09:06 09/11/2022

Giá cả leo thang, nhiều thương hiệu mở dịch vụ cho thuê quần áo

Băng Hảo

Dịch vụ cho thuê trang phục và kinh doanh sản phẩm thời trang đã qua sử dụng đều được xem là những mô hình chính yếu cấu thành thời trang tuần hoàn. Hơn thế, mọi người nóng lòng muốn diện những bộ đồ mới sau đại dịch nhưng “túi tiền” thì lại eo hẹp hơn…

Ảnh: Just Style
Ảnh: Just Style

Khách hàng thế hệ gen Z hiện nay rất quan tâm tới thời trang, nhưng họ cũng quan tâm tới môi trường và yếu tố bền vững trong ngành may mặc. Bởi vậy, cho thuê trang phục thời trang là một xu hướng kinh doanh đang ngày càng nổi trên thị trường hiện nay. Không chỉ là những bộ cánh trang trọng cho những dịp đặc biệt, những kiểu trang phục thường ngày cũng được người dùng đẩy lên các nền tảng cho thuê với số lượng lớn.

Thực tế là, người tiêu dùng mặc đồ, chụp ảnh rồi đăng lên các trang mạng xã hội và họ có thể không muốn mặc lại nữa. Vì vậy họ sẽ tìm cách để có nhiều trang phục khác nhau mà không cần phải mua liên tục. Điều này kích thích nhu cầu cho thuê quần áo tăng khiến cho các hãng bán lẻ lớn cảm thấy hấp dẫn.

Marks & Spencer mới đây đã hợp tác cùng Hirestreet, cho phép khách hàng thuê tối đa 10 bộ mỗi tháng. Những bộ sưu tập như Comfy Cool (gồm quần legging giả da, áo hoodie, mũ bóng chày) hoặc Monochrome Moments (váy đen trắng và áo gile đen) hiện đều đã đang sẵn có trên Hirestreet với giá khoảng 39 bảng cho thời gian thuê 5 ngày. Dự kiến Marks & Spencer sẽ đưa tổng tộng 78 món đồ trang phục nữ giới, bao gồm quần, giày dép và phụ kiện vào chương trình lần này.

Theo chia sẻ từ Marks & Spencer, họ bắt đầu hợp tác và triển khai dịch vụ cho thuê đồ riêng lẻ từ một năm trước. Tiền đề cho chương trình này là vì có nhiều khách hàng mong muốn được thay đổi cách thức mua quần áo vì lo ngại biến đổi khí hậu. Bởi lẽ nếu xu hướng mua sắm cứ tiếp tục phát triển như hiện tại, thì đến năm 2050, thời trang chiếm đến 1/4 lượng khí thải carbon của thế giới. Thống kê cho thấy cứ 1 trong 10 người dưới 35 tuổi và 1 trong 20 khách hàng chọn cách thuê đồ như vậy.

Theo trang Fashnerd, khi được hỏi có muốn thuê quần áo Marks & Spencer hay không, có tới 98% khách hàng cho biết họ muốn.
Theo trang Fashnerd, khi được hỏi có muốn thuê quần áo Marks & Spencer hay không, có tới 98% khách hàng cho biết họ muốn.

Và khi khách hàng đã có nhu cầu, thì giới kinh doanh chắc chắn sẽ không bỏ qua. Đại diện từ Marks & Spencer cũng xác nhận rằng đây chính là cách để họ ủng hộ nhu cầu giảm lượng phát thải carbon của khách hàng. Ngoài Marks & Spencer, còn khá nhiều nhà bán lẻ nổi tiếng khác như Selfridges hoặc Primark cũng thử nghiệm nhiều cách khác nhau để giảm bớt tác động đến môi trường của ngành thời trang.

