08:20 18/06/2024

Du khách Trung Quốc “phủ sóng” tại nhiều điểm đến

Tường Bách

Theo công ty du lịch trực tuyến Trip.com của Trung Quốc, lượng đặt phòng từ du khách châu Á đến Đức đã tăng 125% trong dịp EURO 2024.Trong đó khách Trung Quốc có mức tăng cao nhất, lên tới 132%...

Người hâm mộ từ các quốc gia đã lên đường đến thăm Đức những ngày này. Ảnh: Reuters
Người hâm mộ từ các quốc gia đã lên đường đến thăm Đức những ngày này. Ảnh: Reuters

Dữ liệu của Trip.com nhấn mạnh xu hướng du lịch thể thao ngày càng phổ biến, đặc biệt được ưa chuộng bởi du khách châu Á. Những ngày này, người hâm mộ từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á đã "đổ bộ" nước Đức đông hơn bao giờ hết. Các thành phố lớn như Frankfurt, Munich và Cologne là những điểm đến hàng đầu. Trong đó, khách Trung Quốc có mức tăng cao nhất, được thúc đẩy từ nhu cầu trải nghiệm văn hóa bóng đá và tận hưởng cả cuộc sống thú vị ở thành phố sôi động của châu Âu.

Tương tự, tận dụng mối quan tâm ngày càng tăng của Thế vận hội mùa hè sắp tới, nước Pháp sẽ trở thành một trong những điểm đến được cân nhắc nhiều nhất trong năm 2024, đối với cả những du khách châu Âu lẫn từ các thị trường xa – trong đó có Trung Quốc", Olivier Ponti, chuyên gia phân tích của ForwardKeys, cho biết.

Theo Trip.com, đến cuối tháng 4, lượng đặt vé máy bay từ khắp nơi trên thế giới đến Paris đã tăng 240% và lượng đặt phòng khách sạn tăng 180% so với năm 2023. Nền tảng này cũng cho biết việc xem các sự kiện thể thao đã trở thành một xu hướng lớn trong du lịch. Dù không có số liệu đầy đủ, nhưng nhiều người cho rằng khách Trung Quốc đang đổ xô đến Pháp. Nhiều người đã xin visa du lịch Pháp từ trước kỳ nghỉ lễ Lao động 1/ 5 vừa qua.

Do hiệu ứng EURO 2024 và Olympic Paris 2024, các nước châu Âu có khả năng đón nhiều khách Trung Quốc mùa hè này.
Do hiệu ứng EURO 2024 và Olympic Paris 2024, các nước châu Âu có khả năng đón nhiều khách Trung Quốc mùa hè này.

Hàng loạt tour du lịch được thiết kế dành riêng cho tệp du khách muốn đi du lịch và "chắc suất" vào sân xem các trận đấu kinh điển tại Olympics. Ví dụ, trên Fliggy - nền tảng du lịch của Alibaba - tour "Riverside" có giá khoảng 63.000 nhân dân tệ (8.700 USD) cam kết du khách sẽ có chỗ ngồi tốt để xem lễ khai mạc và cơ hội gặp gỡ các vận động viên Olympics. Fliggy cũng giới thiệu nhiều gói dịch vụ cho người hâm mộ các môn thể thao như lặn, thể dục dụng cụ và điền kinh.

Tại Trung Quốc, ngành du lịch thể thao đang phát triển nhanh chóng, tăng 30 - 40% du khách mỗi năm. Theo bà Cao Yixia, một nhà nghiên cứu ở Thượng Hải, thể thao là một loại hình giải trí phổ biến. Người hâm mộ thể thao muốn có những trải nghiệm đa dạng, khám phá văn hóa địa phương, lịch sử và thiên nhiên trong khi xem các trận đấu. Xu hướng này cũng giúp tăng trưởng kinh tế nội địa. Năm ngoái, Sở Thể thao tỉnh Tứ Xuyên tổ chức hơn 7.500 sự kiện, thu hút 43 triệu người tham gia và tạo ra doanh thu 40 tỷ Nhân dân tệ.

Tại châu Á, tổng cục du lịch Hàn Quốc (KTO) cũng công bố báo cáo cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc là 4,866 triệu lượt, tương đương với 88,8% của cùng kỳ năm 2019. Tính theo quốc gia và vùng lãnh thổ, du khách đến từ Trung Quốc dẫn đầu với 1,426 triệu người, tăng mạnh 470,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự đoán của ngành du lịch Hàn Quốc, nhiều hãng hàng không sẽ tăng cường các đường bay quốc tế trong nửa cuối năm nay và lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Lượng du khách đến từ Trung Quốc cũng dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Hàn Quốc.
Lượng du khách đến từ Trung Quốc cũng dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Hàn Quốc.

