14:16 11/06/2024

Vì sao Thái Lan hủy phương án thu phí du lịch?

Tường Bách

Thủ tướng Srettha tin tưởng ngành du lịch của Thái Lan sẽ phát triển vì nhiều thành phố và đảo ở nước này đã được công nhận là điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới. Điểm mấu chốt hiện nay là tập trung khuyến khích những ý tưởng thúc đẩy phát triển du lịch…

Ảnh: Bangkok Post
Ảnh: Bangkok Post

Chính phủ Thái Lan sẽ hủy bỏ đề xuất trước đó về việc thu phí du lịch 300 baht (khoảng 207.000 đồng) đối với mỗi khách quốc tế đến Thái Lan bằng đường hàng không. Đề xuất này được chính phủ tiền nhiệm đưa ra vào tháng 2/2023 nhưng đã trì hoãn khá lâu không thực hiện được do gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ khu vực tư nhân, theo The Straits Times.

Quyết định trên của Chính phủ Thái Lan được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để ngành du lịch Thái Lan thu hút thêm nhiều du khách, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch nước này. Theo Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, việc thu phí du lịch có thể tạo thêm doanh thu nhưng nếu nhìn rộng hơn thì nguồn thu này chưa chắc đã bằng số tiền thu được từ các khoản chi tiêu mua sắm của du khách, nếu họ không phải trả khoản phí trên.

Dưới góc nhìn của Thủ tướng Srettha, sức chi tiêu của du khách mới là yếu tố kích thích nền kinh tế và tạo ra nhiều doanh thu cho đất nước. Thủ tướng Srettha nhấn mạnh mọi quyết định đều phải dựa trên tiếng nói của tất cả các bên liên quan và chính phủ của ông có thể tạo thêm doanh thu từ các nguồn thuế khác để hỗ trợ ngành du lịch khi cần thiết.

Trước đó, Thái Lan dự kiến thu phí du lịch 300 baht đối với mỗi khách quốc tế đến Thái Lan bằng đường hàng không.
Trước đó, Thái Lan dự kiến thu phí du lịch 300 baht đối với mỗi khách quốc tế đến Thái Lan bằng đường hàng không.

Khi được hỏi về việc Thái Lan bị rớt 6 bậc xuống vị trí 47/119 quốc gia về chỉ số phát triển du lịch và lữ hành do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng, Thủ tướng Srettha cho biết chính phủ hiện nay sẽ phát triển trên mọi lĩnh vực và, cũng giống như các chính phủ trước, luôn xác định du lịch là ngành mũi nhọn quan trọng giúp tạo ra nguồn thu cho đất nước.

Trước đó, Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) đề nghị chính phủ nên xem xét việc thu phí du lịch 300 baht để giúp tài trợ cho phát triển du lịch vì kế hoạch và mọi công tác chuẩn bị liên quan hiện đã được hoàn tất. Tổ chức này cho rằng các quỹ thiết yếu sẽ mang lại lợi ích cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở các tỉnh hạng hai nhằm thu hút khách du lịch, đồng thời cải thiện các điểm tham quan đã xuống cấp do tình trạng quá tải khách du lịch. Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp lữ hành cho rằng không nên áp thuế vào thời điểm này vì ngành du lịch Thái Lan mới chỉ phục hồi sau tác động của đại dịch và mục tiêu trước mắt là tăng số lượng khách đến cũng như hạn mức chi tiêu.

Theo Bangkok Post, du lịch là một trong những ngành mũi nhọn, là động lực chủ chốt của nền kinh tế Thái Lan. Đây cũng là ngành tạo ra nguồn việc làm lớn. Do đó, Chính phủ Thái Lan đặc biệt quan tâm đến hoạch định và triển khai các chính sách nhằm phục hồi và phát triển ngành, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19. Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã đón gần 15 triệu lượt du khách nước ngoài và đang hướng tới mục tiêu đón 35 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay với mức doanh thu khoảng 30 tỷ USD.

Thủ tướng Srettha cho rằng sức chi tiêu của du khách mới là yếu tố kích thích nền kinh tế và tạo ra nhiều doanh thu cho đất nước.
Thủ tướng Srettha cho rằng sức chi tiêu của du khách mới là yếu tố kích thích nền kinh tế và tạo ra nhiều doanh thu cho đất nước.

