Du lịch golf có phải là lợi thế của TP.HCM?
Golf đang cho thấy sức hút lớn. Đây là một môn thể thao nhưng kích thích nhiều ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là du lịch. Giải pháp, dịch vụ, nâng cao chất lượng, hạ tầng tốt hơn... là những điều cần thực hiện để golf tour phát triển…
Chiều 28/2 vừa qua, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (VTGA) công bố và ra mắt Tour du lịch golf TP.HCM. Nhân dịp này, Sở Du lịch TP.HCM cùng Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch (Vietravel, Saco Travel, Vina Travel), sân golf Tân Sơn Nhất… cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các bên, nhằm phát triển du lịch golf của TP.HCM.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, TP.HCM là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa sầm uất cả nước, với hệ thống sân golf hiện đại, đẳng cấp quốc tế, nên hoàn toàn đủ khả năng thu hút du khách. Việc phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch, mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp. Đó là các lý do khiến nhiều nước xác định du lịch golf là “con gà đẻ trứng vàng” của ngành kinh tế xanh.
Trong khuôn khổ buổi lễ giới thiệu tour, chương trình cũng đón đoàn khách quốc tế đầu tiên gồm 20 golfer đến từ Singapore, tham quan, trải nghiệm cảnh quan thành phố bằng xe buýt 2 tầng, ngắm TP.HCM từ đài quan sát Saigon Skydeck Bitexco, thưởng thức ẩm thực trên tàu nhà hàng Elisa và ngắm sông Sài Gòn về đêm… Bên cạnh đó, từ ngày 1 – 3/3, các golf thủ này sẽ tham gia tour du lịch golf đầu tiên của TP.HCM qua giải giao lưu golf hữu nghị Việt Nam - Singapore tại sân golf Tân Sơn Nhất.
Chia sẻ trong lễ công bố và ra mắt tour du lịch golf TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thời gian tới, ngành du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Golf Việt Nam tổ chức các giải đấu golf chuyên nghiệp cho khách trong nước, quốc tế tại TP.HCM. "Song song với các giải đấu, chúng tôi sẽ kết hợp chương trình tham quan để thông qua golf sẽ thêm kênh quảng bá về du lịch, điểm đến TP.HCM do ngành du lịch thành phố xây dựng", bà Hoa chia sẻ.
Hội golf TP.HCM (HGA) cũng cho biết đã sẵn sàng cho một loạt các giải đấu lớn sẽ được tổ chức trong năm nay. Một năm được xem là tiếp tục bùng nổ các sự kiện golf ở Việt Nam bên cạnh cả các hoạt động quảng bá du lịch golf thời kỳ hậu Covid 19. Với tổng cộng 10 sự kiện trong đó có 7 giải đấu Open chính thức, HGA đã và đang chuẩn bị tất cả cho một mùa giải rất bận rộn này.
TP.HCM hiện có 2 sân golf lớn là Sân golf Tân Sơn Nhất, sân golf Thủ Đức và nhiều sân golf liền kề đang trở thành điểm đến hấp dẫn. Với tour du lịch golf, du khách đăng ký sẽ được tham quan, trải nghiệm, khám phá thành phố bằng xe bus 2 tầng; ngắm nhìn thành phố từ đài quan sát Bitexco và thưởng thức ẩm thực… Trong đó, lợi thế lớn nhất của TP.HCM là có thời tiết ổn định nên là điểm đến lý tưởng cho các cuộc chơi quanh năm.
Trước đó, tại tọa đàm “Du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam thu hút khách quốc tế”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc VGS Media - Golf News cho biết, so với thế giới và khu vực, Việt Nam kinh doanh golf muộn nhưng lại là thị trường phát triển với tốc độ nhanh, năng động, mang đến nhiều trải nghiệm đa dạng khi kết hợp golf với du lịch và giải trí cho golfer. Năm 2019 - 2020, số lượng người chơi golf vào khoảng 26.000, năm 2021 đã tăng gấp đôi, lên 51.000 người.
Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam cho biết, lượng khách inbound du lịch kết hợp chơi golf không nhiều, chủ yếu là dòng khách nhiều tiền. Tuy nhiên, du lịch golf nói riêng và các loại hình du lịch gắn với thể thao, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang là xu hướng mới được nhiều du khách lựa chọn. Hiện nay, khách nước ngoài vào Việt Nam chơi golf nhiều nhất là từ Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thường mua tour theo ba hình thức: combo (vé máy bay + lưu trú + chơi golf), nghỉ dưỡng tại resort kết hợp tham gia giải golf và khách chơi golf kết hợp công việc.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Các câu lạc bộ Golf phía Nam Lê Văn Hải, hiện có 32 trong 80 sân golf tại Việt Nam đáp ứng đủ tiêu chí khắt khe về chất lượng và độ thử thách dành cho các giải đấu chuyên nghiệp chuẩn quốc tế, trải dài từ Bắc vô Nam. Còn theo Hiệp hội Golf Việt Nam, nước ta có khoảng 100.000 người chơi golf và 100 sân golf đang hoạt động. Trong đó, 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế dọc đường biển dài 6.000 km, cùng các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Việt Nam cũng nhiều năm được tổ chức World Golf Awards (WGA) chọn là điểm đến golf tốt nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo đại diện các công ty lữ hành, khách chơi golf đa phần là dòng khách có mức chi tiêu cao nhưng mức độ rủi ro cũng cao. Mức chiết khấu của các sân golf dành cho đại lý bán (là công ty du lịch) không cao và thất thường, khách có thể thay đổi kế hoạch bất thình lình trong khi dịch vụ sân phải đặt và thanh toán trước để có chỗ. Vì thế, phần lớn công ty lữ hành chỉ dám chọn làm tour dành cho đoàn.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Vina Travel, để triển khai được tour du lịch golf, đội ngũ nhân sự phải am hiểu về loại hình này nhưng hiện nay, tại TP.HCM, số nhân sự ở các công ty du lịch biết chơi golf không nhiều. Vì thế, công ty lữ hành nếu muốn làm tour du lịch golf cần phải có thời gian tạo mối quan hệ với các thành viên trong các câu lạc bộ, hội golf. Bên cạnh đó, để triển khai được tour du lịch golf, doanh nghiệp lữ hành mong muốn có gói đánh golf với giá thấp hơn mức phí mà các sân golf áp dụng hiện nay.
Đề xuất thêm giải pháp hút khách, các công ty lữ hành cho biết cần xây dựng những sản phẩm tập trung trước vào thị trường khách nội địa vì nhu cầu lớn, dễ tiếp cận. Ngoài ra, nên có những liên kết với hiệp hội golf ở Nhật Bản, Hàn Quốc và lựa chọn các công ty lữ hành đưa khách vào nước ta. Một số giải pháp khác được doanh nghiệp, chuyên gia đề ra là liên kết các sân golf thay vì cạnh tranh, để tạo thành "vành đai" trải nghiệm cho du khách. Việt Nam cũng cần tổ chức các giải đấu quy mô quốc tế, hội thảo, khóa học golf để tiếp cận đa dạng khách nội địa và quốc tế.