Dragon Capital trở lại làm cổ đông lớn của FPT
Nhóm Dragon Capital, tổ chức có liên quan đến bà Trương Ngọc Phượng báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn Công ty Cổ phần FPT (mã FPT-HOSE)...
Theo đó, Nhóm Dragon Capital, tổ chức có liên quan đến bà Trương Ngọc Phượng vừa mua vào gần 2,4 triệu cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 37,6 triệu cổ phiếu, chiếm 4,77% lên hơn 5,07%, tương đương hơn 40 triệu cổ phiếu. Như vậy, nhóm quỹ này đã quay trở lại thành cổ đông lớn của FPT.
Cụ thể: Amersham Industries Limited mua 434.700 cổ phiếu, CTBC Vietnam Equity Fund mua 700.000 cổ phiếu, Hanoi Investments Holdings Limited mua 120.000 cổ phiếu, Saigon Investments Limited mua 25.000 cổ phiếu và quỹ Wareham Group Limited mua nhiều nhất mua hơn 1 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, có hai quỹ bán ra là DC Developing Markets Strategies Public Limited Company là 20.000 cổ phiếu và KB Vietnam Focus Balanced Fund là 30.000 cổ phiếu.
Ngày trở thành cổ đông lớn là ngày 25/5 và đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/5, giá cổ phiếu FPT tăng 300 đồng, tương ứng tăng thêm 0,32% lên 93.800 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, ước tính nhóm quỹ Dragon Capital đã chi khoảng 225 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại FPT.
Ngày 2/6 tới, FPT sẽ chốt quyền trả cổ tức còn lại năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng) và ngày thanh toán là ngày 16/6.
Như vậy, với hơn 789,11 triệu cổ phiếu đang lưu hành, FPT sẽ phải chi xấp xỉ hơn 789,1 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Trước đó, FPT đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền với tỷ lệ 10% vào tháng 9/2020.
Bên cạnh đó, FPT dự kiến phát hành hơn 118,36 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15% (sở hữu 20 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới). Như vậy, năm 2020, FPT chi trả cổ tức năm 2020 là 35% - trong đó: 20% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu.
Mới đây, VCSC vừa công bố nhận định "mua vào" đối với cổ phiếu FPT khi công ty này công bố kết quả kinh doanh 4 tháng năm 2021 với doanh thu đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18% với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ - chủ yếu được thúc đẩy bởi 3 mảng kinh doanh cốt lõi của công ty: Xuất khẩu phần mềm, Dịch vụ viễn thông và Giáo dục.
Năm 2021, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng, tăng 16,4% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.210 tỷ đồng, tăng 18% - trong đó, lợi nhuận khối công nghệ đạt 2.720 tỷ đồng; khối viễn thông đạt 2.380 tỷ đồng; khối giáo dục, đầu tư và khác đạt 1.110 tỷ đồng.