09:00 27/07/2012

Đổi thay ở Triều Tiên nhìn từ việc “ông Kim Jong Un lấy vợ”

Cao Hiền

Việc Triều Tiên bất ngờ tiết lộ thông tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un cưới vợ đã khiến dư luận quốc tế xôn xao

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tiết lộ, đệ nhất phu nhân Triều Tiên sinh năm 1989, từng học hát ở Trung Quốc.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tiết lộ, đệ nhất phu nhân Triều Tiên sinh năm 1989, từng học hát ở Trung Quốc.
Việc CHDCND Triều Tiên hôm 25/7 bất ngờ phát đi thông điệp cho biết nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đã lập gia đình, khiến dư luận quốc tế xôn xao. Theo giới phân tích, động thái này là một dấu hiệu khác cho thấy xu hướng cởi mở và cải cách của ông Kim Jong Un.

Theo nội dung trên bản tin ngày 25/7 của đài truyền hình Triều Tiên, phu nhân của nhà lãnh đạo nước này là bà Ri Sol Ju. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc tiết lộ, đệ nhất phu nhân Triều Tiên sinh năm 1989, từng học hát ở Trung Quốc. Bà Ri từng tới thăm Hàn Quốc hồi năm 2005 khi tham gia đội cổ động của Triều Tiên tại Giải vô địch điền kinh châu Á.

Một số nguồn tin khác nói rằng, Ri Sol Ju là một cô gái đến từ tỉnh Bắc Hamkyong và là thành viên của dàn nhạc Unhasu. “Có thể Kim Jong Un đã chọn cô gái này làm vợ sau khi nhìn thấy cô trong buổi trình diễn nhân dịp năm mới 2010”, một tờ báo Hàn Quốc cho hay. Vào thời điểm đó, ông Kim Jong Un được cho là đang chuẩn bị cho tiến trình kế thừa quyền lực.

Hãng tin AP nhận định việc Triều Tiên tiết lộ tin về đệ nhất phu nhân là nỗ lực nhằm cho thấy ông Kim Jong Un là nhà lãnh đạo thân thiện và hiện đại. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng động thái này còn nhằm phát đi thông điệp nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chín chắn và ổn định dù vẫn còn trẻ. Ông Kim Jong Un sinh vào tháng 1/1984 và mới nắm quyền được 7 tháng.

Trước đây, những bà vợ của ông Kim Jong Il, cố lãnh đạo Triều Tiên và là cha ông Un, chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng như bà Ri. “Chế độ hiện giờ đang trong một bối cảnh khác và động thái này có thể một phần để chứng minh rằng Kim Jong Un đã đủ trưởng thành và khôn ngoan để lãnh đạo”, tờ nhật báo Daily NK ở Seoul chuyên đưa tin về Triều Tiên cho biết.

Cùng quan điểm này, một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng, “việc truyền thông Triều Tiên hé lộ về người vợ xinh đẹp của nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể là nhằm củng cố hình ảnh của ông này”. Theo quan chức Mỹ, “chương trình tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng dường như là tập trung vào xây dựng một hình ảnh lôi cuốn và hiện đại đối nhà lãnh đạo trẻ”.

Trong khi đó, ông Kim Yong Hyun, chuyên gia về Triều Tiên thuộc trường Đại học Dongguk tại Seoul, nhận định: “Nếu bà Ri đã từng đến Hàn Quốc thì đó là điều tích cực. Ít nhất thì bà ấy cũng có kinh nghiệm giao tiếp với thế giới bên ngoài. Sự cởi mở của bà có thể gây ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của ông Kim Jong Un, ít nhất là về mặt thời trang”.

Ở một góc nhìn khác thiên về hướng cải cách, Cheong Seong Chang, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Phân tích Sejong của Hàn Quốc cho rằng, "động thái của ông Kim Jong Un dường như đã trao cho giới trẻ hi vọng về thay đổi, đặc biệt là những phụ nữ trẻ, cho họ ấn tượng tốt về ông, mặc dù nó có thể khiến những người Triều Tiên lớn tuổi và bảo thủ không thoải mái”.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, ông Kim Jong Un đã nhiều lần chứng tỏ cho thấy ông đã nắm vững toàn bộ quyền lực của mình, như cách chức Tổng tham mưu trưởng quân đội và phong mình làm nguyên soái quân đội. Trong những lần xuất hiện công khai trước giới truyền thông, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un cũng tỏ rõ một phong cách thoải mái hơn cha mình.

Ông tươi cười, không ngần ngại dừng lại nhiều lần bên cạnh các binh lính và nắm tay các cháu bé. “Kim Jong Un đang phá vỡ kiểu lãnh đạo khép kín của cha ông. Việc công bố thông tin về vợ mình là một dấu hiệu cho thấy ông Kim muốn xây dựng một kiểu lãnh đạo cởi mở hơn” - chuyên gia về Bình Nhưỡng Lim Eul Chul thuộc trường Đại học Kyungnam nhận xét.

Kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, phụ nữ Triều Tiên đã có được nhiều quyền tự do hơn, chẳng hạn như được mặc váy ngắn, đi giày cao gót. Ông còn khuyến khích dân chúng ăn hamburger, khoai tây chiên, dùng điện thoại di động, Internet. Một số giáo sư các trường đại học hàng đầu cũng được cử đi học tiếng Anh và chuyên ngành kinh tế thương mại tại Canada.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng lạc quan về triển vọng của Triều Tiên qua những yếu tố tích cực trên. Trong báo cáo hôm 25/7, Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) kết luận cuộc chuyển giao quyền lực cho ông Kim Jong Un đã hoàn tất, song triển vọng cải cách ở Triều Tiên khá u ám và nhà lãnh đạo này có thể sẽ nắm quyền rất lâu trong lúc kho vũ khí hạt nhân ngày một lớn.
 
Giáo sư Daniel Pinkston, tác giả chính của báo cáo trên, nói rằng "chúng tôi không nhận thấy có những sự thay đổi đáng kể về chính sách của Triều Tiên trong tương lai gần". Theo chuyên gia đến từ Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế, những sự kiện rời rạc xuất hiện gần đây ở Bình Nhưỡng không đủ để hậu thuẫn cho việc nhận định rằng Triều Tiên đang bắt đầu thay đổi.