Đồng hồ siêu phẳng RM Up-01 Ferrari cần hơn 6.000 giờ phát triển
Là sản phẩm hợp tác giữa hai "tượng đài" trong lĩnh vực xe hơi và đồng hồ, RM UP-01 Ferrari chỉ dày 1,75mm tính từ mặt số đến hết nắp sau, kém 0.05mm so với chiếc Bvlgari Octo Finissimo Ultra, nhờ đó chính thức soán ngôi để trở thành mẫu đồng hồ cơ mỏng nhất thế giới…
Hồi cuối tháng 3/2022, Bvlgari lập kỷ lục khi tạo ra Octo Finissimo Ultra, chiếc đồng hồ đeo tay có độ dày chỉ 1.8 mm, mỏng hơn cả một đồng 10 xu Euro. Con số này cho phép Bvlgari phá kỷ lục trước đó của đại kình địch Piaget, với chiếc Altiplano Ultimate Concept dày 2.0 mm. Nhưng tin không vui cho Bvlgari là Richard Mille đã vào cuộc, với RM UP-01 Ferrari.
Richard Mille khẳng định đây là chiếc đồng hồ cơ học mỏng nhất mà thương hiệu này từng chế tạo trên thị trường. Để dễ hình dung, ngay cả khi 6 chiếc RM UP-01 được xếp chồng lên nhau, chúng cũng không dày bằng chiếc Apple Watch Series 7 (10,7mm). Với độ dày chỉ 1,75 mm, RM UP-01 Ferrari là một chiến tích về kỹ thuật. Chiếc đồng hồ thể hiện cách tiếp cận mới của những nghệ nhân thủ công nhà Richard Mille.
Richard Mille cho biết hãng đã mất hơn 6.000 giờ công để phát triển mẫu RM UP-01 Ferrari. Trong quá trình đó, các kỹ sư đã dùng titan để chế tạo bánh xe cân bằng - trái tim của chiếc đồng hồ, cùng với một bộ thoát độc đáo để truyền năng lượng tới bánh xe cân bằng. Đồng thời, Richard Mille quyết tâm giữ lại cấu trúc truyền thống. Bộ máy đồng hồ được lắp bên trong vỏ, thay vì một bộ máy được đặt trong bộ vỏ có khung máy liền với mặt lưng. Tất cả để đảm bảo khả năng chống sốc toàn diện trong mọi trường hợp.
Julien Boillat, Giám đốc kỹ thuật Richard Mille, giải thích: “Chúng tôi dành tất cả kiến thức tích lũy được qua nhiều năm thực hành và mọi tiêu chuẩn về sản xuất đồng hồ bạn có thể hình dung để tạo ra RM UP-01 Ferrari. Chúng tôi còn hợp tác với các phòng thí nghiệm của Audemars Piguet Le Locle trong một quá trình cực kỳ khắt khe và lâu dài”.
Sự hợp tác giữa Richard Mille và Ferrari thể hiện rõ ràng nhất trong việc lựa chọn vật liệu và quá trình chế tác đồng hồ, để tạo nên một cỗ máy thời gian mang đậm tinh thần thể thao. Về chất liệu, Richard Miller đã sử dụng 90% titan + 6% nhôm + 4% hợp kim vanadi cho tấm đáy rỗng và tấm cầu của chiếc đồng hồ này. Sự kết hợp này thường được thấy trong các ứng dụng hàng không vũ trụ tiên tiến, nơi nó có lợi thế về độ bền cao hơn so với vật liệu titan tinh khiết thương mại.
Để chế tác nên một chiếc đồng hồ siêu phẳng, Richard Mille phân bổ những gì không thể xếp chồng lên nhau trên một diện tích bề mặt rộng hơn. Thương hiệu tạo ra sự cộng sinh hoàn hảo giữa bộ chuyển động và bộ vỏ. Bộ chuyển động lên dây cót bằng tay RM UP-01 Ferrari với cơ chế giờ, phút và lựa chọn chức năng. Cỗ máy thời gian này có khả năng chịu được gia tốc trên 5.000 g (tức là gấp 5 nghìn lần trọng lực trái đất); dày chỉ 1,18 milimét, trọng lượng 2,82 gam và dự trữ năng lượng 45 giờ.
Để đảm bảo hoạt động tối ưu của hệ thống bánh răng, tấm khung và cầu đỡ được chế tác bằng titanium cấp độ 5, đảm bảo độ phẳng hoàn hảo mà không ảnh hưởng đến sức mạnh. Bộ cót phẳng bổ sung đã được cấp bằng sáng chế được trang bị một dây tóc cực kỳ tốt và cấu trúc của bộ thoát được thiết kế lại hoàn toàn. Để giảm độ dày của đồng hồ, tấm đỡ của bánh xe cân bằng và chốt bảo vệ – hai bộ phận ngăn không cho mỏ neo trượt trở lại trong giai đoạn chuyển động tự do của bánh xe cân bằng – đã được loại bỏ. Bộ thoát siêu phẳng mới, cũng được cấp bằng sáng chế, thay thế các bộ phận ‘chống đảo ngược’ này bằng một cái nĩa dài với các nhánh được sửa đổi.
“Ngay cả với giới hạn siêu phẳng, chúng tôi vẫn quyết tâm tạo ra một chiếc đồng hồ đáp ứng các yêu cầu sử dụng, giống như tất cả các cỗ máy thời gian Richard Mille khác. Đây không phải là một mẫu đồng hồ concept, mà còn đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của người sử dụng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào,” Salvador Arbona, Giám đốc kỹ thuật bộ phận sản xuất bộ chuyển động tại Richard Mille chia sẻ.
Bộ vỏ của RM UP-01 Ferrari chế tác từ titanium. Vật chất này đáp ứng độ dày chỉ 1,75 mm và chống nước ở độ sâu 10 mét. Hai lớp kính sapphire được giảm độ dày xuống còn 0,2mm. Độ mỏng cực cao của từng bộ phận đòi hỏi các nghệ nhân của Richard Mille đặc biệt tỉ mỉ. Mọi công đoạn gia công được kiếm tra chất lượng nghiêm ngặt.
Mặt đồng hồ rộng 51 mm và ngay lập tức cho phép người nhìn vào nhận ra sự liên quan giữa đồng hồ với Ferrari thông qua logo ngựa chồm của Ferrari. Nửa trên mặt số, chính giữa là mặt chỉ thị giờ và phút, bên phải là cót trữ năng lượng để lộ. Góc trên bên trái mặt số là núm chọn giữa chỉnh giờ và lên cót. Sau đó mới nhìn xuống núm chỉnh phía dưới, vặn theo chiều kim đồng hồ để lên cót, hoặc vặn tự do để chỉnh giờ.
Cần nói thêm rằng đây là đồng hồ thủ công 100% không sử dụng linh kiện điện tử, bởi không loại pin nào có thể để vừa bộ khung mỏng nói trên. Điều này đồng nghĩa người dùng thi thoảng sẽ phải lên dây đồng hồ để đảm bảo chúng vận hành. Quy trình này không thể thực hiện mọi lúc mọi nơi mà cần dụng cụ, là dùng tuôcnơvit vặn lại cơ chế quay thông qua khe hẹp quan sát được trên mặt đồng hồ.
Mang trong mình tinh thần của huyền thoại sản xuất ô tô Ý và các di sản của Richard Mille, chỉ có 150 chiếc RM UP-01 Ferrari được sản xuất trên toàn cầu. Giá bán lẻ mỗi chiếc được đưa ra là 1,888 triệu USD (khoảng 44 tỷ đồng).