16:00 07/08/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32 phát hành ngày 08-08-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Kinh tế thế giới đang có nhiều biến động khó lường, buộc nhiều nước phải có những phản ứng chính sách linh hoạt. Fed và nhiều ngân hàng trung ương đã có các đợt tăng lãi suất trước sức ép lạm phát; khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên trầm trọng khi cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có hồi kết và các nước châu Âu phải đương đầu với hạn hán, thiếu hụt khí đốt cho mùa đông khắc nghiệt đang đến gần; đặc biệt kinh tế Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng trong bối cảnh thực hiện Zero Covid.

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2022 theo mô tả của IMF là “u ám và bất định”.

Với bối cảnh “u ám và bất định” như trên, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào? Với các tác động của việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng tới kinh tế như trên, Việt Nam đã chịu tác động ra sao? Sắp tới, sự điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá cần linh hoạt ra sao để đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, tạo cơ hội thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội?...

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 8/8/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn Tiêu điểm: "Những tác dụng phụ từ bài thuốc chống lạm phát của Fed" để phản ánh và ghi nhận phần nào lời giải cho các câu hỏi trên từ các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp. 

 Các bài viết bao gồm:

 -Nỗ lực chống lạm phát của Fed: Có như ý? Khi “cơn sốt” lạm phát ở Mỹ ngày càng tăng nhiệt, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã áp dụng “bài thuốc” tăng lãi suất mạnh tay và liên tiếp. Hiện chưa rõ nỗ lực chống lạm phát này của Fed có mang lại hiệu quả như mong muốn hay không, nhưng sức ép nợ nần ở các nền kinh tế phát triển và nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ đã hiện lên khá rõ. (An Huy).

-Chính sách tài khóa, tiền tệ cần linh hoạt và thích ứng. “U ám và bất định” là những gì mà nền kinh tế thế giới đang trải qua trước cú sốc giá xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào. Để ngăn chặn đà tăng “phi mã” của lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, buộc phải nâng lãi suất lên mức cao kỷ lục hoặc chưa từng có tiền lệ trong nhiều năm trở lại đây. P/v ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Đặng Hương).

-Yếu tố tác động lên chỉ số giá tiêu dùng. Theo các chuyên gia, vòng xoáy lạm phát thường lặp lại từ 2 - 3 vòng, hiện mới chỉ vòng 1, vòng 2 và 3 sẽ đè nặng từ nay đến cuối năm, thậm chí sang đầu năm 2023. Một điểm khác của lạm phát ở Việt Nam là do chi phí đẩy, yếu tố tiền tệ là thứ yếu. Bởi vậy, việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ giá nguyên vật liệu, xăng dầu, thực phẩm… sẽ quyết định hiệu quả hoạt điều hành lạm phát. (Phan Linh).

-Xăng giảm hơn 7.000 đồng nhưng giá hàng hóa và vận tải vẫn neo cao. Giá hàng hóa thiết yếu và giá cước vận tải vẫn đắt đỏ, dù giá xăng dầu liên tiếp giảm sâu 4 lần. Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đang tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý tình trạng tăng giá bất hợp lý... (Ánh Tuyết).

-Chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng định lượng. Mới đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp tương đối “rắn” trong điều hành tiền tệ, trong đó có vấn đề nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo giới chuyên môn, mặc dù tiền tệ không phải lực đẩy chính tạo nên lạm phát ở Việt Nam nhưng ứng xử của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết trong bối cảnh lạm phát được dự báo tăng mạnh từ nay đến đầu năm 2023. (Đào Vũ).

-Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm 2022. Với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi quy mô GDP, nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm có độ mở cao nhất thế giới nên dễ bị tổn thương từ các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức ở giai đoạn hậu đại dịch, trong đó vấn đề kiểm soát lạm phát được đặc biệt quan tâm. Liệu Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% theo như mục tiêu mà Quốc hội đặt ra vào đầu năm?  (Tú Uyên).

Cùng các chuyên mục hấp dẫn khác:

-Cải cách môi trường kinh doanh: Khắc phục tâm lý “kháng cự” có chiều hướng gia tăng. Tâm lý “làm là sợ” hay “kháng cự” trong cải cách môi trường kinh doanh đang làm gia tăng những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt giữa lúc áp lực lạm phát và thiếu hụt nguồn cung. (Anh Nhi).

-Cơ cấu kinh tế và vấn đề đặt ra. Từ xa xưa Ông Cha ta đã dạy “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng” - vừa đề cập đến vai trò của từng ngành, vừa được hiểu tổng quát là “cơ cấu kinh tế” như hiện nay các chuyên gia đã gọi. (Đỗ Văn Huân).

-Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là con đường phát triển bền vững. Trước những nguy cơ thách thức ô nhiễm môi trường hiện nay, chuyển đổi xanh dựa nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống. (Đức Phan).

-Gỡ nút thắt gây mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật. Nhu cầu sửa đổi Luật Đất đai rất lớn bởi nhiều bất cập đang cản trở doanh nghiệp. Việc sửa đổi không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong thực tiễn, giảm rủi ro pháp lý cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động, mà còn góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh… (Vũ Khuê).

