Động lực để trở thành một nước phát triển vào 2045
Để trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải đạt tăng trưởng nhanh, đều đặn trong những năm tới
Giai đoạn 1963-1978 được coi là phát triển "thần kỳ" của Hàn Quốc. Nước này tăng trưởng liên tục gần 10%/năm, thậm chí giai đoạn 1973-1978 tăng hơn 11%/năm. Hàn Quốc từ một nước nghèo đã vượt qua mức thu nhập 10.000 USD/người vào những năm 90. Đến nay, thu nhập bình quân đã vượt 30.000 USD, thuộc nhóm G20.
Vào cuối thế kỷ trước, trong khi nhiều nước châu Á chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô, nông sản và khoáng sản, thì Hàn Quốc đã tìm cách xuất khẩu được radio, tivi màu. Chính việc chú trọng phát triển khoa học, sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng cao đã giúp nước này phát triển nhanh chóng.
Bài học "hóa rồng" của Hàn Quốc được coi là hình mẫu cho mục tiêu trở thành nước phát triển của Việt Nam vào năm 2045. Muốn vậy, Việt Nam phải đạt được tăng trưởng nhanh, đều đặn 25 năm nữa.
Theo nhiều chuyên gia, động lực quan trọng nhất giúp Việt Nam có thể đi nhanh và đạt được mục tiêu chính là nâng cao năng suất lao động bằng cách ứng dụng mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Khi nói về tầm nhìn Việt Nam 2030, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, và 2045, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến những mục tiêu rất cụ thể. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), một nước thuộc nhóm thu nhập trung bình cao khi đạt mức GDP khoảng 8.000-12.000 USD/người. Sau đó, khi vượt mốc 12.000 USD thì được coi là nước có thu nhập cao. Như vậy, để đạt được mục tiêu 2045, thu nhập bình quân đầu người khi đó của Việt Nam phải vượt 12.000 USD.
Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam là khoảng 2.800 USD (năm 2019). Theo Tổng cục Thống kê, nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót, con số có thể đạt trên 3.000 USD/năm. Như vậy, Việt Nam đã thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.
Để đạt được mục tiêu thu nhập cao sau 25 năm nữa, thì GDP phải tăng 4 lần mức hiện tại. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng, cho rằng muốn đạt được mục tiêu thì việc đầu tiên là phải duy trì đà tăng trưởng cao, liên tục và đều đặn trong 25 năm nữa. Bà đánh giá đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay.
Đầu tiên, khi quy mô kinh tế càng cao thì việc duy trì đà tăng trưởng càng khó khăn. Thực tế vào khoảng những năm 2000, khi quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ, việc đạt được mức tăng trưởng 7-8%/năm là khả thi. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi quy mô GDP vượt 200 tỷ USD/năm, thì để đạt được tăng trưởng 7%/năm đòi hỏi những nỗ lực rất lớn.
Ngoài ra, giữa bối cảnh thế giới luôn diễn biến phức tạp, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều thách thức, tác động từ bên ngoài, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng. Điển hình như dịch Covid-19 vừa qua đã kéo GDP 3 quý đầu năm 2020 chỉ đạt 2,12%.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, thì cho rằng nội hàm là một nước phát triển còn có việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, nước công nghiệp phát triển thì giá trị gia tăng công nghiệp chế biến chế tạo bình quân đầu người phải trên 2.500 USD.
Ngoài ra, chân dung một nước phát triển cũng có giáo dục phát triển, chỉ số phát triển con người HDI cao, có nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Là người có nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham Việt Nam), đánh giá Việt Nam đang có xuất phát điểm khá giống Hàn Quốc trước kia. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh vào những năm 70, 80, Chính phủ Hàn Quốc rất chú trọng đến việc phát triển khoa học, công nghệ, coi đây là động lực quan trọng để phát triển, và Việt Nam có thể học tập điều này.
Trước kia, Hàn Quốc nhanh chóng tìm cách sản xuất được vi mạch, phát triển công nghiệp bán dẫn, tìm tòi sản xuất được radio, TV đen trắng, rồi TV màu… Các doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc được khuyến khích phát triển. Do đó, khi mà các nước châu Á còn xuất khẩu nông sản và khoáng sản, Hàn Quốc đã xuất khẩu được những sản phẩm công nghệ ra thế giới.
"Chìa khóa để tăng trưởng nhanh chính là khoa học, công nghệ. Hiện nay còn có cả đổi mới sáng tạo nữa", ông Hong Sun đánh giá.
