Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 15-2022
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 15 phát hành ngày 11-04-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Bối cảnh tình hình mới hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết mà thế giới cũng như Việt Nam cần quan tâm giải quyết và đáp ứng, nếu không những hệ lụy tiêu cực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình và chất lượng phục hồi, tăng trưởng và phát triển.
Từ đầu những năm 2000, Liên hợp quốc đã đề ra 8 mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ và đến năm 2015 xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng sớm xác định tăng trưởng xanh là con đường phát triển bền vững và đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với quyết tâm chính trị cao nhất.
Chính sách về “Tăng trưởng xanh” thể hiện rõ nét ở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1393/TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 tại Quyết định số 403/TTg ngày 20/3/2014. Trong đó, “tăng trưởng xanh” được quan niệm là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Với monng muốn góp thêm những tiếng nói ủng hộ và thêm những hành động thiết thực cho mục tiêu chiến lược này, Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam - Vietnam Connect Forum năm 2022 diễn ra vào ngày 8/4 đã chọn chủ đề: "Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững". Tại Diễn đàn này, rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu của nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp đã được ghi lại.
Trong số báo ra sáng thứ Hai, ngày 12/4/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm: "Cùng hành động để chuyển đổi xanh" cho câu chuyện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam và kinh nghiệm từ thế giới.
Các bài viết bao gồm:
- Ba khó khăn và ba lợi thế chuyển đổi tăng trưởng xanh. Làm thế nào để có thể tập hợp được nguồn lực trong, ngoài nước, thúc đẩy “tăng trưởng xanh”, chìa khóa cho phát triển bền vững nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội? Đâu là những lợi thế cho Việt Nam?… P/v ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao. (Lý Hà).
- Tăng trưởng xanh - phát triển bền vững: Tâm thế để vượt qua “giông bão”. Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững đang là xu thế không thể đảo ngược trên thế giới, không chỉ mang lại thách thức mà còn mở ra những cơ hội lớn cho những quốc gia, địa phương, doanh nghiệp nhanh nhạy trước thời cuộc.(Nguyễn Tuyến).
- McKinsey khuyến nghị 5 ưu tiên cho hành trình phi carbon hóa ở Việt Nam. Với quỹ đạo hiện tại, khả năng Việt Nam sẽ khó hoàn thành được cam kết COP26. Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam - Vietnam Connect Forum 2022 ngày 8/4, ông Bruce Delteil, Giám đốc Điều hành McKinsey tại Việt Nam, đánh giá cao cam kết được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị COP26, thể hiện khát vọng to lớn của Việt Nam trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. (An An).
- Hiến kế giúp “xanh hóa” nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang cam kết mạnh mẽ về phát triển, nhất là về chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển mới hậu Covid-19. Với mong muốn đóng góp vào công cuộc chuyển đổi đó, nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước xung quanh vấn đề này đã được ghi lại. (Vũ Phong – Nguyễn Tuyến).
- Mỗi địa phương là một đầu tàu, đón đầu xu thế tăng trưởng xanh. Đón đầu xu thế hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, chuyển hướng phát triển kinh tế số nhưng không quên hóa giải nguy cơ từ biến đổi khí hậu, các tỉnh, thành trong cả nước đang nỗ lực phát triển theo hướng “xanh hóa” và tìm kiếm hướng đi riêng, khai phá thế mạnh mỗi địa phương, quyết tâm không để lỡ cơ hội phục hồi kinh tế… (Ánh Tuyết – Thu Hằng).
- Cùng hành động để giữ màu xanh cho tương lai. Bên lề Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam – Vietnam Connect Forum 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao tổ chức vào ngày 8/4/2022, các doanh nghiệp đã chia sẻ về những giải pháp để hướng tới một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.(Hoàng Việt – Hồng Vinh – Ngọc Lan).
- Vinh danh những doanh nghiệp FDI tiêu biểu Việt Nam năm 2022. Được bình chọn từ hơn 600 đề cử, Top 10 và Top 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022 là những thương hiệu vàng FDI trong tăng trưởng gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, đã được Tạp chí Kinh tế Việt Nam vinh danh trong chương trình Golden Dragon Awards năm 2022 diễn ra vào tối ngày 8/4. (Kiều Linh).
