Đổi mới tư duy lập pháp thể chế kinh tế
Chủ trương của Đảng thực hiện đột phá về thể chế với nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách hành chính... Để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế kinh tế, phải đổi mới tư duy, tầm nhìn, tất cả vì lợi ích của dân tộc, đưa kinh tế Việt Nam cất cánh trong Kỷ nguyên mới...
![](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/16/1nb-lam.png)
Trong gần 4 thập kỷ công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế không ngừng gia tăng qua từng giai đoạn. Tuy vậy, kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững, năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ ra nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt đã xác định rõ nguyên nhân cơ bản cản trở quá trình phát triển là do sự thiếu đồng bộ, yếu kém về thể chế kinh tế thị trường, về chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
![TS. Nguyễn Bích Lâm: "Chủ trương của Đảng thực hiện đột phá về thể chế với nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách hành chính với cắt giảm các thủ tục rườm rà, làm khó cho người dân và doanh nghiệp".](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/16/ts-lam.jpg)
Để khắc phục những hạn chế, xóa bỏ các cản trở kìm hãm quá trình phát triển đất nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra 3 đột phá chiến lược, đó là: đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Đây chính là chìa khóa mở cửa và giải pháp quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH – HĐH), đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Chủ trương của Đảng thực hiện đột phá về thể chế với nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách hành chính với cắt giảm các thủ tục rườm rà, làm khó cho người dân và doanh nghiệp.
Mục tiêu đột phá về thể chế nhằm tạo dựng sự phát triển đồng bộ các yếu tố và các loại thị trường, phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân, khuyến khích làm giàu hợp pháp, khai thác mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, thúc đẩy tính năng động, sáng tạo, khắc phục chủ nghĩa bình quân; coi trọng mọi thành phần kinh tế và các chủ thể tham gia thị trường để cùng hợp tác, phát triển lâu dài, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh.
MỘT SỐ BẤT CẬP VỀ MÔI TRƯỜNG THỂ CHẾ KINH TẾ
Với tầm quan trọng và tính hiệu quả của việc thực hiện đột phá về thể chế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030, đó là tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược có bổ sung nội dung và giải pháp mới phù hợp với bối cảnh và chuyển biến nhanh của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực và trong nước; gắn với cơ cấu lại tổng thể, đồng bộ nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.
![Đổi mới tư duy lập pháp thể chế kinh tế - Ảnh 1](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/16/1dn-cbct.png)
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất.
Thể chế kinh tế kiến tạo, công khai, minh bạch là động lực quan trọng nhất, đóng vai trò khơi thông, thúc đẩy và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước cho phát triển. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung vào xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi luật và các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời rà soát, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính gây cản trở, khó khăn trong hoạt động kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, hệ thống thị trường hình thành và phát triển chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế đang cản trở sự phát triển.
Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định gây khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân. Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt.
Hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định, khả năng tiên liệu thấp dẫn đến rủi ro gia tăng cho các thực thể kinh tế.
Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật gây nhiều khó khăn cho việc triển khai thực hiện, đây là nguồn gốc của sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, bỏ lỡ cơ hội đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, gia tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tính ổn định của pháp luật thấp, phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung dẫn đến những tác động tiêu cực tới quyền, lợi ích hợp pháp của các thực thể kinh tế, gây nhiều khó khăn trong thực hiện pháp luật và hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước.
Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập.
NGHỊCH LÝ CỦA NỀN KINH TẾ
Do bất cập về thể chế, các thực thể kinh tế và động lực phát triển bị trói buộc, không phát huy được hết năng lực và hiệu quả cho tăng trưởng, tạo nên nghịch lý khác thường.
Một là, doanh nghiệp không muốn mở rộng quy mô. Doanh nghiệp là thực thể kinh tế quan trọng, quyết định sức mạnh về năng lực cạnh tranh, mức độ hội nhập và quy mô của nền kinh tế, đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng nhanh và bền vững.
Do bất cập về thị trường các yếu tố, nên phần lớn doanh nghiệp gia nhập thị trường thuộc khu vực dịch vụ. Cơ cấu doanh nghiệp theo ngành kinh tế bất hợp lý khi có tới 2/3 số doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, với khoảng 38% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và dịch vụ lưu trú ăn uống; chỉ có 15% trong tổng số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành sản xuất ra sản phẩm hàng hóa. Đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp nước ta chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; công nghiệp phụ trợ kém phát triển, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Friedrich A. Hayek, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974, đã đúc kết thành hệ thống lý luận và thực tiễn đi đến khẳng định: chỉ có thị trường mới huy động tốt nhất, sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực xã hội cho phát triển, nhà nước không thông minh hơn thị trường.