Bên cạnh môi trường, bối cảnh hiện nay vẫn còn tồn tại một lý do khác để dịch vụ thuê đồ lên ngôi, đó chính là lạm phát cao, giá cả leo thang, chi phí sinh hoạt bị thắt chặt. Khi đó thuê một món đồ chắc chắn sẽ rẻ hơn mua, đặc biệt nếu món đồ đó lâu lâu mới dùng. Chẳng hạn khách hàng có thể thuê váy da màu đen Marks & Spencer với giá 35 bảng cho bốn ngày, còn nếu muốn mua thì số tiền phải trả lên đến 250 bảng.

Hồi tháng 3 năm nay, Chủ tịch và CEO của Ralph Lauren, ông Patrice Louvet nói rằng chương trình cho thuê của hãng với tên gọi “The Lauren Look” là một thử nghiệm để tìm hiểu  thêm những ý kiến trực tiếp từ người tiêu dùng. Wardrobe, công ty ra mắt vào năm 2019, đang cho phép bạn thuê đồ từ tủ quần áo của những người nổi tiếng.

Trong khi đó, một trong những đối thủ cạnh tranh sừng sỏ của Wardrobe là Nuuly, cung cấp dịch vụ đăng ký cho phép khách hàng thuê 6 món một tháng với giá cố định 88 USD. Còn với Rent The Runway, dịch vụ này cung cấp đa dạng phong cách cũng như nhiều thương hiệu thời trang cao cấp hơn. Mức giá dịch vụ cũng tùy thuộc như cầu khách hàng, nhưng thấp nhất là 89 USD/tháng cho 4 sản phẩm.

Bên cạnh môi trường, bối cảnh hiện nay vẫn còn tồn tại một lý do khác để dịch vụ thuê đồ lên ngôi, đó chính là giá cả leo thang, chi phí sinh hoạt bị thắt chặt.
Bên cạnh môi trường, bối cảnh hiện nay vẫn còn tồn tại một lý do khác để dịch vụ thuê đồ lên ngôi, đó chính là giá cả leo thang, chi phí sinh hoạt bị thắt chặt.

“Bí quyết” xài hàng hiệu với giá bèo này thậm chí đã lan tới Trung Quốc – thị trường mới nổi tiếng với khả năng chi tiêu “phóng tay” cho đồ xa xỉ. Tại V2, một cửa hàng thời trang chuyên cho thuê đồ ở Bắc Kinh, những thanh niên trẻ thường xuyên lui tới mỗi khi có dịp phải dùng đến những mặt hàng xa xỉ cho các cuộc hẹn, họp hành hay ký kết hợp đồng quan trọng.

Một chiếc túi xách nam hiệu Louis Vuitton có giá bán lẻ là 1.600 USD, nhưng khách hàng chỉ cần trả 180 tệ (khoảng 29 USD) để sở hữu nó trong 3 ngày, hoặc cần 90 tệ để thuê chiếc ví giá 700 USD cho thời gian tương tự. “Tôi đủ tiền để mua bất kỳ thứ nào trong số các mặt hàng đắt đỏ này, nhưng thật tình tôi không thấy giá cả của nó hợp lý. Tuy nhiên, những thứ này giúp trau chuốt hình ảnh của tôi hơn khi xuất hiện trong những cuộc gặp trang trọng, do vậy tôi thuê thay vì mua”, một khách hàng tên Nhân Kiên Tùng nói.

Trong một nghiên cứu về xu hướng thời trang bền vững, Công ty tư vấn Bain & Company dự đoán, đến năm 2030, thời trang đã qua sử dụng sẽ chiếm khoảng 20% doanh số bán của thời trang toàn cầu, trong đó dịch vụ cho thuê trang phục chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, ngay cả khi các chuyên gia dự đoán lượng khách hàng cho loại hình thuê trang phục nhỏ hơn so với mua hàng đã qua sử dụng, tiềm năng vẫn hiện diện với 19% khách hàng có kế hoạch sử dụng dịch vụ này trong 5 năm tới, theo nghiên cứu của Globaldata.