Dự báo phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ khởi sắc trong quý 2/2025
Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tương đối trầm lắng trong quý 1, nhiều tín hiệu cho thấy hoạt động phát hành có thể khởi sắc hơn trong quý 2/2025, khi các doanh nghiệp dần hoàn thiện kế hoạch tài chính và nhu cầu huy động vốn rõ ràng hơn.

Theo dữ liệu từ HNX, tính đến ngày 31/3/2025, chỉ có 5 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1, trong đó 4 đợt phát hành trong tháng 1, không có đợt phát hành nào trong tháng 2 và 1 đợt phát hành trong tháng 3.
Tổng trị giá phát hành trong quý 1 chỉ đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng, bằng 1/5 so với cùng kỳ năm trước và đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), nguyên nhân cho sự sụt giảm này có thể đến từ: Thứ nhất, sự thận trọng của các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức cao và yêu cầu minh bạch hóa thông tin phát hành ngày càng chặt chẽ hơn.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp lựa chọn nguồn vốn từ các kênh khác như vay ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Thứ ba, một số doanh nghiệp chưa thực sự mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh trong giai đoạn đầu năm 2025, đặc biệt là các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng. Trong khi đó, áp lực đáo hạn trái phiếu từ các năm trước cũng khiến doanh nghiệp ưu tiên tái cơ cấu hơn là phát hành mới.
Thứ tư, xu hướng giảm tốc thương mại toàn cầu, rủi ro địa chính trị, tạo ra áp lực kép cho doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến quyết định phát hành.
Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp tính đến ngày 31/03, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1 đạt gần 23 nghìn tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 67,6% so với quý trước. Trong đó nhóm Bất động sản và xây dựng chiếm 38,2%, nhóm Ngân hàng và Tái chính chiếm 30,6%, theo sau là nhóm Năng lượng chiếm 21,3%.
Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tương đối trầm lắng trong quý 1, nhiều tín hiệu cho thấy hoạt động phát hành có thể khởi sắc hơn trong quý 2/2025, khi các doanh nghiệp dần hoàn thiện kế hoạch tài chính và nhu cầu huy động vốn rõ ràng hơn.
Đặc biệt, khối ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vốn cấp 2, phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng theo định hướng của Chính phủ. Ngoài ra, nhu cầu tái tài trợ và tái cấu trúc vốn cũng sẽ gia tăng rõ nét hơn khi áp lực đáo hạn trái phiếu cũ đến gần, đặc biệt là đối với các ngành thâm dụng vốn như bất động sản, năng lượng và xây dựng.
Về phía cầu, việc các quy định mới liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán ra công chúng dự kiến được áp dụng trong nửa cuối năm 2025 sẽ là động lực góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu trên thị trường. Điều này kỳ vọng sẽ giúp thu hút thêm nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là khi lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp.
Dự báo trong phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là hơn 165 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm bất động sản chiếm 48,4% tổng giá trị trái phiếu sắp đáo hạn, tiếp theo là nhóm ngân hàng với 27%.
Lượng trái phiếu đáo hạn sẽ tập trung nhiều nhất vào giai đoạn quý 3, chiếm hơn 39% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2025. Cùng với đó, một khối lượng lớn trái phiếu cũng sẽ đáo hạn vào giai đoạn quý 2- quý 3 sau khi quy định về việc giới hạn gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm kết thúc. Những yếu tố này sẽ phần nào tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn còn lại của năm 2025.