07:43 02/03/2022

Dow Jones “bốc hơi” gần 600 điểm, giá dầu tăng 11%, Bitcoin giữ đà đi lên

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (1/3), khi giá dầu tăng mạnh và nhà đầu tư tiếp tục dõi theo cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine. Giá Bitcoin duy trì xu thế tăng do nhu cầu tiền ảo được cho là tăng mạnh ở cả Nga và Ukraine...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 597,65 điểm, tương đương giảm 1,76%, còn 33.294,95 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,55%, còn 4.306,26 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,59%, còn 13.352,46 điểm.

CỔ PHIẾU BỊ BÁN TRÊN DIỆN RỘNG, NHÓM DẦU KHÍ TĂNG KHIÊM TỐN

Theo hãng tin CNBC, phiên sụt điểm này diễn ra khi hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một đoàn xe quân sự Nga có vẻ đang trên đường tới Kiev, thủ đô của Ukraine. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng 80% quân Nga tập trung ở biên giới Ukraine hồi tháng trước hiện đã vào Ukraine.

Xung đột quân sự tiếp diễn đẩy giá năng lượng lên cao hơn. Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường New York có lúc vượt mốc 106 USD/thùng trong phiên ngày thứ Ba, cao nhất 7 năm.

“Cổ phiếu gần như bị bán ở tất cả các nhóm. Phản ứng của thị trường tệ hơn tệ hơn những gì nên có nếu dựa trên các tít báo. Bất ổn giữa Nga và Ukraine vẫn là chủ đề chính chi phối thị trường và chưa có đủ sự rõ ràng để thị trường có thể ổn định trở lại một cách thoải mái”, chuyên gia Adam Crisafulli của Vital Knowledge viết trong một báo cáo.

Giá lúa mỳ - một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga - cũng tăng mạnh trong phiên này. Giá lúa mỳ tăng có thể đẩy cao áp lực lạm phát ở cả Mỹ và châu Âu.

Cổ phiếu tài chính là một trong những nhóm giảm giá mạnh nhất ở Phố Wall phiên này, với Bank of America mất 3,9%; Wells Fargo giảm 5,8%; và Charles Schwab giảm gần 8%.

Diễn biến chỉ số Dow Jones trong hai phiên 28/2-1/3 - Nguồn: CNBC.
Diễn biến chỉ số Dow Jones trong hai phiên 28/2-1/3 - Nguồn: CNBC.

Sự giảm điểm mạnh này của nhóm diễn ra khi lợi suất tái phiếu kho bạc Mỹ tụt dốc. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc giảm dưới mức 1,7%, từ mức trên 2% trước khi Nga tấn công Ukraine. Đó là bởi trái phiếu đang được giới đầu tư mua mạnh để tìm kiếm sự an toàn. Lợi suất giảm có thể gây suy giảm lợi nhuận của các ngân hàng và công ty quản lý tài sản.

Hầu hết các ngân hàng Mỹ đều gần như không có quan hệ với các công ty Nga, nhưng hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt đối với hệ thống tài chính Nga sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các ngân hàng châu Âu và từ đó tác động đến các nhà băng Mỹ - theo Giám đốc nghiên cứu Ken Leon của CFRA.

“Có những mối quan hệ đan chéo giữa các ngân hàng của châu Âu, liên quan đến các hoạt động cho vay, giữa ngân hàng của Italy, của Pháp, của Áo… với ngân hàng Nga”, ông Leon nói.

Cổ phiếu năng lượng tăng giá phiên này, nhưng mức tăng khiêm tốn so với mức tăng của giá dầu. Chevron tăng gần 4% và Exxon tăng 1%.

Hôm thứ Hai, các quan chức Ukraine và Nga đã kết thúc một vòng đàm phán, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt mạnh tay của Mỹ và đồng minh giáng xuống nền kinh tế và ngân hàng trung ương Nga. Các công ty đa quốc gia đang cho thấy sự tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh đối với Nga, với Mastercard và Visa cùng chặn các định chế tài chính Nga.

VanEck Russia ETF, một quỹ đầu tư cổ phiếu Nga, giảm 30% trong phiên ngày thứ Hai, dù chứng khoán Nga đóng cửa. Phiên ngày thứ Ba, quỹ này giảm thêm 23,9%.

GIÁ DẦU CÓ LÚC TĂNG 11,5% DÙ IEA XẢ DỰ TRỮ

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng chốt phiên trong trạng thái giảm sâu. Chỉ số Stoxx 600 của thị trường khu vực giảm 2,37%; Dax của chứng khoán Đức sụt 3,85%; FTSE của Anh giảm 1,72%; CAC của Pháp giảm 3,94%...

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 7,15%, chốt phiên ở 104,97 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 104,97 USD/thùng.

Giá dầu WTI tăng 8,03%, đóng cửa ở 103,41 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI tăng 11,5%, đạt 106,78 USD/thùng.

Diễn biến giá dầu thế giới 3 tháng qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá dầu thế giới 3 tháng qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 1/3 nhất trí xả 60 triệu thùng dầu từ dự trữ dầu toàn cầu nhằm giải toả sức ép nguồn cung. “Tình hình trên thị trường năng lượng đang rất nghiêm trọng và đòi hỏi sự chú ý của chúng ta. An ninh năng lượng toàn cầu đang bị đe doạ, đặt nền kinh tế đối mặt với rủi ro vào đúng thời điểm sự phục hồi còn mong manh”, Giám đốc điều hành Fatih Birol của IEA nhận định.

Theo IEA, 60 triệu thùng dầu được xả chiếm 4% dự trữ dành cho tình huống khẩn cấp của các nước thành viên tổ chức này. Trong lịch sử IEA, đây là lần xả dự trữ thứ tư. Trong đó, Mỹ sẽ xả khoảng 30 triệu thùng dầu – Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

Chuyên gia Bob Yawger của Mizuho Securities nhấn mạnh rằng 60 triệu thùng dầu nói trên chỉ là “muối bỏ bể” và không thể bù đắp được sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga. Con số này chỉ tương đương sản lượng dầu trong 6 ngày của Nga và lượng dầu mà nước này xuất khẩu trong 12 ngày.

“60 triệu thùng chẳng có gì là nhiều”, ông Yawger nói.

Morgan Stanley dự báo giá dầu Brent sẽ bình quân 110 USD/thùng trong quý 2 năm nay, từ mức 100 USD/thùng đưa ra trong lần dự báo trước. Trong một kịch bản của ngân hàng đầu tư này, giá dầu có thể đạt 125 USD/thùng.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin giữ đà tăng giá từ cuối tuần vừa rồi. Giá Bitcoin lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam đứng ở 44.484 USD, tăng hơ 2,7% so với cách đó 24 tiêngs.

Một số nhà phân tích cho rằng giá Bitcoin tăng mạnh là do nhà đầu tư mua bắt đáy, cộng thêm nhu cầu tiền ảo tăng mạnh ở Nga và Ukraine khi người dân nước này tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài. Tiền ảo cũng được xem là một cách hữu hiệu để người Nga có thể “né” các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư ở Phố Wall và trên toàn cầu trong ngày thứ Tư sẽ là phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trước Uỷ ban Tài chính thuộc Hạ viện. Thị trường kỳ vọng ông Powell sẽ phát tín hiệu về tiến độ lãi suất trong năm nay. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Fed có thể phải hãm tiến độ tăng lãi suất so với kế hoạch vì xung đột quân sự Nga-Ukraine.