Dự báo 2 cổ phiếu sắp bị hàng loạt ETF bán ra đáng kể
Tổng hợp các quỹ ETF sẽ mua vào nhiều nhất LPB và bán ra đáng kể FPT và VHM trong kỳ cơ cấu lần này...
Như VnEconomy đưa tin, vào ngày 20/01/2025, HOSE đã công bố kết quả thay đổi danh mục định kỳ của các bộ chỉ số chung. Kết quả phù hợp với dự báo trước đó của hầu hết các công ty chứng khoán khi chỉ số VN30 đã thêm vào LPB và loại ra POW, đồng thời chỉ số VNFIN Lead giữ nguyên danh mục cổ phiếu thành phần.
Các quỹ ETF nội dự kiến sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục định kỳ vào ngày 24/01 trước khi thay đổi của các bộ chỉ số chính thức có hiệu lực vào ngày 03/02.
Hiện nay, có 4 quỹ ETF nội đang mô phỏng bộ chỉ số VN30 với tổng quy mô 9.121 tỷ đồng. Trong đó, ba quỹ bao gồm DCVFMVN30 ETF, KIM GROWTH VN30 ETF, MAFM VN30 ETF chiếm đến 98% tổng quy mô.
Dựa trên danh mục của các quỹ đến ngày 17/01/2025, Chứng khoán Phú Hưng dự báo việc tái cơ cấu của ba quỹ trên có thể diễn ra như sau: LPB có thể được mua gần 18 triệu cổ phiếu, ngược lại các cổ phiếu có thể bị bán ra nhiều như VHM 3,7 triệu cổ; POW bị bán toàn bộ 3,13 triệu cổ; TCB bị bán ra 1,67 triệu cổ; VPB bị bán ra 1,56 triệu cổ...
Với VN Diamond, đây chỉ là kỳ cập nhật lại thông tin liên quan của cổ phiếu thành phần cũng như giới hạn trọng số. Và điều này cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến tỷ trọng của các cổ phiếu trong rổ.
Hiện nay, có 5 quỹ ETF nội đang mô phỏng bộ chỉ số VN Diamond với tổng quy mô 12,809 tỷ đồng. Trong đó, hai quỹ bao gồm DCVFMVN DIAMOND ETF và MAFM VNDIAMOND ETF chiếm đến 98% tổng quy mô.
Dựa trên danh mục của các quỹ đến ngày 17/01/2025, PHS dự báo việc tái cơ cấu của hai quỹ trên có thể diễn ra như sau: VPB bị bán ra nhiều nhất 1,5 triệu cổ; FPT bị bán ra 1,3 triệu cổ; GMD bị bán ra hơn 1 triệu cổ. Ở chiều ngược lại, OCB được mua vào nhiều nhất 4,8 triệu cổ; tiếp đến là MBB được mua 3,1 triệu cổ.
Tổng hợp các quỹ sẽ mua vào nhiều nhất LPB và bán ra đáng kể FPT và VHM trong kỳ cơ cấu lần này.
Trong khi đó, SSI Research ước tính các quỹ tham chiếu VN30 sẽ mua vào khoảng 18,3 triệu cổ phiếu LPB (tỷ trọng 6,36%); 2,3 triệu cổ phiếu VIB (tỷ trọng 2,7%) và 685.000 cổ phiếu MSN (tỷ trọng 3,6%). Đồng thời, các quỹ có thể bán ra một lượng lớn cổ phiếu POW (3,2 triệu cổ phiếu), VHM (3,2 triệu cổ phiếu), TCB (1,7 triệu cổ phiếu), VPB (1,6 triệu cổ phiếu) và ACB (1,5 triệu cổ phiếu).
Với các quỹ tham chiếu chỉ số VNDiamond, theo ước tính của SSI Research, một số cổ phiếu ước tính được quỹ mua vào đáng kể như: OCB (3,3 triệu cổ phiếu), MBB (1,1 triệu cổ phiếu), HDB (1 triệu cổ phiếu), TCB (975 nghìn cổ phiếu) và ACB (947 nghìn cổ phiếu). Đồng thời, quỹ có thể bán ra một lượng lớn cổ phiếu FPT (1,2 triệu cổ phiếu) và REE (674 nghìn cổ phiếu).
Bộ quy tắc chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 sẽ có hiệu lực chính thức kể từ 28/02/2025, do đó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tỷ trọng của các cổ phiếu thành phần trong bộ chỉ số VN30 mặc dù đây không phải là kỳ thay đổi danh mục định kỳ.
Những điểm nổi bật của bộ quy tắc này đáng chú ý nhất là việc giới hạn tỷ trọng của nhóm cổ phiếu cùng ngành (theo chuẩn GICS cấp 1) trong rổ chỉ số VN30 xuống chỉ còn 40%. Với tỷ trọng như hiện nay, nhóm cổ phiếu Tài chính (bao gồm Ngân hàng, Chứng khoán, Bảo hiểm) sẽ là nhóm bị áp dụng ngưỡng giới hạn tỷ trọng này.
Theo Chứng khoán Phú Hưng, sau khi LPB chính thức được vào rổ chỉ số trong kỳ đánh giá quý 1/2025, tỷ trọng của nhóm Tài chính ước tính đã tăng lên mức 60%. Việc giảm mạnh tỷ trọng của nhóm Tài chính xuống còn 40% trong kỳ đánh giá quý 2 sẽ giúp các nhóm ngành còn lại được gia tăng tỷ trọng (ngoại trừ nhóm Công nghệ - do FPT đã bị giới hạn tỷ trọng vốn hóa cổ phiếu đơn lẻ).