Nhờ sức hấp dẫn của các điểm đến thú vị, môi trường du lịch hiếu khách và mối quan hệ ngoại giao đang dần trở nên sâu sắc với Trung Quốc, các nước Trung Đông đã trở thành điểm đến ngày càng được ưa chuộng đối với du khách Trung Quốc khi lựa chọn du lịch nước ngoài. Theo Qunar, nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc, lượng tìm kiếm du lịch về các quốc gia ở Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập đã tăng mạnh kể từ tháng 12/2023.

Moslem Shojaei, Tổng Giám đốc Marketing và phát triển du lịch quốc tế tại Bộ Di sản Văn hóa, Du lịch và Thủ công mỹ nghệ Iran nhấn mạnh: “Trung Quốc là thị trường nguồn với lượng du khách đông nhất”. Ông Shojaei cho biết, mỗi du khách Trung Quốc chi tiêu trung bình khoảng 1.000 USD (hơn 24,5 triệu đồng) trong các chuyến du lịch tới nước này.

Bên cạnh các chiến dịch nỗ lực quảng bá du lịch tới du khách Trung Quốc, các quốc gia như Ai Cập, Jordan, UAE và Iran cũng đã triển khai các chương trình cấp thị thực ngắn hạn hoặc miễn thị thực, đồng thời đơn giản hóa quy trình nhập cảnh. Ngoài ra, nhiều quốc gia Trung Đông đã có những bước đi chủ động nhằm tăng số lượng chuyến bay thẳng đến Trung Quốc. Giới chức ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Arab Saudi đã có chuyến thăm tới Trung Quốc để trực tiếp quảng bá và thiết kế tuyến du lịch dành riêng cho du khách tới từ “đất nước tỷ dân”.

Số liệu tổng kết các chỉ số du lịch toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) đầu tháng 6 cho thấy, Trung Quốc dẫn đầu về chi tiêu cho du lịch nước ngoài. Các chỉ số du lịch toàn cầu năm 2023 được đánh giá theo các hạng mục: những quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho du lịch, doanh thu cao nhất và những điểm đến được ghé thăm nhiều nhất.

Cụ thể, sau ba năm 2020-2022 tụt hạng, chi tiêu du lịch nước ngoài của thị trường khách Trung Quốc năm 2023 đạt 196,5 tỷ USD. Đứng thứ hai là Mỹ - 150 tỷ USD, Đức xếp thứ 3 - 112 tỷ USD, thứ tư là Anh - 110 tỷ USD và Pháp đứng thứ năm với 49 tỷ USD. Top 10 quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho năm 2023 còn có Canada, Italy, Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc. Ấn Độ đã nhảy vọt từ vị trí 14 năm 2019 lên vị trí thứ 8 năm 2023, khẳng định tầm quan trọng của quốc gia, trở thành thị trường nguồn tại nhiều điểm đến, theo UN Tourism.

Các nước Trung Đông đã trở thành điểm đến ngày càng được ưa chuộng đối với du khách Trung Quốc khi lựa chọn du lịch nước ngoài.
Các nước Trung Đông đã trở thành điểm đến ngày càng được ưa chuộng đối với du khách Trung Quốc khi lựa chọn du lịch nước ngoài.

Dù vậy, theo khảo sát vừa được công bố gần đây của hãng tư vấn Oliver Wyman (Mỹ), chỉ có 14% gia đình thu nhập cao tại Trung Quốc  dự định tiếp tục đi du lịch nước ngoài trong nửa còn lại của năm 2024. Đó là những gia đình tại đại lục có thu nhập ít nhất 30.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 105 triệu/tháng). CNBC dẫn khảo sát cho biết lý do hàng đầu khiến du khách Trung Quốc ưa chuộng điểm đến trong nước là vì có nhiều lựa chọn, tiếp đến là vì đi ra nước ngoài quá tốn kém.

Chi phí trung bình cho một người trong một chuyến tại Trung Quốc đại lục là chưa đến 1.000 nhân dân tệ (3,5 triệu đồng), trong khi đi sang Hồng Kông hay Nhật Bản tốn đến nhiều ngàn nhân dân tệ. Hãng tư vấn Oliver Wyman cho rằng xu hướng du lịch nước ngoài chưa đủ mạnh mẽ của người Trung Quốc khiến cho khả năng hồi phục của du lịch quốc tế bằng mức năm 2019 chỉ có thể xảy ra vào cuối năm 2025, chậm hơn nửa năm so với dự báo trước đó.