cộng với biên độ của bị đơn bắt buộc).