Thể chế kinh tế bất cập gây nên điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển là lòng tin của doanh nghiệp và người dân vào sự quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước bị suy giảm. Đây là nguyên nhân sâu xa tại sao doanh nghiệp Việt không thể mở rộng quy mô, khó lớn, ngại lớn.
Hai là, nền kinh tế khát vốn, nhưng không hấp thu được nguồn vốn sẵn có trong nước. Nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn của khu vực ngoài nhà nước khá dồi dào nhưng nền kinh tế lại hồ hởi kêu gọi và chờ mong nguồn vốn FDI, trong khi đó không hấp thu được nguồn vốn trong nước, đặc biệt vốn đầu tư công. Riêng trong lĩnh vực đầu tư, bất cập về thể chế đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế từ 2-3% mỗi năm.
Chẳng hạn với năm 2023, nếu giải ngân hết tổng kế hoạch vốn đầu tư công 803,37 nghìn tỷ đồng, khi đó tốc độ tăng GDP năm 2023 sẽ đạt khoảng 7,5- 8%, cao hơn 2,5 - 3 điểm phần trăm so với số thực tế đạt được 5,05%. Đây là chưa tính đến tác động lan tỏa từ giải ngân vốn đầu tư công sẽ kéo theo gia tăng thực hiện vốn đầu tư ngoài nhà nước, với hệ số lan toả cứ giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước, khi đó tốc độ tăng GDP còn cao hơn con số 8%. Điểm nghẽn về thể chế đã gây lãng phí thời gian, bỏ lỡ cơ hội phát triển của nền kinh tế.
NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG BẤT CẬP VỀ THỂ CHẾ KINH TẾ
Hiện nay, việc xây dựng luật không do cơ quan lập pháp thực hiện mà được giao cho cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trực tiếp biên soạn. Khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xây dựng pháp luật, cùng với trách nhiệm phải hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên theo ngày, tháng, năm; với hạn chế về năng lực, trình độ, tư duy, tầm nhìn hạn hẹp của đội ngũ cán bộ, công chức không chuyên trong xây dựng pháp luật; với quy định về chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm khi xây dựng, ban hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật gây nên điểm nghẽn, cản trở sự phát triển chưa được quy định đầy đủ nên dễ dẫn tới tình trạng cài cắm lợi ích bộ, ngành, lợi ích nhóm, luật và các văn bản quy phạm pháp luật chất lượng chưa tốt, thiếu tính thực tiễn, không đồng bộ, gây tổn hại cho nền kinh tế.
Xây dựng luật do bộ, ngành soạn thảo không đứng trên quan điểm và cái nhìn tổng thể, chưa đảm bảo sự đồng bộ, tính tương thích, tạo tác động cộng hưởng, cùng chiều của hệ thống thể chế đặt trong thực tế vận hành của nền kinh tế, nên khi thực hiện thường bị vướng với luật của ngành, lĩnh vực khác có liên quan.
Hiện nay, cơ quan soạn thảo luật và các văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung đã đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản về tính hợp hiến, công khai, tuân thủ thẩm quyền, không xung đột với các điều ước quốc tế. Tuy vậy, tính khả thi - nguyên tắc “tối thượng” để văn bản quy phạm pháp luật có sức sống và có giá trị - lại luôn là vấn đề nóng trong hoạt động lập pháp.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV kéo dài 29,5 ngày đã xem xét, thông qua 15 luật; cho ý kiến 13 dự án luật; xem xét thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và nhiều nội dung quan trọng khác. Trung bình một ngày, cùng với xử lý các nội dung khác, các đại biểu xem xét 1 dự luật.
Với thời gian eo hẹp, với kiến thức, khả năng nắm bắt kinh nghiệm thực tiễn khác nhau, các lĩnh vực chuyên môn sâu; việc lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia khi xây dựng pháp luật vẫn mang tính hình thức, chung chung, chưa thực sự đảm bảo công khai minh bạch, đôi khi vẫn có tính áp đặt, đẩy cái khó cho doanh nghiệp. Vì vậy, khó tránh khỏi tình trạng luật mới ban hành đã không phù hợp, chỉ vài năm thực hiện đã phải sửa đổi bổ sung...
(*) TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 07-2024 phát hành ngày 17/02/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1258
![Đổi mới tư duy lập pháp thể chế kinh tế - Ảnh 2](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/15/8-12-1.png)