09:22 19/02/2025

Du lịch hang động có thể đem lại doanh thu lớn cho Việt Nam

Tường Bách

Việt Nam là quốc gia nhiệt đới với địa hình đa dạng, trong đó phần lớn là đồi núi, chiếm khoảng 3/4 diện tích lãnh thổ. Dải đất hình chữ S cũng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan kỳ vĩ, trong đó các hệ thống hang, động chiếm một vị trí đặc biệt...

Hang Va tại Quảng Bình qua ống kính của nhiếp ảnh gia Daniel Kordan.
Hang Va tại Quảng Bình qua ống kính của nhiếp ảnh gia Daniel Kordan.

Ngày 13/2/2025, trên trang cá nhân, anh Martin Garrix (28 tuổi, Hà Lan) chia sẻ đoạn video được anh quay lại trong chuyến trải nghiệm hang Sơn Đoòng kéo dài 4 ngày. Đến nay, đoạn video thu hút hơn một triệu lượt xem cùng rất nhiều bình luận của người xem toàn cầu. Martin Garrix là nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng, được coi là một trong những DJ hàng đầu thế giới.

Trước đó trên tài khoản Instagram và Fanpage của mình, vị khách Hà Lan cũng đăng 10 bức hình với chú thích “chụp tại hang động lớn nhất thế giới”. Đó là hình ảnh được anh chụp trong chuyến đi tới Việt Nam vào năm 2024.

NHIỀU HỆ THỐNG HANG ĐỘNG CHƯA KHAI PHÁ HẾT

Ông Nguyễn Châu Á, đại diện đơn vị khai thác du lịch hang Sơn Đoòng, cho biết, sau một thập kỷ mở cửa cho du khách, hang động lớn nhất thế giới đã chào đón hơn 7.500 người. Đáng chú ý, có khoảng 20 người đã chinh phục hang động này từ 2 đến 8 lần.

Khách du lịch thám hiểm hang Sơn Đoòng đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó Việt Nam dẫn đầu với 3.123 khách, tiếp theo là Mỹ với 1.851 khách, Australia có 461 khách... Hoạt động du lịch tại Sơn Đoòng đã tạo ra 130 việc làm trực tiếp cho người dân địa phương, bao gồm các vị trí như mang vác hành lý, đầu bếp, trợ lý an toàn, và hướng dẫn viên.

Bức hình chụp tại hang Sơn Đoòng được Martin Garrix  đăng trên trang cá nhân.
Bức hình chụp tại hang Sơn Đoòng được Martin Garrix  đăng trên trang cá nhân.

Mặc dù mỗi năm số lượng khách được vào hang khá hạn chế nhằm đảm bảo công tác bảo tồn, tổng doanh thu từ tour thám hiểm Sơn Đoòng đã vượt 528 tỷ đồng, trong đó hơn 167 tỷ đồng đã được nộp vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh Sơn Đoòng, mỗi năm có gần 40.000 du khách tham gia các tour thám hiểm hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), biến nơi đây thành điểm đến lớn nhất thế giới cho loại hình du lịch thám hiểm hang động.  

Tại Thanh Hóa, động Bo Cúng, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, đã được một người thợ săn địa phương phát hiện vào năm 2008. Dài hơn 1km, rộng 10 -50 m, các hang bên trong động thông với nhau, có rất nhiều nhũ đá đủ màu sắc, kích thước và hình dạng khác nhau, đặc biệt có một nhũ đá mang hình dáng giống tượng Phật. Mỗi năm, động Bo Cúng đón khoảng 20.000 lượt khách. Năm 2023, đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cung đã khảo sát, nghiên cứu và đánh giá động này được hình thành từ hơn 4 triệu năm trước.

Tương tự, nằm bên Quốc lộ 1B, thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), hang động Mỏ Gà nằm trong lòng núi đá dài hàng nghìn mét, rộng lớn, hình thù nhũ đá, cảnh quan kỳ bí, hấp dẫn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã hai lần mời nhóm chuyên gia hang động người Anh và đơn vị chuyên về du lịch mạo hiểm Oxalis Adventure tiến hành khảo sát, khảo sát chuyên sâu, bước đầu xác định từ cửa hang vào sâu khoảng 1.800m, trong đó có một nhánh phụ lên Lạng Sơn và nhiều nhánh nhỏ trong lòng núi…

Bãi trại Hang Sáng được chụp lại trong chuyến du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng của công ty Oxalis Adventure.
Bãi trại Hang Sáng được chụp lại trong chuyến du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng của công ty Oxalis Adventure.