- Mục tiêu 1 triệu nhà ở xã hội: Có cơ chế vẫn khó thực hiện. Vấn đề xây nhà ở xã hội với đích nhắm 1 triệu căn vào năm 2030 lại một lần nữa  làm “nóng”  hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây. Sự có mặt của các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản cho thấy sự cầu thị và quyết tâm thực hiện mục tiêu này khi cơ chế chính sách được tháo gỡ theo hướng thực chất hơn. (Phan Dương).

-Tắc vốn, giá bất động sản sẽ giảm. Tại một hội thảo cuối tuần trước, các chuyên gia cho rằng, mặc dù nguồn cung thiếu hụt khi hàng nghìn dự án đình trệ do vướng pháp lý nhưng vì dòng vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp bị thu hẹp nên thời điểm cuối năm, giá bất động sản có thể giảm tới 30%. (Ánh Tuyết).

-Nhà đầu tư tấp nập mở rộng bất động sản công nghiệp. Xu hướng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam khiến nhu cầu thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng tăng cao. Đó là lý do khiến bất động sản công nghiệp hút khách và nhiều nhà đầu tư tăng cường mở rộng mặt bằng khu công nghiệp. (Ngân Hà).

-Thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long: Thoát nhanh khỏi “ba vòng xoáy”. Mô hình phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã chạm ngưỡng, cần có mô hình phát triển mới. Việc tăng trưởng và phát triển của vùng phải được nâng cấp, thay đổi phù hợp với thời đại mới, cần tháo gỡ những nút thắt kìm hãm sự phát triển… (Song Hà).

-Thiếu nguyên liệu, xuất khẩu thủy sản giảm tốc. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng “nóng” từ 39% đến 62% trong 4 tháng đầu năm, từ tháng 5/2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hạ nhiệt, tốc độ tăng trưởng chậm lại. (Chu Khôi).

-“Bắt bệnh” khó giảm cước vận tải. Việc điều chỉnh giá cước vận tải khó chạy theo đà giảm của giá xăng dầu do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, việc quá chậm giảm giá cước sẽ gây phương hại đến lợi ích người tiêu dùng. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải sẽ áp chế tài mạnh với những đơn vị vi phạm, thậm chí thu hồi phù hiệu kinh doanh, cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện đẩy nhanh việc kê khai giá cước. (Anh Tú),

-Xung quanh dự định thu phí người dùng cá nhân của Zalo. Dù chưa chính thức áp dụng thu phí với người dùng cá nhân, nhưng mạng xã hội Zalo (thuộc Công ty Cổ phần VNG) đang nhen nhóm các kế hoạch để “bắt” người dùng cá nhân trả tiền bằng các gói cước đã định hình. (Thủy Diệu).

-Tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Không chỉ là nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải, trung hòa carbon vào năm 2050

như Việt Nam đã cam kết tại COP26, tiết kiệm năng lượng còn là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp trước những mong muốn của người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm xanh hơn, tốn ít năng lượng hơn. (Tuệ Mỹ).

-Nắm bắt cơ hội và lợi thế về nhân lực: Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng điều chỉnh, chuyển dịch rõ ràng bởi những tác động  của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine, căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung Quốc… Tuy vậy, Việt Nam vẫn có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này. (Dũng Hiếu).

-Phòng tránh rủi ro: Xuất khẩu gia vị sang Trung Đông, châu Phi. Trung Đông, châu Phi có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu gia vị từ Việt Nam. Song, nhà nhập khẩu luôn đề nghị các nhà xuất khẩu Việt Nam đóng gói, dán nhãn mác theo thương hiệu riêng của họ, vì thế việc khẳng định thương hiệu Việt Nam tại thị trường này rất mờ nhạt... (Vũ Khuê).

-Các quỹ phòng hộ hứng thua lỗ lịch sử. Năm 2022 có thể trở thành một trong những năm thua lỗ tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành quỹ phòng hộ (hedge funds). Nhà đầu tư rót vốn vào các quỹ phòng hộ đang nổi giận vì nhiều nhà quản lý quỹ không ứng phó kịp thời với biến động trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu. (Bình Minh).

-An ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa vì thiếu mưa ở Ấn Độ. Nguồn cung lúa gạo có thể nổi lên thành một thách thức mới đối với an ninh lương thực toàn cầu do tình trạng thiếu mưa ở các vùng canh tác của Ấn Độ, khiến diện tích trồng trọt ở nước này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. (Trang Linh).

-Cửa hàng xa xỉ “khoác áo” công nghệ. Ngành bán lẻ thời trang vốn đã tồn tại nhiều bất cập trong vòng 10 năm qua và đại dịch Covid -19 đã đẩy ngành này giải quyết theo hướng số hóa các trải nghiệm mua sắm. Rồi đây, các cửa hàng sẽ giống như các trang web và trang web sẽ giống như các cửa hàng. (Minh Nguyệt).

Quý vị độc giả có thể đặt mua Tạp chí Kinh tế Việt Nam tại đây.