08:00 17/04/2022

Đồng Nai không muốn làm cầu và quốc lộ đi qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Xuân Thái

Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, đã được tổ chức UNESCO chính thức công nhận (ngày 29/6/2011) khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới. Tỉnh Đồng Nai đang kiến nghị không làm cầu Mã Đà và mở đường xuyên khu bảo tồn mà trước đó tỉnh Bình Phước đã đề nghị...

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được UNESCO công nhận năm 2011.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được UNESCO công nhận năm 2011.

Sau khi tỉnh Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà bắc qua sông Mã Đà, nối đường tỉnh 753 của Bình Phước với đường tỉnh 761 của Đồng Nai và mở quốc lộ mới 13C, tỉnh Đồng Nai đã họp bàn và yêu cầu có giải pháp để bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, bởi đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

KIẾN NGHỊ KHÔNG LÀM CẦU VÀ ĐƯỜNG XUYÊN KHU BẢO TỒN

Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, vừa có cuộc họp nhanh với lãnh đạo Khu bảo tồn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai cùng các chuyên gia, nhà khoa học để lấy ý kiến về việc tỉnh Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà, làm đường xuyên tâm Khu bảo tồn.

Theo Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, quy hoạch mở quốc lộ 13C để phát triển hạ tầng, kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ là hợp lý. Tuy nhiên, tuyến 13C quy hoạch sẽ đi qua khu rừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới mà đây là khu vực không được tác động vào. Tỉnh Đồng Nai nhận thấy điều này bất cập nên chưa thống nhất.

Tại cuộc họp khẩn này, đại diện KBT cho rằng, Khu bảo tồn thuộc nhóm di sản về đa dạng sinh học cao, di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt. Khu bảo tồn không đồng ý việc mở quốc lộ 13C xuyên lõi Khu bảo tồn nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất cách mạng Chiến khu D.

Trong khi đó, Phó chủ tịch thường trực Hội Đất ngập nước Việt Nam (VNWA), GS. Hoàng Văn Thắng nhận định: Nếu mở quốc lộ 13C sẽ vi phạm cùng lúc nhiều luật như Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định liên quan. Việc xây dựng dự án cầu Mã Đà và đường kết nối xuyên KBT cũng đồng thời vi phạm các cam kết quốc tế về khu dự trữ sinh quyển thế giới, sẽ bị Tổ chức UNESCO rút danh hiệu.

Việc kết nối đường tỉnh 753 và đường tỉnh 761 và nâng cấp mở quốc lộ 13C, sẽ tạo tuyến đường hơn 70 km đi xuyên qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai; trong đó chiều dài xuyên lõi Khu bảo tồn khoảng 40 km. Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn, đánh giá rằng việc tạo ra tuyến đường gần 40 km đi xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm và gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng do khu bảo tồn đang quản lý. “Việc xây dựng cầu Mã Đà trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với Đề án bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, đã được phê duyệt”, ông Hảo nhấn mạnh.

GS. Hoàng Văn Thắng làm bài toán: Quốc lộ 13C nếu được thực hiện và xây dựng bốn làn đường thì ít nhất là 24 m chiều rộng và 40 km chiều dài, tổng diện tích chiếm dụng vào khoảng 50 ha. Theo quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 50 ha ở vùng lõi cần phải được Quốc hội Việt Nam thông qua.

Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã có các cuộc họp bàn về đề xuất xây cầu Mã Đà và mở tuyến 13C xuyên lõi rừng Khu bảo tồn. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu có giải pháp để bảo vệ. Theo đó, tập thể Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đã kết luận giao cho Ban cán sự Đảng uỷ ban nhân dân tỉnh rà soát, xin ý kiến các bộ ngành để điều chỉnh hướng tuyến quốc lộ 13C đoạn qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

NHIỀU Ý KIẾN BĂN KHOĂN  

Trước đó, ngày 29/2/2022, Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai đã có Văn bản số 227/BC-KBT-HKL về việc điều chỉnh hướng tuyến quốc lộ 13 đoạn qua Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai và cầu Mã Đà.

Văn bản 227 có đoạn nêu: Với nhận thức sâu sắc, Khu bảo tồn là tài sản vô giá, từ năm 1997 tỉnh Đồng Nai đã thực hiện việc đóng cửa rừng để bảo vệ nguyên vẹn các diện tích rừng tự nhiên hiện có và trồng bổ sung rừng.

Đường dân sinh xuyên rừng duy nhất của Khu bảo tồn và Khu dự trữ sinh quyển rất hạn chế xe cộ đi lại.
Đường dân sinh xuyên rừng duy nhất của Khu bảo tồn và Khu dự trữ sinh quyển rất hạn chế xe cộ đi lại.

Nhận định việc mở quốc lộ 13C đi qua vùng lõi của Khu bảo tồn trong giai đoạn hiện nay là không phù hợp với Đề án bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, phương án quản lý rừng bền vững của Khu bảo tồn, Văn bản 227 do ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn ký, đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai gửi văn bản xin ý kiến của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam về việc xây dựng tuyến quốc lộ 13C đi xuyên qua khu bảo tồn thuộc vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Ngày 20/01/2022, Ủy ban Quốc gia về Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MABVN) đã có văn bản số 03/MABVN, do GS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch MABVN ký, gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Theo đó, MABVN kiến nghị không xây dựng cầu Mã Đà vì việc xây dựng đường, cầu và các hạng mục phụ trợ sẽ kéo theo việc hình thành tuyến đường dài hơn 40 cây số đi xuyên qua vùng lõi của rừng đặc dụng, gay ra những tác dộng nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thé giới Đồng Nai. Đó là gây chia cắt, phân mảnh hệ sinh thái, làm mất đi tính liên tục, liên kết hành lang đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài động vật, gây chết động vật hoang dã do các phương tiện lưu thông…

Xây dựng cầu Mã Đã và mở tuyến đường nối Bình Phước – Đồng Nai, được biết là chủ trương đã có từ năm 2002. Lúc đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã khảo sát, lập dự án xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường Bà Hào - Rang Rang nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Tuy nhiên, một trong những lý do không thể triển khai là việc đầu tư xây dựng cầu Mã Đà có thể làm ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Tỉnh Bình Phước cũng thống nhất với tỉnh Đồng Nai về việc xác định, việc xây cầu Mã Đà và làm đường qua Khu bảo tồn là không khả thi, không phù hợp định hướng bảo vệ, phát triển rừng, không phù hợp với quy hoạch tổng thể. Bến đò ngang Mã Đà nối hai địa phương này, sau đó cũng đã được chính quyền hai tỉnh chỉ đạo đình chỉ hoạt động, nhằm tránh xâm hại đến rừng đặc dụng.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thanh xác nhận: Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước đã công bố công khai “đóng cửa rừng” do đây là tài sản sinh thái cực kỳ quý giá của quốc gia, là lá phổi xanh của vùng Đông Nam Bộ. Nếu dự án được thực hiện nhằm vào mục tiêu phát triển kinh tế của một hoặc vài địa phương mà làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, gia tăng nguy cơ thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, làm đảo lộn tính đa dạng sinh học của một khu vực, sẽ vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học… Và như vậy, đồng nghĩa với việc chấp nhận hy sinh môi trường, môi sinh đánh đổi lấy mục tiêu kinh tế đơn thuần.