09:56 16/09/2021

Đồng Nai cho phép công nhân doanh nghiệp "3 tại chỗ" đi về nhà hàng ngày

Tuệ Mỹ

Để từng bước phục hồi kinh tế đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, UBND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra một số phương án “khá mở” đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn...

Ngày 15/9, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 với các Sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Theo ông Lĩnh, nhằm thực hiện kế hoạch mở cửa phục hồi kinh tế tại "vùng xanh" sau ngày 20/9, tỉnh Đồng Nai thống nhất cho phép các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hàng thiết yếu được phép hoạt động.

Về tư duy phòng chống dịch trong doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh chủ trương thúc đẩy các khu công nghiệp xanh, doanh nghiệp xanh trở lại hoạt động. Theo đó, những doanh nghiệp xanh được kết nối với địa phương xanh, đưa người lao động vào khu công nghiệp xanh để phục hồi sản xuất. Doanh nghiệp ở vùng xanh kết nối với công nhân vùng xanh thì hoạt động bình thường.

Nhưng doanh nghiệp xanh nằm trong vùng đỏ khi kết nối với công nhân lao động vùng xanh phải đảm bảo đưa rước công nhân an toàn, không được vi phạm các quy định phòng chống dịch, tránh lây nhiễm phức tạp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công nhân lao động trên đường từ nơi cư trú đến doanh nghiệp làm việc. Các doanh nghiệp phải cố gắng nỗ lực để duy trì sản xuất.

Giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn sản xuất.  Doanh nghiệp phải hoàn toàn chủ động ứng phó với dịch bệnh để duy trì sản xuất của doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vaccine, xét nghiệm phát hiện F0 nếu có (kế hoạch xét nghiệm do doanh nghiệp chủ động xây dựng); hỗ trợ cách ly F1, điều trị F0 cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo về dịch tễ, tổ chức không gian, khung pháp lý để ứng phó với dịch bệnh... Doanh nghiệp nào an toàn thì được tiếp tục sản xuất, doanh nghiệp nào không đảm bảo thì phải dừng sản xuất ngay để khắc phục. Chuyển trạng thái từ doanh nghiệp bị động sang doanh nghiệp chủ động, tích cực để xử lý các vấn đề dịch bệnh trong doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”, tiếp tục thực hiện các phương án như đã đăng ký. Để đảm bảo sản xuất liên tục, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện hoán đổi hoặc bổ sung người lao động để duy trì sản xuất nhưng phải đảm bảo các điều kiện: Không có trường hợp F0 trong vòng 14 ngày trước khi thực hiện hoán đổi và phải đảm an toàn cho người lao động khi thực hiện hoán đổi.

Đối với người lao động được hoán đổi ra, vào doanh nghiệp hoặc bổ sung vào doanh nghiệp phải ở khu vực "vùng xanh" tại địa phương, phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 trong 180 ngày.

Doanh nghiệp phải hoàn toàn chủ động ứng phó với dịch bệnh để duy trì sản xuất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải hoàn toàn chủ động ứng phó với dịch bệnh để duy trì sản xuất của doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, khi thực hiện hoán đổi hoặc bổ sung thì người lao động vào doanh nghiệp, phải được xét nghiệm lần 1 vào ngày đầu tiên bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, bố trí ở vùng đệm 3 ngày và xét nghiệm lại lần 2 bằng phương pháp RT-PCR trước khi đưa vào sản xuất. Đối với người lao động về địa phương, phải có kết quả xét nghiệm âm tính (còn hiệu lực trong vòng 3 ngày).

Việc hoán đổi tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nguyện vọng của người lao động. Số lượng lao động do doanh nghiệp tự quyết định. Bên cạnh đó doanh nghiệp có thể phối hợp địa phương cho người lao động đi, về hàng ngày với điều kiện: tỷ lệ lao động trong 7 ngày đầu tiên tổ chức cho từ 10 - 20% tổng số lao động của doanh nghiệp đi về hàng ngày, sau đó cứ mỗi 7 ngày tăng thêm từ 10 - 20% cho đến khi hết số lượng lao động của doanh nghiệp.

Đối với trường hợp doanh nghiệp không có trường hợp F0 trong vòng 14 ngày trước khi thực hiện và đảm bảo an toàn cho người lao động khi thực hiện việc đi, về hàng ngày. Tổ chức đi lại cho người lao động hàng ngày an toàn, không lây nhiễm bệnh. Người lao động được đi, về hàng ngày phải ở khu vực "vùng xanh" tại địa phương, phải được tiêm vaccine ít nhất một mũi (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 trong 6 tháng. Doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm định kỳ theo kế hoạch của doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp không thực hiện “3 tại chỗ” trước đây nhưng có nhu cầu hoạt động trở lại, lựa chọn thực hiện một trong hai trường hợp. Một là đăng ký các phương án “3 tại chỗ”; “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc linh động kết hợp cả hai phương án trên. Khi đó, người lao động phải đảm bảo ở khu vực "vùng xanh" tại địa phương. Phải được tiêm vaccine ít nhất một mũi (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 trong 180 ngày.

Người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên vào ngày thứ nhất và bằng phương pháp RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp 5 hoặc mẫu gộp 10) vào ngày thứ 3. Doanh nghiệp phải tổ chức xe đưa đón chở người lao động vào công ty để thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Các doanh nghiệp muốn cho người lao động đi, về hàng ngày phải đảm bảo tổ chức đi lại cho người lao động an toàn, không lây nhiễm bệnh. Người lao động được đi, về hàng ngày phải ở khu vực vùng xanh tại địa phương, được tiêm vaccine ít nhất một mũi (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 trong 180 ngày. Doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm định kỳ theo kế hoạch chủ động của doanh nghiệp.

Kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế tại Đồng Nai sẽ được thực hiện từ 0h ngày 20/9. Đồng Nai là địa phương đầu tiên tại phía Nam đưa ra phương án cho phép doanh nghiệp “3 tại chỗ” có thể hoán đổi công nhân ra, vào khu sản xuất và được phép cho người lao động đi, về nhà.