13:37 12/04/2017

Donald Trump - Tập Cận Bình điện đàm chuyện Triều Tiên

An Huy

Trump nêu khả năng “tự giải quyết” vấn đề Triều Tiên, trong khi Triều Tiên đe có thể dùng vũ khí hạt nhân

Từ trái sang: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, và Tổng thống Mỹ Donald Trump.<br>
Từ trái sang: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, và Tổng thống Mỹ Donald Trump.<br>
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/4 đã có một cuộc điện đàm thảo luận vấn đề Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo này leo thang mạnh mấy ngày gần đây.

Hãng tin CNN dẫn một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm, ông Tập nói với ông Trump rằng giải pháp cho căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cần phải đạt được thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Trung Quốc ủng hộ giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình và sẵn sàng duy trì liên lạc và hợp tác với Mỹ về vấn đề bán đảo Triều Tiên”, tuyên bố dẫn lời ông Tập nói với ông Trump.

Cuộc điện đàm diễn ra một tuần sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung ở Florida, Mỹ.

Về vấn đề Syria, ông Tập nói: “Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học nào cũng là điều không thể chấp nhận. Chúng ta cần giữ vững định hướng giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp chính trị. Duy trì sự đoàn kết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là điều rất quan trọng để giải quyết vấn đề Syria và tôi hy vọng Hội đồng Bảo an sẽ cất tiếng nói chung”.

Trước đó, vào ngày 11/4, ông Trump cho biết trong cuộc gặp với ông Tập, ông đã ra “tối hậu thư” rằng nếu Trung Quốc giải quyết được cuộc khủng hoảng Triều Tiên thì Bắc Kinh sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại tốt với Washington.

“Tôi đã giải thích với Chủ tịch Trung Quốc rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ tốt hơn nhiều cho họ nếu họ giải quyết vấn đề Triều Tiên”, ông chủ Nhà Trắng viết trên mạng xã hội Twitter như một lời cảnh báo đối với Trung Quốc.

Ông John Engler, cựu Chủ tịch Business Roundtable, một tổ chức của các doanh nghiệp Mỹ, gọi “củ cà rốt” mà ông Trump đưa ra cho Trung Quốc trong quan hệ thương mại là “hơi mới một chút”. “Tôi không biết liệu có ai biết chính xác điều này có nghĩa là gì không. Tôi thì cho rằng điều đó có nghĩa là hai bên sẽ có một mối quan hệ tốt hơn, có thể đàm phán nhiều hơn”, ông Engler nói.

Trong một dòng trạng thái (tweet) khác cùng ngày, ông Trump viết: “Triều Tiên đang tự chuốc lấy rắc rối. Nếu Trung Quốc quyết định giúp đỡ, thì điều đó thật tốt. Còn nếu không, chúng tôi sẽ tự giải quyết vấn đề mà chẳng cần đến họ!”.

Cũng trong ngày 11/4, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã cảnh báo nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Mỹ nếu có bất kỳ dấu hiệu xâm lược nào từ Mỹ.

“Quân đội cách mạng hùng mạnh của chúng ta đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của kẻ thù, với tầm ngắm hạt nhân của chúng ta hướng về các căn cứ xâm lược của Mỹ, không chỉ ở Triều Tiên và khu vực Thái Bình Dương, mà còn ở cả Mỹ đại lục”, tờ báo Rodong Sinmun của Triều Tiên viết trong một bài xã luận.

Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh một nhóm chiến hạm Mỹ dẫn đầu bởi tàu sân bay USS Carl Vinson được Lầu Năm Góc điều tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên để thị uy. Giới quan sát cảnh báo Triều Tiên có thể sắp tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu hoặc phóng thử tên lửa tầm xa trong tháng 4 này, tháng có nhiều ngày kỷ niệm lớn của Triều Tiên, bao gồm sinh nhật cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Trao đổi với kênh Fox News ngày 11/4, Tổng thống Trump nói nhóm chiến hạm trên là một “hạm đội”. “Chúng tôi đang cử một hạm đội tới đó. Rất hùng mạnh. Chúng tôi có tàu ngầm. Rất là mạnh. Mạnh hơn nhiều so với hàng không mẫu hạm đó. Tôi có thể nói với các bạn như vậy”, ông Trump nói.

Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho hay hải quân Nhật dự định sẽ tiến hành tập trận chung với nhóm chiến hạm Mỹ được điều tới gần bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận chung này sẽ là một cuộc phô trương lực lượng nhằm ngăn ngừa một vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa tiếp theo của Bình Nhưỡng.