07:42 01/04/2022

Dow Jones “bay” 550 điểm, chứng khoán Mỹ chốt quý tệ nhất 2 năm

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (31/3), hoàn tất một quý đầy biến động ở Phố Wall.

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 550,46 điểm, tương đương giảm 1,56%, còn 34.678,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,57%, còn 4.530,41 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,54%, còn 14.220,52 điểm.

Cả ba chỉ số đồng loạt giảm sâu hơn trong giờ giao dịch cuối cùng, và chốt ở mức đáy của phiên.

Đây là ngày giao dịch cuối cùng của tháng 3 và của quý 1, và điều này có thể chính là lý do khiến lực bán gia tăng vào cuối phiên. Các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp thường có động thái điều chỉnh danh mục vào cuối tháng, cuối quý.

Tính cả quý 1, Dow Jones và S&P 500 giảm tương ứng 4,6% và 4,9%. Nasdaq giảm 9% trong quý 1. Đối với cả ba chỉ số, đây là quý giảm tồi tệ nhất kể từ quý 1/2020 – thời điểm Covid mới trở thành đại dịch ở Mỹ và S&P 500 mất 20% điểm số. Lần này, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vừa mới bắt đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lạm phát cao, và cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine là những nhân tố đóng góp vào sự tụt giảm của thị trường.

Tuy nhiên, trong tháng 3, tình hình đã có sự cải thiện đáng kể. Thị trường đã khởi sắc trong 2 tuần cuối tháng, đưa S&P 500 và Nasdaq hoàn tất tháng với mức tăng hơn 3% mỗi chỉ số, trong khi Dow Jones tăng 2,2%.

“Đã có một đợt hồi phục mang tính giải toả, một phần do nhà đầu tư bắt đầu bớt lo lắng về chiến tranh, chủ trương của các ngân hàng trung ương đã trở nên rõ ràng hơn, và cũng nhờ lực mua kỹ thuật. Tiền chờ nhảy vào thị trường vẫn đang nhiều”, Giám đốc đầu tư Erik Knutzen của Neuberger Berman nhận định.

“Nhưng tôi cho rằng đến một thời điểm nào đó, nhà đầu tư sẽ nhận thấy rằng tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc, lãi suất tăng lên, và lạm phát vẫn còn cao. Đó vẫn sẽ là một môi trường nhiều thách thức đối với cổ phiếu”.

Cổ phiếu các nhà sản xuất bán dẫn và phần cứng công nghệ chịu áp lực giảm mạnh trong phiên này, khi nhà đầu tư lo ngại về triển vọng sắp tới của thị trường máy tính cá nhân. AMD trượt hơn 8%: HP và Dell giảm tương ứng 6,5% và 7,6%.

Cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh, với JPMorgan Chase giảm 3% và Goldman Sachs mất 1,6% do đường cong lợi suất thu hẹp. Nếu đường cong lợi suất tiếp tục thu hẹp và chuyển sang trạng thái đảo ngược, đó là một dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, tăng 5,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo tăng 5,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó, nhưng vẫn là mức cao nhất kể từ tháng 4/1983. Với đà tăng này của lạm phát, nhiều khả năng Fed sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt trong năm 2022.

Phiên giảm ngày thứ Năm của giá dầu không thể giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm. Giá dầu WTI giảm gần 5% và giá dầu Brent giảm gần 7% sau khi chính quyền Tông thống Joe Biden tuyên bố xả 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) trong vòng khoảng 6 tháng.

Liên quan đến tình hình Ukraine, lực lượng Nga tiếp tục cố thủ xung quanh Kiev và tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố - tình báo Anh cho hay. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thanh toán cho việc mua khí đốt Nga sẽ phải được thực hiện bằng đồng Rúp. Điều này càng làm căng thẳng thêm thị trường khí đốt ở châu ÂU.

“Thị trường vẫn đang giằng co giữa tin tốt và tin xấu, vì thế sẽ còn tiếp tục biến động”, Giám đốc đầu tư George Mateyo của Key Private Bank nhận xét.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (1/4), thị trường sẽ đón nhận một báo cáo quan trọng là dữ liệu việc làm tháng 3 từ Bộ Lao động Mỹ. Ngoài lạm phát, tình hình thị trường lao động là một căn cứ để Fed định hình đường đi của chính sách tiền tệ.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin đang mất đà tăng của thời gian gần đây. Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com giảm hơn 3% so với cách đó 24 tiếng, còn hơn 45.600 USD.