12:07 24/08/2022

Dòng tiền tiếp tục hưng phấn, cổ phiếu VNM áp sát đỉnh cao 5 tháng

Kim Phong

Phần lớn cổ phiếu sáng nay tăng giá lình xình, nhưng sự xuất sắc của một vài mã đơn lẻ tạo cảm hứng rất tốt. Đại diện đến từ nhóm ngân hàng, năng lượng, hóa chất, bất động sản đều đóng vai trò lớn về điểm số lẫn thanh khoản. Đặc biệt VNM gây ấn tượng mạnh với phiên tăng bùng nổ lên sát đỉnh cao nhất 6 tháng...

Màu xanh đã áp đảo trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index, nhưng biên độ tăng nhìn chung là yếu.
Màu xanh đã áp đảo trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index, nhưng biên độ tăng nhìn chung là yếu.

Phần lớn cổ phiếu sáng nay tăng giá lình xình, nhưng sự xuất sắc của một vài mã đơn lẻ tạo cảm hứng rất tốt. Đại diện đến từ nhóm ngân hàng, năng lượng, hóa chất, bất động sản đều đóng vai trò lớn về điểm số lẫn thanh khoản. Đặc biệt VNM gây ấn tượng mạnh với phiên tăng bùng nổ lên sát đỉnh cao nhất 6 tháng.

Trong bối cảnh thị trường lình xình có nguy cơ đạt đỉnh ngắn hạn, VNM là hiện tượng nổi bật. Trong 9 phiên gần nhất cổ phiếu này vượt trội so với đà tăng của đa số mã khác cũng như với VN-Index.

Sáng nay VNM tăng tiếp 2,24% nữa, sau khi đã tăng 2,85% ngày hôm qua. Không chỉ vậy, VNM vẫn là một trong những cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường, với 300,2 tỷ đồng giá trị khớp lệnh đứng thứ 2 chỉ sau GEX. Trong 9 phiên vừa qua VNM tăng 9% giá trị, tức là trung bình mỗi ngày tăng 1%. Đó là điều cực kỳ hiếm, nhất là khi VN-Index hầu như không tăng trong 9 phiên này.

Chốt phiên sáng VNM lên mức 77.500 đồng, ngay sát đỉnh cao nhất từ hồi tháng 4/2022. Khối ngoại vẫn đang mua vào rất rốt ở VNM, sáng nay “múc” ròng 69,3 tỷ đồng, tương ứng gần 897 ngàn cổ phiếu. Tổng lượng mua là xấp xỉ 1,2 triệu cổ chiếm trên 30% giao dịch của mã này.

Mặc dù tăng tốt nhất trong rổ blue-chips VN30 nhưng VNM vẫn chưa phải là cổ phiếu kéo điểm số nhiều nhất. Đại diện nổi bật đến từ nhóm ngân hàng là VCB có lợi thế hơn về vốn hóa, dù mức tăng chỉ là 2,12%. Tuy nhiên không được mạnh như VNM, VCB sáng nay chỉ quay lại đỉnh cao cũ đầu tháng 8. Thanh khoản ở VCB cũng kém, với 59,4 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng cũng có TCB tăng 1,55%, CTG tăng 1,25% khá mạnh, nằm trong top 10 mã kéo VN-Index khỏe nhất sáng nay. Tất cả 27 mã ngân hàng trên các sàn thì duy nhất BID là giảm nhẹ 0,51%, 6 mã khác tham chiếu, còn lại đều tăng, trong đó 7 mã tăng trên 1%.

VN-Index sáng nay có độ rộng tốt, nhưng biên độ tăng giá cổ phiếu hạn chế nên mức tăng khá nhẹ.
VN-Index sáng nay có độ rộng tốt, nhưng biên độ tăng giá cổ phiếu hạn chế nên mức tăng khá nhẹ.

Độ rộng tổng thể của VN-Index sáng nay khá tích cực với 274 mã tăng/149 mã giảm, nhưng biên độ tăng thì hạn chế. Toàn sàn HoSE chỉ có 103 mã tăng từ 1% trở lên, một nửa trong đó tăng từ 2%. VN-Index tăng chung cuộc 6,72 điểm tương đương 0,53% thì có tới 4,3 điểm tập trung vào 5 cổ phiếu là VCB, VNM, TCB, CTG và DGC. Điều đó nghĩa là sức mạnh của đại đa số các mã còn lại không nhiều.

Điều này cũng phản ánh khá rõ trong nhóm VN30, khi rổ này có tới 21 mã tăng/8 mã giảm, nhưng chỉ số đại diện tăng yếu 0,42%. Chỉ có 6/21 mã là tăng vượt 1% giá trị, còn lại đều không đáng kể. Mặt khác, nhóm giảm có cả VHM, PLX, MWG, BID, VRE, SAB có ảnh hưởng khá mạnh về điểm số.

Dù cổ phiếu tăng không ấn tượng nhiều, chỉ đủ đẩy VN-Index quay lại đỉnh cao cách đây 5 phiên, nhưng sự hưng phấn cũng đáng chú ý. Sau 3 phiên điều chỉnh, dòng tiền bắt đáy tạo được hiệu ứng mạnh mẽ 1,5 phiên trở lại đây. Sáng nay HoSE còn tăng 13,4% giá trị khớp lệnh so với sáng hôm qua, đạt gần 7.721 tỷ đồng, mức cao nhất 5 phiên. Tổng thể hai sàn niêm yết tăng thanh khoản 7%, đạt 8.635 tỷ đồng, cũng cao nhất 5 phiên.

Thị trường vẫn xuất hiện khá nhiều cổ phiếu thu hút được dòng tiền và giá tăng tốt. Nổi bật sáng nay là DCM tăng 5,41% với 140,3 tỷ đồng giá trị giao dịch; GEX với 411,2 tỷ đồng và giá tăng 4,07%; HAG tăng 3,64% với 274,3 tỷ đồng; DPM tăng 3,57% với 133,6 tỷ; DGC tăng 3,38% với 275,4 tỷ; PVD tăng 2,66% với 155,9 tỷ...

Khối ngoại vẫn đang đổ tiền vào VNM mạnh mẽ, nhưng tổng thể vẫn là bán ròng. Cụ thể tổng giá trị bán trên HoSE đạt 422,8 tỷ đồng, mua vào 325,2 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 97,6 tỷ. Ngoài VNM, chỉ có PVD được mua ròng 28,8 tỷ, HDG +11,8 tỷ và DXG +12,9 tỷ là đáng kể. Phía bán ròng có DGC -46,2 tỷ, VCB -23,8 tỷ, CTG -21,1 tỷ, HPG -17,4 tỷ, VRE -13,9 tỷ, KBC -12,2 tỷ...