07:00 26/04/2021

"Đột phá" để tìm kiếm nguồn lực phát triển đất nước

Anh Nhi

Trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới là phải tranh thủ được nguồn ngoại lực rất quan trọng để bổ sung cho yếu tố nội lực...

Tìm kiếm nguồn ngoại lực
Tìm kiếm nguồn ngoại lực

Từ góc độ đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới là phải tranh thủ được nguồn ngoại lực rất quan trọng để bổ sung cho yếu tố nội lực, thực hiện được các mục tiêu khát vọng.

Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, đẩy nhanh mức độ cũng như quy mô của xu hướng chuyển đổi số, dịch chuyển chuỗi cung ứng và dịch chuyển vốn đầu tư.

ĐIỂM ĐẾN ĐẦU TƯ HẤP DẪN

Nhìn lại năm 2020, trong môi trường toàn cầu rất thách thức, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước thành công nhất trong phòng chống dịch Covid-19 cũng như duy trì mức tăng trưởng dương 2,91%.

Vượt qua những trở ngại từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt gần 20 tỷ USD, tuy giảm 2% so với cùng kỳ nhưng là kết quả rất khả quan so với mức giảm chung của đầu tư toàn cầu lên tới 42%.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải tranh thủ được nguồn ngoại lực rất quan trọng để bổ sung cho yếu tố nội lực”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải tranh thủ được nguồn ngoại lực rất quan trọng để bổ sung cho yếu tố nội lực”.

Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện thể hiện qua vị trí xếp hạng ngày càng tích cực về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững...

Cụ thể, theo báo cáo được Brand Finance công bố cuối năm 2020, Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất trên thế giới, tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.

 

Việt Nam hấp dẫn hơn các nước khác là nhờ động lực khuyến khích các doanh nghiệp quốc tế thành lập các đơn vị sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đội ngũ lao động chi phí thấp và có ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do.

“Điều này có nghĩa rằng “sự quen thuộc” và “uy tín” của Việt Nam đã được cải thiện. Đây là cơ hội để Việt Nam hút dòng dịch chuyển thương mại và đầu tư trên thế giới khi vị thế trên thị trường thế giới được nâng cao”, ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương cho biết. Trong khi đó, Bộ phận phân tích thông tin (EIU) thuộc Tạp chí The Economist (Anh) mới đây nhận định Việt Nam đã vượt qua một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc... để trở thành điểm đến đầu tư FDI hấp dẫn ở châu Á.

Theo EIU, các yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn hơn các nước khác là nhờ động lực khuyến khích các doanh nghiệp quốc tế thành lập các đơn vị sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đội ngũ lao động chi phí thấp và có ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do.

“Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải tranh thủ được nguồn ngoại lực rất quan trọng để bổ sung cho yếu tố nội lực”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Theo đó, công tác ngoại giao kinh tế cần bám sát bối cảnh tình hình mới, quán triệt các chủ trương, chính sách quan trọng của Đại hội 13 của Đảng để đề ra các kế hoạch dài hạn, phương hướng và trọng tâm ngoại giao kinh tế, phục vụ thiết thực cho Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.

TRANH THỦ NGUỒN NGOẠI LỰC

“Đặc biệt, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành ngoại giao cần có những đột phá mở đường vào các thị trường khác nhau. Vừa mở cửa thị trường cho đất nước, vừa áp dụng, tiếp thu những công nghệ mới nhất của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.

Trước đó, năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành ngoại giao đã nhanh chóng thích ứng, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch ngoại giao kinh tế để tăng cường thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế phù hợp với bối cảnh mới.

Đó là để tăng cường thu hút FDI chất lượng cao, ngành ngoại giao đã chủ động lồng ghép các nội dung về hợp tác đầu tư trong các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, nhất là các hoạt động ngoại giao trực tuyến, điện đàm của lãnh đạo cấp cao, qua đó thúc đẩy các biện pháp duy trì chuỗi cung ứng, tìm hiểu quan tâm, ý định của các doanh nghiệp, tập đoàn trong việc chuyển dịch sản xuất.

 

Từ góc độ đối ngoại, ngành ngoại giao chủ động tiếp cận, vận động các tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính, công nghệ nguồn đang tính toán dịch chuyển đầu tư; tham mưu xây dựng các quy định, chính sách ưu đãi có chọn lọc để thu hút đầu tư trong hình thành các chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao, các trung tâm R&D, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, tăng cường liên kết giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước...

Các đơn vị của Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng, kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp; chủ động tiếp cận một số nguyên lãnh đạo có uy tín và ảnh hưởng trong giới doanh nghiệp như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler nhằm tranh thủ tư vấn, thu hút đầu tư có chất lượng cao từ châu Âu; đề xuất nhiều chương trình, sáng kiến hợp tác đầu tư trong các khuôn khổ đa phương, nổi bật là Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19, thúc đẩy sáng kiến về phục hồi chuỗi cung ứng khu vực trong APEC...

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng tích cực phối hợp đàm phán, ký kết, phê chuẩn các hiệp định thương mai tự do (FTA) then chốt như: EVFTA, EVIPA, RCEP, UKVFTA, đồng thời tiếp tục thúc đẩy đàm phán FTA với các đối tác khác.

Với phương châm “Đột phá, mở đường, tham mưu, hỗ trợ, đồng hành”, Bộ Ngoại giao đã cùng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giữ đà và mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác quan trọng, nhất là phát huy vai trò của mạng lưới 30 đối tác chiến lược và toàn diện.

Đến nay, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện chiếm 8/10 thị trường xuất khẩu chính, với 60,7% tổng giá trị xuất khẩu; 9/10 thị trường nhập khẩu chính với 74,7% tổng giá trị nhập khẩu; 76,7% tổng lượng du khách quốc tế; đóng góp 74% vốn FDI tại Việt Nam.