Dòng tiền rất yếu, blue-chips đang kéo thị trường xuống
Lực cầu quá mỏng đang là nguyên nhân chính khiến thị trường trồi sụt giảm dần trong phiên sáng nay. Hầu hết các lệnh mua chỉ căng giá thấp trong khi lượng cổ phiếu có lời về tài khoản nhiều lên. Kết quả là độ rộng ngày càng thu hẹp, chỉ số lẫn cổ phiếu giảm với mức thanh khoản cực thấp...
Lực cầu quá mỏng đang là nguyên nhân chính khiến thị trường trồi sụt giảm dần trong phiên sáng nay. Hầu hết các lệnh mua chỉ căng giá thấp trong khi lượng cổ phiếu có lời về tài khoản nhiều lên. Kết quả là độ rộng ngày càng thu hẹp, chỉ số lẫn cổ phiếu giảm với mức thanh khoản cực thấp.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết tụt xuống 6.547 tỷ đồng, giảm 14% so với phiên trước và lại thấp nhất trong 7 phiên. HoSE khớp chưa tới 6 ngàn tỷ đồng.
Thị trường không đón nhận thêm thông tin bất lợi nào dịp cuối tuần, chứng khoán thế giới giằng co, giá dầu tăng... Tuy nhiên ảnh hưởng trực tiếp vẫn là dòng tiền suy yếu ở vùng giá cao khi nhà đầu tư từ chối nâng lệnh mua.
VN-Index vẫn thể hiện vài nhịp giằng co trong nửa đầu phiên sáng nay, nhưng từ khoảng 10h30 trở đi thì suy yếu hẳn. Độ rộng của chỉ số này lúc 9h30 vẫn là 239 mã tăng/116 mã giảm. Thậm chí đến 10h30 vẫn là 221 mã tăng/182 mã giảm. Tuy nhiên đến hết phiên sáng, số tăng chỉ còn 153 mã tăng/259 mã giảm.
VN-Index lúc đạt đỉnh đầu phiên cũng tăng 0,47% so với tham chiếu, nhưng kết phiên giảm 0,87%, tương đương mất 10,77 điểm. VN30-Index từ chỗ tăng 0,4% giờ đang giảm 1,19%.
Blue-chips là sức ép chính khiến các chỉ số lao dốc và ảnh hưởng tới tâm lý chung trên thị trường. Độ rộng VN30 chỉ có 6 mã tăng/24 mã giảm. Những cổ phiếu đang gây tác động nặng nhất là VIC giảm 1,54%, BID giảm 2,17%, VCB giảm 1,06%, VHM giảm 1,2%, VPB giảm 2,29%. Tuy nhiên đây chưa phải là các mã rơi mạnh nhất mà chỉ là ảnh hưởng vốn hóa nhiều nhất. Nhóm giảm sâu hơn phải kể tới SSI mất 4,75%, STB giảm 3,47%, PDR giảm 2,42%.
Độ rộng cũng khá hẹp ở các rổ cổ phiếu vừa và nhỏ. Tuy vậy mức giảm chỉ số nhóm này vẫn nhẹ nhất: Midcap chỉ mất 0,43%, Smallcap vẫn tăng 0,16%. Độ phân hóa nhẹ vẫn cho thấy sức hấp dẫn ở các cổ phiếu riêng lẻ. Ví dụ nhóm phân bón có DCM tăng 4,14%, DPM tăng 0,36% thanh khoản khá tốt nằm trong Top 10 thị trường. Nhóm thép có NKG vẫn xanh nhẹ. Ngay như cổ phiếu ngân hàng nhỏ cũng tăng bất chấp các mã blue-chips cùng ngành lao dốc, như VBB, PGB, NVB, SHB, SGB, NAB...
Yếu tố thanh khoản đang là lực cản chính trên thị trường, vì bên chủ động tạo thanh khoản lúc này lại là người bán. Ở các cổ phiếu có lực xả lớn thì thanh khoản lên cao, đi kèm với mức giảm giá rõ hơn. Chẳng hạn STB, SSI, DIG, VPB đang là những cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường sáng nay thì đều rơi trên 2%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đang có nhiều mã tăng khá, nhưng thanh khoản cũng không lớn. GAS thuộc số ít mã trong rổ VN30 còn tăng; SBR, OIL, PVC, PVD, PVS cũng đang trên tham chiếu. Nhóm giảm “đều” là chứng khoán trừ hai mã là IVS và TVS. Tới 19 cổ phiếu ngành này giảm trên 2%.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng 185,2 tỷ đồng với cổ phiếu trong rổ VN30. Tổng giá trị bán khoảng 372,3 tỷ đồng, chiếm 18% thanh khoản của rổ này. SSI bị xả nhiều nhất với 59,2 tỷ đồng ròng, VIC -37,3 tỷ, VNM -24,4 tỷ, VHM -19,5 tỷ, HPG -18,4 tỷ. Phía mua, nhờ chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng 53,1 tỷ và BCM mua ròng 43,4 tỷ, nên tổng vị thế ròng của khối này trên HoSE chỉ còn -106 tỷ đồng.
Thị trường liên tục xác lập mức thanh khoản thấp kỷ lục mới cho thấy vai trò của dòng tiền mang tính quyết định. Dù rằng nhà đầu tư căng giá mua rất thấp để chờ đợi áp lực chốt lời ngắn hạn, nhưng nếu dòng tiền không hưng phấn hơn thì chuyển động sẽ vẫn kém tích cực.