Đồng Nai: 19 dự án trọng điểm gặp vướng mắc, chậm tiến độ
Năm 2023, các dự án trọng điểm ở Đồng Nai được bố trí tổng nguồn vốn hơn 4.000 tỷ đồng. Đến đầu tháng 8, tỉnh mới giải ngân được trên 450 tỷ đồng, hầu hết các dự án đều gặp vướng mắc, chậm tiến độ…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai 19 dự án trọng điểm quốc gia và địa phương, chủ yếu là dự án hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án đều gặp vướng mắc, chậm tiến độ.
NHIỀU DỰ ÁN ĐANG GẶP KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Năm 2023, các dự án trọng điểm ở Đồng Nai được bố trí tổng nguồn vốn hơn 4.000 tỷ đồng (chiếm hơn 50% số vốn phân bổ cho các dự án của tỉnh). Tuy nhiên đến đầu tháng 8 này, tỉnh mới giải ngân được trên 450 tỷ đồng (đạt khoảng 11% kế hoạch).
Hiện nay Đồng Nai đang triển khai 3 dự án trọng điểm quốc gia. Trong đó, dự án thu hồi đất, tái định cư Sân bay Long Thành và 2 đường kết nối sân bay cơ bản đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, việc thi công các công trình xã hội vẫn còn “ì ạch”, khó đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể là việc thi công các công trình xã hội tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ Sân bay Long Thành vẫn còn 6 công trình (chủ yếu là trường học) đang bị chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có ba dự án thành phần, trong đó 2 dự án thành phần (thành phần 1, thành phần 2) thuộc địa bàn Đồng Nai, dù dự án đã khởi công gần 2 tháng nhưng tỉnh mới bàn giao được gần 6ha mặt bằng (tổng diện tích phải bàn giao gần 290ha); toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến chưa di dời.
Dự án này phải thu hồi đất của gần 4.000 hộ, trong đó có khoảng 1.500 hộ cần bố trí tái định cư. Tỉnh quy hoạch 4 khu tái định cư phục vụ dự án, song cả 4 khu đều chưa được xây dựng.
Với dự án thành phần 3, đường Vành đai 3 – TP.HCM đoạn qua Đồng Nai, tỉnh đang kiểm đếm đất đai, tài sản, tổ chức lựa chọn nhà thầu. Việc giải phóng mặt bằng tại dự án đang rất chậm.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết để triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 – TP.HCM đoạn qua Đồng Nai, các đơn vị cần sử dụng hơn 6 triệu m3 đất đắp nền. Tuy nhiên, trên địa bàn Đồng Nai hiện không có mỏ đất phục vụ dự án. Khảo sát cho thấy, tỉnh chỉ có thể tận dụng được khoảng 1,5 triệu m3 đất đắp từ các mỏ đang khai thác.
Về các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa; Hương Lộ 2 nối dài; đường ven Sông Đồng Nai; chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1;…các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tiến độ dự án chậm.
Điển hình là dự án nâng cấp đường tỉnh 768 (đoạn từ cầu Thủ Biên đến đường tỉnh 767, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) khởi công xây dựng vào tháng 11/2020 với thời gian thực hiện hợp đồng là 492 ngày.
Tuy nhiên, do gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên gói thầu này đã được gia hạn thời gian thi công 4 lần, hiện vẫn còn vướng mặt bằng của 2 hộ dân chưa giải tỏa được với khoảng 270 m chiều dài chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Những vướng mắc này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình , dự án cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
THÀNH LẬP TỔ CÔNG TÁC XÚC TIẾN DỰ ÁN
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh sau điều chỉnh, tổng vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 93.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng vốn đã bố trí tính đến hết năm nay là 35.000 tỷ đồng. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu giải ngân theo kế hoạch vốn ban đầu, trong 2 năm còn lại của giai đoạn này, Đồng Nai phải giải ngân được nguồn vốn khoảng 58.000 tỷ đồng. Đây là thách thức lớn và trong bối cảnh hiện nay, khó để có thể hoàn thành được mục tiêu này.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm, tỉnh Đồng Nai cũng đã kiến nghị Quốc hội, cơ quan Trung ương sớm phê duyệt hồ sơ điều chỉnh dự án thu hồi đất, tái định cư Sân bay Long Thành; cho tỉnh tạm ứng vốn ngân sách Trung ương để thanh toán các gói thầu bị chậm trễ tại Khu Tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Đồng thời, được bố trí tái định cư các hộ nhường đất phục vụ Cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu vào khu tái định cư phục vụ Sân bay Long Thành.
Hiện nay, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thành lập 5 tổ công tác và tiến hành phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo thực hiện, nhưng chưa có chuyển biến tích cực, đặc biệt tại thành phố Biên Hòa.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, tháo gỡ kịp thời những chậm trễ, tắc nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án; khẩn trương thẩm định giá đất; gấp rút hoàn thiện các thủ tục để xây dựng khu tái định cư, đảm bảo chỗ ở cho người dân nhường đất cho dự án.
Song song đó, tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu chủ đầu tư dự án tăng cường phối hợp cùng chính quyền địa phương nhằm xử lý các vướng mắc trong đền bù, giải tỏa, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, thời gian tới, các sở ngành cần tập trung hỗ trợ địa phương, ưu tiên nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện hiệu quả công việc được giao.