19:25 12/05/2022

Dragon Capital trở lại làm cổ đông lớn ngay trước thời điểm FPT chia cổ tức năm 2021

Hà Anh

Động thái mua vào của nhóm quỹ Dragon Capital đúng thời điểm HĐQT FPT vừa công bố nghị quyết thông qua phương án chi trả cổ tức còn lại của năm 2021 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng).

Sơ đồ giá cổ phiếu FPT thời gian qua.
Sơ đồ giá cổ phiếu FPT thời gian qua.

Công ty Cổ phần FPT (mã FPT-HOSE) vừa công bố báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn.

Theo đó, các quỹ thành viên thuộc Dragon Capital vừa mua vào 698.600 cổ phiếu FPT của CTCP FPT. Trong đó, Balestrand Limited đã mua 340.000 cổ phiếu, DC Developing Markets Stategies Public Limited Company đã mua 228.600 cổ phiếu, Hanoi Investments Holdings Limited đã mua 80.000 cổ phiếu và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] đã mua thêm 50.000 cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện vào ngày 10/5.

Sau giao dịch, tổng số cổ phiếu nhóm quỹ Dragon Capital đang nắm giữ tại FPT tăng từ gần 45,16 triệu cổ phiếu, chiếm gần 4,98% lên gần 45,86 triệu cổ phiếu, chiếm 5,05% vốn điều lệ tại FPT.

Được biết, động thái mua vào của nhóm quỹ Dragon Capital đúng thời điểm HĐQT FPT vừa công bố nghị quyết thông qua phương án chi trả cổ tức còn lại của năm 2021 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng).

Đồng thời, HĐQT FPT cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Theo đó, FPT sẽ phát hành gần 183 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thuộc sở hữu của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán ngày 31/12/2021. Cổ phiếu trả cổ tức sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Dự kiến thời gian chốt danh sách cổ đông trong tháng 6 và thực hiện chi trả trong tháng 7/2022.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, HĐQT FPT đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 40%, trong đó 20% bằng tiền mặt (đã tạm ứng 10% trong năm 2021) và 20% bằng cổ phiếu, tỷ lệ 5:1 (cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu FPT sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới).

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, FPT đặt mục tiêu đạt doanh thu 42.420 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) giữ khuyến nghị "mua" cho CTCP FPT (FPT) khi VCSC vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng mạnh của các mảng kinh doanh chủ chốt của FPT: Dịch vụ CNTT, Giáo dục và Dịch vụ Viễn thông.

Theo đó, VCSC tăng giá mục tiêu thêm 11% khi cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2023 so với cuối năm 2022 trước đây đồng thời giảm dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2024 thêm 1% chủ yếu do dự báo doanh thu từ Xuất khẩu Phần mềm (XKPM) thấp hơn trong bối cảnh đồng yên Nhật trượt giá.

VCSC cho rằng, giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E năm 2022/2023 của FPT là 25/20 lần, VCSC tin rằng điều này hợp lý do triển vọng lợi nhuận khả quan. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2021-2024 đạt 22%. VCSC cũng cho biết, rủi ro đối với FPT là cạnh tranh gay gắt từ các công ty viễn thông tích hợp cung cấp cả dịch vụ băng rộng cố định và di động; không cải thiện năng lực trong các công nghệ mới.

Kết thúc quý 1/2022 , FPT ghi nhận doanh thu đạt 9.730 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.779 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 28,3% và 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên ngày 12/5, giá cổ phiếu FPT giảm 6,18% xuống còn 95.600 đồng/cổ phiếu và giảm 12,93% trong 1 tháng qua.