Mới nhất, tháng 9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phiên họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành đánh giá và 100% đại biểu biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Hiện nay, Công viên địa chất Lạng Sơn đã hình thành 4 tuyến du lịch với 38 điểm tham quan. Theo khảo sát của các nhà khoa học, Công viên địa chất Lạng Sơn có khoảng 200 hang động, nhiều thác nước, hố sụt đẹp, ẩn chứa vô vàn điều thú vị, hấp dẫn của thiên nhiên. “Đây sẽ là nguồn lực, chắp cánh cho sự phát triển của du lịch địa chất, thám hiểm hang động của Lạng Sơn”, bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn khẳng định.

CƠ HỘI CHO DU LỊCH VIỆT

Khi trải nghiệm khám phá thiên nhiên và du lịch mạo hiểm ngày càng được du khách ưa chuộng, là cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam trong phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và khác biệt ngày càng lớn. Tại Hội thảo khoa học "Phát triển du lịch hang, động tại Việt Nam" mới đây, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đánh giá phát triển du lịch hang động là một loại hình du lịch có tiềm năng ở Việt Nam.

Theo đó, du lịch hang động là loại hình mang lại nhiều trải nghiệm cho khách du lịch, như gắn với tham quan phổ thông, vui chơi giải trí, gắn với du lịch mạo hiểm, nghiên cứu khoa học, giáo dục, sinh thái, văn hóa… Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mai, Phó Trưởng phòng Thị trường, sản phẩm và quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, du lịch hang, động tại Việt Nam gắn liền định hướng phát triển du lịch bền vững, cân bằng giữa ba trụ cột kinh tế - văn hóa và xã hội - môi trường.

Các chuyên gia trong chuyến khảo sát Công viên địa chất Lạng Sơn tháng 2/2025.
Các chuyên gia trong chuyến khảo sát Công viên địa chất Lạng Sơn tháng 2/2025.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Kinh Doanh, Công ty Du lịch mạo hiểm Oxalis Adventure, khẳng định: "Được xếp vào nhóm sản phẩm du lịch hạng sang, du lịch hang động có thể coi là "mỏ vàng" của ngành du lịch". Tuy nhiên, các hoạt động quảng bá cho loại hình du lịch này vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát. Ngoài ra, du lịch hang động còn đối mặt với các vấn đề như ô nhiễm môi trường và rác thải, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, tác động đến cộng đồng địa phương...

Ông Ngô Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Funtrip, cho rằng, dù đã có các quy ước, điều luật chung của quốc tế nhưng Việt Nam chưa có Hiệp hội hang động riêng như nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này khiến các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này thiếu địa chỉ tiếp cận thông tin, hướng dẫn quy cách làm việc, quản lý hoạt động tham quan và khai thác hang động tại Việt Nam.

Tại Tọa đàm “Phát triển Du lịch thám hiểm hang động Công viên địa chất Lạng Sơn” mới đây, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng cho rằng, để làm cơ sở cho công tác quản lý và phát triển du lịch hang động, phải điều tra, kiểm kê hang động. Cách tiếp cận tốt nhất trong quản lý tác động của việc sử dụng, khám phá hang động là xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. 

Dự kiến, tháng 9/2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại Chile. 
Dự kiến, tháng 9/2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại Chile. 

Chẳng hạn, hướng dẫn viên tham quan hang động cần được đào tạo bài bản. Cơ sở hạ tầng ở hang tham quan, điện chiếu sáng trong hang cần vừa đủ để duy trì môi trường hang động tự nhiên... Bên cạnh đó, cần thiết kế, xây cất cơ sở hạ tầng hỗ trợ các hoạt động trên mặt đất ở các vùng đá vôi sao cho ít tác động đến môi trường cảnh quan nhất.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Trần Cương, Công ty Netin Travel, để đưa du khách tham gia các tour mạo hiểm, đơn vị phải khảo sát kỹ các điểm trong hang động trước khi đưa vào hoạt động du lịch. Đội ngũ hướng dẫn viên, porter thường xuyên được đào tạo nội bộ để đảm bảo an toàn cho du khách.

Trước khi đưa khách tham gia tour, cần tổ chức hướng dẫn và lưu ý cho du khách các kỹ năng khi đi vào trong hang; cần tuân thủ nghiêm túc những khuyến cáo về sức khỏe, độ tuổi cho du khách được tham gia tour mạo hiểm. Đặc biệt phải lưu ý mua bảo hiểm cho khách khi tham gia tour…