Dự án Đổi mới sáng tạo Xanh trong nông nghiệp nhận 7 triệu Euro tài trợ
Dự án Đổi mới sáng tạo Xanh trong nông nghiệp và thực phẩm (GIC) Việt Nam hướng đến hỗ trợ các tác nhân trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo và xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm cung ứng các sản phẩm chất lượng cao, tạo doanh thu từ xuất khẩu, ổn định và tạo thêm việc làm…
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo khởi động Dự án GIC Việt Nam, ngày 17/11/2021.
NÂNG CẤP CHUỖI GIÁ TRỊ GẠO VÀ XOÀI
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nhận định Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp hơn 50% tổng sản lượng lúa cả nước, 70% các loại trái cây và 95% sản lượng gạo xuất khẩu.
Tuy nhiên, thâm canh sản xuất nông nghiệp, thủy sản cùng với các tác động của biến đổi khí hậu khiến khu vực kinh tế trọng yếu này đang đối mặt với nhiều thách thức.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, kêu gọi đầu tư và hợp tác quốc tế thực hiện nhiều chương trình phát triển, giúp Đồng bằng sông Cửu Long từng bước tái cơ cấu, chuyển đổi định hướng phát triển ngành nông nghiệp nhằm giúp khu vực tăng trưởng bền vững.
Đồng hành cùng Việt Nam, trong những năm qua Chính phủ CHLB Đức đã liên tục triển khai nhiều dự án nông nghiệp, môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu tại khu vực này.
Với tổng vốn đầu tư 7 triệu Euro, Dự án GIC Việt Nam là gói cam kết hỗ trợ kỹ thuật tiếp theo từ Chính phủ Đức, được phối hợp thực hiện bởi Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, GIZ và chính quyền sáu tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng. Dự án sẽ triển khai từ năm 2021-2024.
GIC Việt Nam là một hợp phần của Chương trình Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm (GIC), thuộc sáng kiến toàn cầu về chống đói nghèo ‘Một thế giới không nạn đói’ (One World, No Hunger) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ, thực thi bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại 15 nước Châu Phi và Châu Á.
Dự án sẽ giúp cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu của hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long là lúa gạo và xoài.
“Chúng tôi đánh giá rất cao những hỗ trợ liên tục của Chính phủ Đức giúp Việt Nam đẩy nhanh sự chuyển đổi sang hướng phát triển xanh, bền vững trong ngành nông nghiệp. Kỳ vọng sẽ cùng dự án GIC Việt Nam tạo ra những tác động tích cực giúp nâng cao chất lượng, xây dựng hình ảnh và cải thiện vị thế nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ”, ông Lê Đức Thịnh nói.
Ông Oemar Idoe, Trưởng nhóm các dự án Nông nghiệp, Môi trường, Biến đổi khí hậu và Hội nhập kinh tế khu vực ASEAN, cho biết dự án này chính thức được Chính phủ Đức cam kết thực hiện vào tháng 11/2019. Từ đó, hàng loạt các hoạt động chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng đã được thực hiện trong năm 2020, đến năm 2021 dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt triển khai.
Dự án GIC Việt Nam là một hợp phần quan trọng trong những hoạt động hợp tác phát triển của Chính phủ Đức ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, bổ sung cho những sáng kiến cải thiện quản lý vùng ven biển và tài nguyên nước trong nỗ lực điều phối liên vùng và lên tỉnh nhằm phát triển bền vững vùng đồng bằng, cũng như những hoạt động thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất Việt Nam với thị trường tiềm năng trong khu vực và quốc tế.
CÁCH TIẾP CẬN MỚI PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ nhấn mạnh việc chuyển đổi hệ thống nông nghiệp vùng đồng bằng, đặc biệt là hệ thống canh tác lúa, theo hướng chống chịu cao hơn, và một số nơi có thể thay thế lúa bằng các cây trồng khác thích hợp hơn. Dự án sẽ hỗ trợ cải thiện các dịch vụ hỗ trợ giúp hoạt động sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường và đạt được chứng nhận.
Trong bối cảnh Việt Nam vừa tuyên bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, dự án GIC tại Việt Nam sẽ đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong canh tác lúa – vốn là một nguồn phát thải đáng kể ở Việt Nam.
“Tôi mong Quý vị tận dụng cơ hội này để xây dựng các mối quan hệ đối tác phát triển sản xuất lúa gạo bền vững, chuyển đổi sang các mô hình canh tác thay thế phù hợp hơn, và giúp các tác nhân nâng cao thu nhập thông qua những cam kết lâu dài bền vững”, ông Oemar Idoe nhấn mạnh.
"Dự kiến trong 5 năm triển khai, GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình để có thể nâng cao thu nhập từ 15-20%; cùng với đó 12.000 nông hộ sẽ được đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường".
Ông Jens Treffner, Cố vấn trưởng GIC Việt Nam
Đề cập tiến trình triển khai Dự án, ông Jens Treffner, Cố vấn trưởng GIC Việt Nam, cho hay nhóm thực hiện dự án GIC Việt Nam đã chuẩn bị xong nội dung kêu gọi các đối tác tư nhân tham gia trong lĩnh vực kết nối thị trường và thúc đẩy các giải pháp thực hiện.
Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị các tài liệu tập huấn cho hợp tác xã, nông dân và bắt đầu quá trình tuyển chọn các giảng viên nguồn từ tỉnh. Từ tháng 12 tới đây sẽ triển khai việc đánh giá năng lực giảng viên nguồn và nâng cao năng lực giản viên cho các gói hoạt động nâng cao năng lực hợp tác xã, tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững SRP, Lớp học kinh doanh cho nông dân.
Dự án sẽ chú trọng thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã nhằm tạo mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trực tiếp dựa trên những nhu cầu và quan tâm chung của các nhân tố tham gia chuỗi giá trị.
Các doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia dự án sẽ được nâng cao năng lực, cải tiến quy trình sản xuất, qua đó cải thiện một số chỉ số hiệu quả kinh doanh chính. Khoảng 200 việc làm mới, ưu tiên cho phụ nữ và thanh niên được kỳ vọng tạo ra thêm từ các mô hình tận dụng phụ phẩm lúa gạo như rơm rạ.