Cùng nhiều tin bài hấp dẫn khác:
- Sức ép và hiệu quả từ chiếc đồng hồ đếm ngược. Phương thức chỉ đạo quyết liệt, đốc thúc đến nơi, đến chốn của Chính phủ đối với việc xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp nói chung, nhất là tình trạng kéo dài thời hạn hoàn thành, đã đem lại kết quả cụ thể và trở thành bài học kinh nghiệm hay. Câu chuyện về chiếc đồng hồ đếm ngược được dựng tại công trường Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là một ví dụ. (Nguyễn Quốc Uy).
- Ấn tượng xuất khẩu quý 1/2022. Hoạt động xuất, nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm tăng mạnh trong bối cảnh sản xuất, thương mại tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao,... đã cho thấy vị trí quan trọng của “mắt xích” Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. (Huyền Vy).
- Giá phân bón khó “hạ nhiệt”: Chẳng nhẽ bó tay? Giá phân bón đã tăng cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và hàng chục triệu nông dân trong nước mà còn khiến sản phẩm nông nghiệp càng trở nên khó khăn hơn khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. P/v ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. (Mạnh Đức).
- Xuất khẩu gặp khó ở nước ngoài: Doanh nghiệp biết hỏi ai? Dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, xung đột giữa Nga – Ukraine diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gặp khó khi mở rộng thị trường. Bài toán xúc tiến thương mại của các ngành hàng đặt gánh nặng lên vai các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. (Song Hà).
- Hiu hắt cơ chế Sandbox tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2016-2021 Việt Nam mới chỉ có hai cơ chế thí điểm có cách tiếp cận tương tự như một Sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới) là taxi công nghệ và Mobile Money. Đến nay, các Sandbox vẫn “vắng bóng” tại Việt Nam dù khái niệm này được nói ra rả nhiều năm qua. (Thủy Diệu).
- “Tàu cá 67” mắc kẹt lớn: Cần sớm sửa đổi 7 chính sách. Nghị định số 67/2014/CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu được Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014, đến nay đã không phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Trái lại, hiện nay hàng trăm chủ tàu nằm trong danh sách được vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép đang rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần, thậm chí phải hầu tòa. (Chu Khôi).
- Mạnh tay gỡ “bom nổ chậm” ở trái phiếu doanh nghiệp. Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh mẽ, nhưng cùng với đà tăng đó là những rủi ro tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, nhà quản lý đã phải rốt ráo phát đi thông điệp cảnh báo cho nhà đầu tư, đồng thời triển khai những hành động quyết liệt nhằm hướng thị trường tiềm năng này phát triển ổn định. (Đào Vũ).
- Thế hệ Gen Z làm quen với thanh toán không tiền mặt. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhất là trong bối cảnh Việt Nam chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt với giai đoạn hậu Covid-19, Ngày thẻ Việt Nam 2022 sẽ tạo cầu nối, giúp thế hệ Gen Z trải nghiệm những công nghệ thanh toán hiện tại, tiện ích của thẻ ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán số nói riêng. (Khánh Vy).
- Tăng lương tối thiểu vùng: Đã đến lúc phải điều chỉnh. Sau hai năm trì hoãn tăng lương tối thiểu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều chuyên gia lao động cho rằng đã đến lúc phải tính toán điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng để bù đắp trượt giá, bảo đảm cuộc sống cho người lao động, nhưng không tạo nên cú sốc với doanh nghiệp. (Dũng Hiếu).
- Vì sao đồng Rúp phục hồi mạnh sau cú giảm lịch sử? Vào những ngày đầu tiên của chiến tranh Nga-Ukraine, sự sụp đổ của đồng Rúp Nga được coi như một biểu tượng cho việc nền kinh tế Nga bị cô lập khỏi thế giới. Giờ đây, khi cuộc chiến bước sang tháng thứ hai, sự phục hồi mạnh mẽ của đồng Rúp đang khiến nhiều người bất ngờ. (An Huy).
- Nền tảng số mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy du lịch. Vượt trên cả một giải pháp đối phó với Covid-19, công nghệ sẽ tăng cường sức hút cho các điểm đến. Xu hướng du lịch trên nền tảng số được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch trong giai đoạn nỗ lực hồi phục rất khó khăn hiện nay. (Tường Bách).