17:40 06/07/2023

Đồng Nai định hình nền móng cho phát triển

Thiên Ân

Đồng Nai đang bàn đến một quy hoạch nhằm định hình nền móng cho phát triển giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh...

Thành phố Biên Hòa của Đồng Nai với lịch sử gần 350 năm cùng với Sài Gòn - Gia Định, là những đô thị đầu tiên của vùng đất phương nam, là trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ của tỉnh Đồng Nai.
Thành phố Biên Hòa của Đồng Nai với lịch sử gần 350 năm cùng với Sài Gòn - Gia Định, là những đô thị đầu tiên của vùng đất phương nam, là trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ của tỉnh Đồng Nai.

Bốn trụ cột định hình phát triển của tỉnh Đồng Nai, được nêu ra gồm: Trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại; thành phố sân bay; trung tâm đô thị và dịch vụ đẳng cấp khu vực; nền nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, quy hoạch là chìa khoá quyết định của sự phát triển; nói cách khác, quy hoạch là câu chuyện quan trọng của sự phát triển bền vững.

Bên cạnh 4 trụ cột phát triển, 6 yếu tố hỗ trợ đi kèm cũng được xác định, bao gồm: Cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức; nguồn vốn đầu tư đa dạng, chất lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao; chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; quản trị và điều hành đồng bộ, hiệu quả; thể chế, chính sách đột phá. 

Ông Lĩnh cũng cho biết, tỉnh nhận thức rất sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đó là một bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của Đồng Nai, giúp Đồng Nai cất cánh không chỉ trong 10 năm tới mà là tầm nhìn xa hơn.

Tại một hội thảo khoa học bàn về quy hoạch phát triển Đồng Nai mới đây, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM GS. Nguyễn Minh Hà cho rằng, từ lâu khi nói đến Đồng Nai là thường nói đến phát triển công nghiệp, là “thủ phủ” khu công nghiệp. Việc định hướng phát triển công nghiệp, vì vậy trở thành một trong bốn trụ cột của nền kinh tế của tỉnh là đúng đắn. Tuy nhiên, GS. Hà cũng cho rằng cần có định hướng cụ thể; chẳng hạn, phát triển công nghiệp là công nghiệp nào, nên chăng là trung tâm công nghiệp công nghệ cao?...

Khá tương đồng với quan điểm của GS. Nguyễn Minh Hà, PGS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Tỉnh Đồng Nai, từ lâu dù phát triển mạnh về công nghiệp, nhưng quá trình công nghiệp hoá lại chưa đi đôi với hiện đại hoá, và cấu trúc công nghiệp của tỉnh còn thấp. Ông gợi ý Đồng Nai nên có cách tiếp cận mới, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; đồng thời cũng cần tạo dư địa phát triển cho các lĩnh vực khác. “Ưu tiên của Đồng Nai trong giai đoạn tới là đô thị sân bay, dịch vụ logistics”, ông Thiên nói.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận tại một hội thảo về quy hoạch định hình phát triển Đồng Nai, gần đây. Ảnh: Phạm Tùng.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận tại một hội thảo về quy hoạch định hình phát triển Đồng Nai, gần đây. Ảnh: Phạm Tùng.

Dưới góc độ một chuyên gia về kiến trúc đô thị, KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, nêu nhận định: “Đồng Nai có tiềm năng rất lớn để phát triển và hiện đang đứng trước một khúc “cour” mà những quyết định trong quy hoạch sắp tới sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Đồng Nai trong hàng trăm năm sau”.

Vì vậy, vị KTS nổi tiếng trong nước và quốc tế này khuyến nghị, trong quy hoạch Đồng Nai cần những quyết định mang tính đột phá. Ông nói: “Đột phá phải là những ý tưởng chưa hề có từ trước đến nay cho Đồng Nai nhưng nó mang tính thuyết phục về khoa học và có tính đến những cơ hội mới để phát triển. Những đột phá này không chỉ nhìn trong ranh giới của Đồng Nai mà phải nhìn ở tầm nhìn vùng”.

Dự án khổng lồ sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) được xem là trụ cột chính trong định hình phát triển cho Đồng Nai, trong tương lai gần và cả lâu dài về sau. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đồng ý với nhau khi nêu ra một nhận định mang tính chiến lược chung như vậy, cho Đồng Nai.

Do đó, các chuyên gia đã khuyến nghị Đồng Nai cần thúc đẩy triển khai mô hình thành phố sân bay với lõi là sân bay quốc tế Long Thành, với hệ thống trung tâm logistics thông minh, đồng bộ, kết hợp tối ưu hệ thống hạ tầng vận tải, kho bãi hiện hữu trên địa bàn. 

PGS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Bây giờ là thời điểm cực kỳ đặc biệt đối với lựa chọn tương lai phát triển cho Đồng Nai. Nếu chọn nhầm thì hậu quả là rất lớn cho phát triển không chỉ của riêng tỉnh Đồng Nai, mà còn của cả đất nước. Chỉ riêng một việc đặt Cảng hàng không quốc tế Long Thành trên địa bàn tỉnh thôi, đã là một cú hích mang tính thời đại đối với Việt Nam rồi.

Để phát triển Đồng Nai, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị Đồng Nai cần thúc đẩy triển khai mô hình thành phố sân bay với lõi là sân bay quốc tế Long Thành.
Để phát triển Đồng Nai, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị Đồng Nai cần thúc đẩy triển khai mô hình thành phố sân bay với lõi là sân bay quốc tế Long Thành.

Mới đây, trong báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do liên danh đơn vị tư vấn thực hiện đã nêu nhận xét: Thời gian tới, quá trình phát triển của Đồng Nai sẽ được bổ trợ bởi rất nhiều cơ hội mới, đó là độ mở của nền kinh tế khi Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia nhiều hiệp định kết nối thương mại (FTA). Bên cạnh đó là hiệu ứng lan tỏa gắn liền với sự cải thiện về hạ tầng kết nối, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quốc gia mang lại cơ hội rất lớn cho tỉnh kết nối với các khu vực kinh tế năng động.

Về liên kết vùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà cho rằng, Đồng Nai không thể phát triển độc lập mà phải gắn với kết nối vùng. Tỉnh đã xác định trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp và thương mại dịch vụ là những trụ cột kinh tế; tuy nhiên địa phương không thể tự mình dịch chuyển mà phải gắn với kết nối vùng.

Vì vậy, trong quy hoạch cần tính toán đến việc phát triển đường sắt đô thị kết nối với các tỉnh lân cận như TP.HCM, Bình Dương,… Hiện nay tỉnh chưa có quy hoạch đường sắt đô thị nên cần tính toán để bổ sung. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai Lê Quang Bình cho biết như vậy.

 

Đột phá về tư duy, phát huy tốt các tiềm năng cùng lợi thế của địa phương, xác định tầm nhìn đến năm 2050 là một cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, là mục tiêu mà quy hoạch phát triển Đồng Nai hướng đến.