Đồng tình với điều này, PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích rằng trong bối cảnh hiện nay cần phải ứng dụng mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thì mới giúp tăng năng suất lao động, từ đó tạo ra những động lực mới, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trong những năm tới.
Ông Tuấn phân tích cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã chuyển dịch nhưng tỷ trọng nông nghiệp còn cao. Khu vực công nghiệp, ngành chế biến chế tạo đã có sự tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản xuất hàng gia công cho các hãng nước ngoài, hàm lượng giá trị gia tăng không cao.
Trong khi đó, năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4,791 USD). Theo sức mua tương đương (PPP) 2011, năng suất lao động Việt Nam năm 2019 đạt 11.757 USD, tăng 6,2% so với năm 2018, trở thành một trong những nước có tốc độ tăng năng suất cao nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, năng suất lao động của Việt Nam vẫn được cho là thấp. Theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam kém Singapore 13,2 lần; kém Malaysia 5,1 lần; kém Thái Lan 2,4 lần; kém Indonesia 1,8 lần…
"Chỉ có áp dụng mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, mới giúp tăng nhanh năng suất lao động", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng ngoài việc chú trọng khoa học, công nghệ thì vẫn phải thực hiện tốt các đột phá chiến lược, coi đó là những động lực quan trọng giúp tăng trưởng nhanh. Đó là việc cải thiện nhanh cơ sở hạ tầng, thể chế và giáo dục đào tạo.
Muốn phát triển khoa học công nghệ thì phải đầu tư mạnh cho giáo dục và đào tạo, khơi dậy nguồn lực con người. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và thể chế được cải thiện sẽ giúp thông thoáng cho môi trường đầu tư, kinh doanh, làm ăn của người dân và doanh nghiệp.
"Bẫy thu nhập trung bình" là từ mà nhiều nhà kinh tế dùng để miêu tả trạng thái một quốc gia không thể vươn lên trở thành một nước phát triển. Theo đó, nền kinh tế vượt qua mốc thu nhập thấp (dưới 1.000 USD/người) nhưng bị mắc kẹt ở mức này, không thể vươn lên thành nước có thu nhập cao (trên 12.000 USD/người).
Sự "mắc kẹt" này có các yếu tố như không còn lợi thế về giá nhân công rẻ như những nước có thu nhập thấp; cũng không có ưu thế về cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực trình độ cao và kỹ thuật - công nghệ hiện đại như những nước có thu nhập cao.
Theo các chuyên gia, "bẫy thu nhập trung bình" là một trong những thách thức rất lớn cho Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Nếu có những cải cách mạnh mẽ, tăng nhanh năng suất lao động, thì Việt Nam có thể "sập bẫy" thu nhập trung bình, khó vươn lên trở thành một nước phát triển.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nhấn mạnh đến thách thức từ sự phát triển bao trùm. Bà cho rằng chân dung một nước phát triển phải phát triển hài hòa, không ai bị bỏ lại phía sau, mọi vùng miền, mọi cộng đồng đều phải được quan tâm phát triển đúng mức. Do đó, trong thời gian tới, việc phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng cũng phải quan tâm đến an sinh, xã hội.
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng để nền kinh tế đủ sức chống chịu các tác động từ bên ngoài, cần phải quan tâm đến việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, coi là một trong những động lực quan trọng cho phát triển.
PGS TS Bùi Quang Tuấn đánh giá ngoài những thách thức, Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội để vươn lên. Ông nhắc đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi đó các nước sẽ tham gia một cuộc chơi mới, luật chơi mới, xuất phát điểm gần giống nhau. Đó là cơ hội để Việt Nam tận dụng, thu hẹp khoảng cách các nước đi trước.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có ý nghĩa rất quan trọng và Việt Nam sẽ phải tận dụng tốt cơ hội này.
Trong dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định những bước đi quan trọng để bắt kịp cuộc cách mạng này. Theo đó, Việt Nam sẽ quan tâm đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số.
Ngoài ra sẽ tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh, tạo nền tảng để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; hình thành và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu - phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Ông Bùi Quang Tuấn cho rằng cơ hội của Việt Nam còn đến từ dân số trẻ, lực lượng lao động đông đảo, thị trường rộng lớn. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia nhiều FTA với các nền kinh tế lớn, có thể tận dụng để phát triển sản xuất trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045 - cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của Dân tộc. Tuy nhiên, chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm.
"Vì vậy, năm nào tôi cũng muốn nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế", Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ luôn ý thức được chức năng kiến tạo, thúc đẩy, tạo cơ hội tốt nhất và công bằng nhất cho tất cả các địa phương và mọi tầng lớp nhân dân.