14:00 07/12/2022

Đón đầu các xu hướng công nghệ trong mua sắm online

Nhĩ Anh

Mua sắm online đã trở thành xu hướng. Nắm bắt những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, cập nhật và ứng dụng các công nghệ mới trong kinh doanh trực tuyến, nâng cao trải nghiệm, thu hút và giữ chân khách hàng là một trong những yếu tố cốt lõi để các doanh nghiệp thành công khi kinh doanh trên môi trường online, đặc biệt trong mùa mua sắm...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các giao dịch mua bán thường tăng cao trong 3 tháng cuối năm, đặc biệt là mùa mua sắm trùng với ngày nghỉ lễ. Các ưu đãi đặc biệt ngày 10/10, 11/11 hoặc 12/12 cuối năm cũng như các ngày lễ lớn như Black Friday, Giáng sinh và Tết dương lịch, Tết âm lịch được dự đoán sẽ mang đến “cơn sốt” mua sắm. Các doanh nghiệp thương mại điện tử được dự báo sẽ có lượng khách hàng tăng và doanh thu bùng nổ vào dịp này.

CÁC XU HƯỚNG VÀ HÀNH VI TIÊU DÙNG MỚI

Hầu hết người dùng hiện tại vẫn ưu tiên việc mua hàng trực tuyến. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra người Việt dành đến 6,38 giờ mỗi ngày để truy cập Internet và 58,2% trong đó dùng để mua hàng trực tuyến.

Sách Trắng Thương mại điện tử năm 2022 ước tính số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo sẽ đạt 260- 285 USD/người trong năm nay. Với 75% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có 74,8% người người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, 97% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến.

Một nghiên cứu của Meta ghi nhận riêng trong năm qua, Việt Nam có thêm 4 triệu người tiêu dùng số có giao dịch mua hàng online. Kênh mua sắm online đã tăng trưởng mạnh hơn từ khi đại dịch Covid-19 (năm 2021 đã tăng 41% so với năm 2019). Đặc biệt, mua sắm đa kênh, sử dụng công nghệ để trải nghiệm mua sắm đang là xu hướng phát triển mạnh nhất.

Xu hướng tiêu dùng mua sắm đa kênh ngày càng phát triển
Xu hướng tiêu dùng mua sắm đa kênh ngày càng phát triển

Tại một diễn đàn mới đây, bà Lê Minh Trang, quản lý cao cấp về bán lẻ của NielsenIQ, cho biết khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận sự trỗi dậy của những người tiêu dùng mua sắm đa kênh (Ommi Shopper) - một xu hướng mới nổi bật nhất và ngày càng được khẳng định. Tỷ lệ Ommi Shopper tại khu vực tăng từ 22% năm 2019 lên 82% vào năm 2020. Đến năm 2022, tại các nước trong khu vực trở về giai đoạn bình thường mới, tỷ lệ này vẫn được duy trì ở mức rất cao (79%).

Ommi Shopper không còn là xu hướng mà trở thành thói quen của người tiêu dùng ở các quốc gia. Với những nước đã có tỷ lệ mua sắm online phát triển mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, tỷ lệ này lên đến hơn 95%.  Còn ở Việt Nam, nghiên cứu của NielsenIQ cho thấy khoảng 57% đã chuyển sang mua sắm theo Ommi Shopper.

Khảo sát khách hàng trong 15 lần mua sắm gần đây, có 50% người trả lời cho biết mua sắm trên kênh online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất trên kênh online là các sản phẩm hàng hóa không thiết yếu, mang tính giải trí. Còn trên kênh offline, người dùng chủ yếu mua đồ tiêu dùng, thực phẩm. Trên kênh online, những giỏ hàng giá trị lớn là những mô hình mua sắm online to offline (O2O) kết hợp đặt hàng online và mua offline, cộng đồng mua sắm, App hàng hóa…

TĂNG TRẢI NGHIỆM, GIỮ CHÂN KHÁCH HÀNG BẰNG CÔNG NGHỆ

Với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều xu hướng mới. Các chuỗi bán lẻ sẽ tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh qua việc tăng cường áp dụng những công cụ chuyển đổi số và phân tích dữ liệu để tối ưu trải nghiệm khách hàng, trước khi tiến tới nâng cao trải nghiệm đa kênh.

Cùng với những tiến bộ công nghệ như ứng dụng AI, mạng 5G và mua sắm thông qua mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đầu tư vào VR và AR trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau để nâng cao trải nghiệm và tương tác với khách hàng.

Theo dự báo của chuyên gia, xu hướng nổi bật trong tương lai chính là sự trải nghiệm khách hàng thông qua các ứng dụng. Đơn cử như một số hãng đã hợp tác với công ty công nghệ để cung cấp cửa hàng Metaverse. Bên cạnh đó là sự chuyển dịch đưa cửa hàng offline store lên online để giúp tăng trải nghiệm khách hàng.

Đón đầu các xu hướng công nghệ trong mua sắm online - Ảnh 1

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh xu hướng live shopping và livestreaming (phát trực tiếp), thương mại giải trí… đang phát triển ở nhiều nước trong đó có Việt Nam. Ở một số thị trường lớn như Úc, Trung Quốc, Thái Lan, những người sử dụng livestream không chỉ để giải trí mà còn bán hàng, mua sắm, quảng bá, KOLs giới thiệu sản phẩm… Chẳng hạn ở Trung Quốc có tới 31% người dùng livestreaming để quảng bá; 20% dùng để mua sắm.

Nhờ sự bùng nổ của social marketing, lực lượng sáng tạo nội dung cũng đang phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ chuyển đổi của các nhà sáng tạo nội dung thường cao hơn 3- 5 lần so với bán hàng trên thương mại điện tử. Đây là lý do khiến nhiều thương hiệu đang tập trung đầu tư thông qua kênh này. Ngoài ra, Shopee, Tiktok…cũng đang đẩy mạnh kênh tiếp thị liên kết và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu mới đây, ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta cho biết: người tiêu dùng khu vực đang ở một giai đoạn phát triển mới, ưu tiên trải nghiệm mua sắm tích hợp kết hợp hiệu quả giữa trực tuyến và trực tiếp.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49 phát hành ngày 05-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đón đầu các xu hướng công nghệ trong mua sắm online - Ảnh 2