Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2022
Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28 phát hành ngày 11-07-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Loạt diễn biến bất thường về giá cả bắt đầu xảy ra vào cuối tháng 2 khi bùng phát xung đột Nga – Ukraine khiến các quốc gia phương Tây thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt với Nga. Giá xăng dầu, giá gas, giá nhiều loại vật tư nguyên liệu và lương thực, thực phẩm thế giới tăng cao đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu “leo thang”. Cùng với đó, giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát là nguyên nhân chính làm CPI tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này trái ngược với quy luật chung của nhiều năm qua là sau Tết Nguyên đán, CPI thường giảm vào tháng 3 và tháng 4.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá sắt thép, xi măng tăng cao; giá ngô, đậu, cám gạo tăng 30 - 40%. Nếu tính riêng biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất, quý 2 năm 2022 tăng 2,23% so với quý trước và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất thập kỷ của giá nguyên, vật liệu gây áp lực tăng lạm phát. Tuy nhiên, việc chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2022 tăng thấp, chỉ 2,44%.
Trong số báo ra sáng thứ Hai, ngày 11/07/2022, chuyên mục Tiêu điểm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ phản ánh câu chuyện: "Diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm: Có đáng lo?" và phần nào giải đáp cho câu hỏi: Áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm với nền kinh tế Việt Nam như thế nào? Giá cả 6 tháng cuối năm còn tăng tiếp? Liệu mặt bằng giá cả cuối năm có bớt "sốc" so với đầu năm? Đâu là nút thắt cần gỡ để hạ nhiệt? Để giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4%, hạ thấp tỷ lệ lạm phát và ổn định thị trường tài chính tiền tệ, một số biện pháp là gì?...
Các bài viết bao gồm:
-“Bão giá” và vai trò “thuyền trưởng” của Nhà nước. Trong “bão giá”, nếu Nhà nước không sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết giá mặt hàng chiến lược xăng dầu, để mặc cho nó chìm nổi theo thị trường không được định hướng, tình hình kinh tế - xã hội chắc chắn phải đối mặt với nguy cơ mất ổn định; doanh nghiệp và người dân chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống. (Nguyễn Quốc Uy).
-Thấy gì từ tốc độ tăng các loại giá sản xuất, kinh doanh? Trong 6 tháng đầu năm 2022, các loại giá bao gồm các loại giá trực tiếp sản xuất, kinh doanh và giá tiêu dùng đã cùng tăng. Thấy gì từ tốc độ tăng các loại giá này? (Đỗ Văn Huân).
-“Thành trì” lạm phát 4% khó xuyên thủng? 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam chỉ tăng 2,44% và lạm phát cơ bản tăng 1,25% là tương đối thấp, trong khi lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới cao kỷ lục hàng chục năm và giá cả nhiều mặt hàng như xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu đầu vào của nền sản xuất tăng cao. Áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm với nền kinh tế Việt Nam vẫn rất lớn, tuy nhiên, dù tăng trưởng đạt trên 8%, vượt tốc độ nhiều năm trước đại dịch, thì lạm phát cũng chỉ chạm mức 4,1%... (PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính).
-Bất chấp “ẩn số” tăng giá nguyên nhiên liệu: Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát. Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới vẫn là “ẩn số” lớn nhất làm “lung lay” mục tiêu kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dư địa kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra còn khá lớn… (Trâm Anh).
-Ngăn hệ lụy từ giá xăng dầu tăng: Cắt giảm thuế hay hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt? Giá xăng dầu trong nước đã tăng kỷ lục hơn 50% so với cùng kỳ khiến nhiều ngành nghề còn mang nặng “di chứng” mang tên Covid-19 nay lại quay cuồng vì “bão” giá. Dù còn nhiều tranh cãi nên hỗ trợ kiểu “ném cát bụi tre”, cắt giảm thuế xăng dầu đồng loạt để mọi người dân cùng hưởng lợi hay hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt như một số quốc gia khác đã làm, nhưng các chuyên gia đều cho rằng “nút thắt” lớn nhất phải gỡ cuối năm là phải bằng mọi cách hạ nhiệt giá xăng dầu. (Ánh Tuyết).
-Rủi ro lạm phát: Nhìn từ cả 2 nhóm tác động và hỗ trợ. Mặc dù mức lạm phát bình quân trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát những tháng cuối năm có thể tăng cao và tạo áp lực lên mục tiêu tăng trưởng GDP. (Khánh Vy).
-Dư địa kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm còn lớn. Trong khi thế giới đang ám ảnh bởi “bóng đen” lạm phát dâng cao kỷ lục cùng lo ngại về thời kỳ suy thoái bắt đầu thì nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực cùng thành công trong công tác chỉ đạo, điều hành giá khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021 cùng lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Dù còn nhiều tranh cãi về sự “vênh” nhau giữa giá cả thực tế và con số thống kê, tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, rõ ràng, dư địa kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm vẫn còn lớn khi hàng loạt nhân tố đắc lực sẽ góp phần kiềm chế đà tăng giá cả. (Ánh Tuyết – Phan Linh).
-Cần khoan sức dân, doanh nghiệp sau đại dịch. Bước qua làn sóng Covid -19, nhiều doanh nghiệp, người dân chưa kịp thở phào vì những khó khăn khủng khiếp đã đi qua, nhưng niềm vui “bình thường mới” ngắn chẳng tày gang. Ngay sau chuỗi ngày gồng mình chống dịch bệnh, doanh nghiệp, người dân bắt đầu “ngấm đòn” vì xăng dầu tăng giá liên tục. (Hoàng Việt – Xuân Thiên – Quốc Cường).
Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:
-Tăng trưởng GDP kỳ vọng cả năm. Xuất phát từ kết quả trong 6 tháng đầu năm và những yếu tố tác động trong 6 tháng cuối năm, kỳ vọng cả năm 2022 GDP sẽ tăng trưởng tích cực. (Đào Lâm).
-Thị trường bất động sản đối mặt với hàng loạt thách thức. Thủ tục pháp lý phức tạp, thiếu quỹ đất và nguồn vốn đầu tư, lệch pha cung cầu, giá bán tăng nhanh… đang khiến thị trường nhà ở Việt Nam dù có nguồn cầu rất lớn và có động lực tăng trưởng mạnh song vẫn chưa thể phát triển lành mạnh, bền vững. (Phan Nam).
-Cơn sốt bất động sản toàn cầu hạ nhiệt. Giữa lúc lạm phát leo thang, thị trường chứng khoán trượt dốc và chiến tranh Nga-Ukraine tiếp diễn, nền kinh tế thế giới còn đang phải đối mặt với một rủi ro lớn nữa, đó là cơn sốt địa ốc giảm nhiệt nhanh ở nhiều quốc gia. (An Huy).
-Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Chiếc “phao vàng” chỉ dành cho “người khỏe”. Nghị định 31/2022/NĐ/CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là một trong những chính sách được mong đợi nhất năm nay và được ví như chiếc “phao vàng” giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn lưu động, giúp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, muốn được tiếp cận “phao vàng” doanh nghiệp phải khỏe mạnh. (Đào Vũ).
-Chuyển đổi và giảm phát thải carbon: Doanh nghiệp cần làm gì? Qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã “chiêm nghiệm” rõ rệt hơn vai trò, xu thế tất yếu và tác động tích cực của mô hình sản xuất, kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh nhằm tạo ra những giá trị mới cho xã hội. (Song Hà).
-Doanh nghiệp chủ động ứng phó với các thách thức cuối năm. Tỷ giá, lạm phát, tăng lãi suất được xác định là những trở ngại chính đối với doanh nghiệp nửa cuối năm 2022. Song, giới phân tích kỳ vọng cầu tiêu dùng trong nước và gói hỗ trợ kinh tế có thể là một cú hích thuận lợi cho các doanh nghiệp, giúp giảm bớt những tác động tiêu cực từ những “chướng ngại vật” không mong muốn. (Phan Linh).
-Đơn hàng dù nhiều, doanh nghiệp dệt may vẫn lo. Bắt đầu từ giữa quý 2/2022, những biến động về thị trường, tình hình lạm phát gia tăng trên thế giới khiến đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may bị chậm lại. Mặc dù đơn hàng dệt may vẫn khá dồi dào đến hết quý 3, nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn canh cánh nỗi lo về một xu hướng giảm vào cuối năm. (Lưu Hà).
-35 năm “đeo đuổi” công nghiệp hóa, vẫn phụ thuộc vào FDI. Sau 35 năm “đeo đuổi” mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Thế nhưng, kết quả này không đến từ khu vực doanh nghiệp trong nước, mà tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam chính là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). (Hương Loan).
-Phát triển năng lượng bền vững: Cần một chính sách tổng thể. Nhu cầu sử dụng năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng, trong khi các nguồn năng lượng tuyền thống như thủy điện, nhiệt điện đã được khai thác gần như tối đa, năng lượng tái tạo đã được khai thác nhưng cũng nảy sinh một số bất cập. Vì vậy, một chính sách tổng thể để phát triển năng lượng bền vững đang trở nên cấp thiết. (Huyền Vy).
-Phát triển thị trường hàng không bền vững. Việc trở lại cuộc sống bình thường đặt ra nhu cầu cấp thiết phải phát triển ngành hàng không vũ trụ bền vững cho tương lai của tất cả các bên. (Jacqueline Lam- Trưởng khu vực Đông Nam Á, Chính sách Bền vững toàn cầu và quan hệ đối tác, Boeing International và Michael Nguyen - Giám đốc Quốc gia Boeing Việt Nam).
-Xuất khẩu đồ gỗ lao đao trước “bão” lạm phát toàn cầu. Trong giai đoạn “sóng gió” Covid-19, xuất khẩu ngành gỗ vẫn tăng trưởng cao, tăng 18% về giá trị trong năm 2021. Nhưng nay khi đại dịch Covid-19 đang dần qua đi, xuất khẩu đồ gỗ lại giảm, nguyên nhân do đâu? (Chu Khôi).
-“Khoảng trống” an sinh xã hội: Cần nhanh chóng lấp đầy. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội. Đây là một nhận định đáng lưu ý và là bài toán cần xem xét để tránh gánh nặng đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai. (Lý Hà).
-“Khát” nhân lực ngành Blockchain. Blockchain đang là một trong những ngành công nghệ phát triển rất “nóng” ở Việt Nam thời gian gần đây, thu hút sự quan tâm, nguồn lực của các “ông lớn” công nghệ, các startup khởi nghiệp cũng như các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, nhân sự Blockchain hiện không tương xứng với tốc độ phát triển nóng của ngành. (Đỗ Phong).
-Du lịch chữa lành: Trở thành xu hướng lâu bền. Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh gia tăng đã khiến con người ngày càng chủ động chăm sóc sức khỏe, mong muốn giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống. (Tường Bách).
-Trách nhiệm nặng nề để bảo đảm thực phẩm an toàn. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn tồn tại không ít bất cập, khó khăn. Để làm tốt hơn nữa công tác an toàn thực phẩm trong thời gian tới, ngoài các cơ chế chính sách của Nhà nước, rất cần sự vào cuộc của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới. (Vũ Khuê).