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan nhấn mạnh, thành công của ngành du lịch nước này thời gian qua đến từ việc nghiên cứu và triển khai các chính sách phát triển du lịch bài bản, kịp thời cũng như khoản đầu tư lên tới 3,25 tỉ Baht (hơn 93 triệu USD) phục vụ quảng bá ngành du lịch. Đặc biệt, một trong những yếu tố góp phần mang lại sức hút mạnh mẽ cho ngành “công nghiệp không khói” Thái Lan phải kể đến “sức mạnh mềm” mà chính phủ này đang vận hành. Cụ thể, Thái Lan tích cực quảng bá du lịch thông qua ẩm thực, điện ảnh, thời trang, lễ hội và võ thuật.

Người đứng đầu Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Thapanee Kiatphaibool hôm 8/6 cho biết phần thứ ba của White Lotus, một bộ phim truyền hình ăn khách của HBO đang ghi hình các cảnh quay tại Bangkok, Phuket và Koh Samui, trong khi bộ phim bom tấn Hollywood Thế giới khủng long phần 4 (Jurassic World 4), dự kiến ​​sẽ bắt đầu bấm máy vào tuần tới tại các tỉnh Krabi và Trang của Thái Lan. Quá trình ghi hình của Thế giới khủng long phần 4 tại Thái Lan dự kiến ​​sẽ tạo ra khoản doanh thu hơn 650 triệu baht (gần 18 triệu USD) trong thời gian quay phim kéo dài một tháng.

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cũng cho biết nước này đang xúc tiến quảng bá “du lịch ma” cho du khách quốc tế quan tâm đến các địa điểm có chủ đề kinh dị. Theo ông Siripakorn Cheawsamoot, Phó chủ tịch TAT phụ trách các khu vực châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ, phim ma Thái Lan là tài sản quyền lực mềm của nước này và những bộ phim ma Thái Lan đã giúp truyền bá văn hóa xứ sở chùa Vàng ra khắp thế giới. Ông Siripakorn cũng cho biết TAT hiện chưa chính thức quảng bá mảng du lịch này, dù trong nước có rất nhiều địa điểm tiềm năng.

Thái Lan tích cực quảng bá du lịch thông qua ẩm thực, điện ảnh, thời trang, lễ hội và võ thuật.
Thái Lan tích cực quảng bá du lịch thông qua ẩm thực, điện ảnh, thời trang, lễ hội và võ thuật.

Tận dụng mọi tiềm năng thúc đẩy du lịch, TAT cũng đang hợp tác với hệ thống siêu thị lớn Carrefour của Pháp để triển khai gói du lịch Thái Lan trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic 2024 từ 22/7 tới 11/8 tới đây tại Pháp. Với khẩu hiệu “Olympic nghỉ ngơi”, chiến dịch này đặt mục tiêu thu hút du khách Pháp mong muốn đi nghỉ dưỡng để tránh tình trạng đông đúc trong thời gian diễn ra Thế vận hội. TAT đã tung ra khoảng 2.000 gói tour cho du khách Pháp theo chiến dịch này và đang phối hợp với các hãng hàng không tạo điều kiện cho phép các chuyến bay thẳng từ Paris tới Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan cũng vừa khởi động sáng kiến “Một gia đình - Một quyền lực mềm” với hy vọng tạo ra 20 triệu cơ hội việc làm với mức lương tối thiểu hằng năm 200 nghìn baht (138 triệu đồng)/lao động. Chương trình chính thức bắt đầu vào tháng 6 tới, tập trung giảng dạy các kỹ năng nghề nghiệp trong các ngành cụ thể như thực phẩm, phim ảnh và kịch, âm nhạc, thể thao, thời trang, lễ hội, sách, trò chơi điện tử, du lịch và nghệ thuật.

Bà Paetongtarn Shinawatra, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Quyền lực mềm của Thái Lan cho biết, chương trình “quyền lực mềm” là một phần của “đại chiến lược” kích cầu du lịch Thái Lan. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân, đưa Thái Lan từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao mà còn góp phần giúp Thái Lan trở thành thỏi nam châm thu hút khách du lịch, theo hướng tăng trưởng bền vững.