Đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng sụt giảm giá trị do thừa nguồn cung
Được biết, các dòng đồng hồ được săn tìm nhiều nhất trên các thị trường thứ cấp phần lớn là của “bộ ba” Rolex, Patek và Audemars Piguet, chiếm 71% tổng giá trị giao dịch của thị trường đồng hồ cao cấp thứ cấp…
Theo tờ The Cut, trước đây, sự khan hiếm chính là yếu tố thổi giá những chiếc đồng hồ xa xỉ. Số đông khách hàng không thể đến cửa hàng Rolex, Audemars Piguet, Patek Philippe hay Richard Mille và lựa chọn chiếc đồng hồ trong bộ sưu tập mới nhất, vì chỉ những khách hàng lâu năm của thương hiệu mới tiếp cận được với những mẫu giới hạn được săn đón trên thị trường.
Vì vậy, khách hàng buộc phải tìm đến thị trường xám, nơi những người bán không quan tâm bạn là ai, miễn là bạn có tiền hoặc thật nhiều tiền. Bởi những chiếc đồng hồ sẽ bị tăng giá cao hơn hàng chục nghìn USD so với giá bán lẻ được đề xuất từ thương hiệu.
Thú vị là, Tiktok và Instagram nổi lên như sàn giao dịch điện tử mới, nơi những chiếc đồng hồ được bán chỉ trong vài phút. Để làm được điều này, các kênh bán hàng second hand, với sự linh doạn trong thế giới số, đã đẩy mạnh số lượng người đăng ký trên kênh Youtube và Instagram. Họ cũng tặng đồng hồ cho nhiều bạn bè nổi tiếng trên Instagram để thu hút sự chú ý của truyền thông.
Thị trường đồng hồ thiết kế dần trở nên phổ biến hơn nhưng khi nhu cầu tăng cao, các công ty vẫn giữ chiến lược sản xuất giới hạn. Tại Châu Á và Trung Quốc, thị trường đồng hồ thiết kế từng bị sụp đổ, một phần do chính sách rà soát, xử phạt hành vi tham ô, hối lộ cho các quan chức cấp cao để được ưu ái. Điều này dẫn đến việc tăng số lượng đồng hồ mới có sẵn từ các nhà bán lẻ.
Thay vì để những chiếc đồng hồ được bán lẻ với mức chiết khấu cao, các nhà sản xuất bao gồm Richemont đã dành hai năm để mua lại khoảng 500 triệu euro trong kho đồng hồ của chính họ và tiêu huỷ toàn bộ. Sự khan hiếm đột ngột đẩy thị trường đồng hồ tăng vọt.
Thời kỳ tăng giá mạnh nhất là vào năm 2021 đến quý 1/2022. Nhưng hiện tại, giá trị bán lại của các mẫu đồng hồ vốn được săn lùng nhiều nhất như Daytona đã giảm 21% kể từ mức đỉnh được ghi vào tháng 4 vừa qua, Nautilus của Patek Philippe cũng lâm vào tình cảnh trên khi giảm đến 19% giá bán trên thị trường thứ cấp và Audemars Piguet Royal Oak cũng giảm đến 15%.
Song một số thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ khác lại đang ngược sóng, có thể kể đến như thương hiệu Bvlgari ghi nhận mức tăng 1%, A. Lange & Sohne tăng 3% hay nhà sản xuất đồng hồ độc lập Girard Perregaux có mức tăng đến tăng 5%.
Một ví dụ về sự sụt giảm giá là chiếc Vacheron Constantin Overseas 4500V/110A-B483. Mẫu đồng hồ thể thao bằng thép, được sản xuất bởi thương hiệu thuộc sở hữu của Richemont với giá bán lẻ là 22.500 USD, đạt mức cao nhất là 39.900 USD trên thị trường thứ cấp vào tháng 4, nhưng hiện được giao dịch ở khoảng 30.900 USD, cho thấy sự sụt giảm tương đối về giá, dù vẫn cao hơn giá bán lẻ.
Theo Bloomberg, chính việc dư thừa nguồn cung trên thị trường xám đã dẫn đến việc đồng hồ thứ cấp rớt giá không phanh. “Với nguồn cung dồi dào và bối cảnh kinh tế vĩ mô dần xấu đi, chúng tôi tin rằng giá đồng hồ bán lại sẽ tiếp tục giảm so với quý trước”, theo chuyên gia phân tích của Morgan Stanley nhận định.
Hiện chỉ số giá trị đồng hồ toàn thị trường đã giảm đến 9% trong quý 3/2022 so với quý trước. Tuy nhiên, giá đồng hồ hạng sang thứ cấp vẫn có mức giảm thấp hơn so với nhiều loại tài sản khác trong vòng 18 tháng qua. Trong khi giá của 30 chiếc đồng hồ Rolex được giao dịch nhiều nhất trên thị trường thứ cấp đã giảm 8% trong quý này, chúng vẫn tăng 21% tích lũy kể từ tháng 1/2021.
Bên cạnh đó, Bloomberg đưa tin phân khúc đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng dự kiến tăng 75% vào cuối thập kỷ này, chiếm gần một nửa thị trường chung, và những khách hàng trẻ tuổi đang thúc đẩy xu hướng này. Công ty tư vấn Deloitte cho biết doanh số hàng năm của đồng hồ đã qua sử dụng sẽ tăng lên 35 tỷ USD vào năm 2030, từ khoảng 19 tỷ USD hiện nay. Con số được công bố trong một báo cáo khảo sát người tiêu dùng và giám đốc điều hành thương hiệu đồng hồ.
Deloitte hy vọng sẽ có thêm nhiều thương hiệu triển khai các kênh bán hàng riêng trên thị trường thứ cấp để giành thêm thị phần và mua lại cổ phiếu, đồng thời quản lý nguồn cung. Báo cáo của Deloitte cũng dự đoán rằng các nền tảng bán hàng cũ như Chrono24, Sabadial, Watchbox và Hodinkey sẽ tiếp tục được mở rộng. Karine Szegedi, người đứng đầu bộ phận tiêu dùng, thời trang và cao cấp tại Deloitte Thụy Sĩ, cho biết những người sở hữu đồng hồ cao cấp rồi bán lại sau này có thể sẽ nhận được khoản tiền lời tiềm năng rất lớn.