06:00 10/01/2023

Du lịch mùa đông thay đổi do mức tăng nhiệt toàn cầu

Tường Bách

Theo các nhà khí tượng học, những ngày đầu tiên của năm 2023 đã chứng minh xu hướng nóng lên toàn cầu khi châu Âu ghi nhận mùa đông ấm kỷ lục trong lịch sử...

Những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại châu Âu đã phải đóng vửa vì không có tuyết. Ảnh: CNN
Những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại châu Âu đã phải đóng vửa vì không có tuyết. Ảnh: CNN

Việc nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao trong năm 2023 sẽ được các nhóm nghiên cứu khoa học đưa ra trong vài tuần tới. Theo dự thảo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm vừa qua được xếp hạng thứ 6 trong những năm nóng nhất lịch sử, cao hơn 1,15°C so với nhiệt độ trung bình của thập niên 80. Nếu năm 2023 tiếp tục với nhiệt độ tăng cao tương tự, 8 năm qua sẽ trở thành chuỗi thời gian nóng nhất kể từ khi các số đo nhiệt độ bắt đầu.

Theo Sky News, những sườn núi trơ trụi và các con đường tuyết tan chảy đã làm dấy lên nỗi lo sợ về tác động của biến đổi khí hậu đối với nhiều thị trấn miền núi sống dựa vào du lịch mùa đông. Cuối năm 2022, nhiệt độ ở Pháp ở mức cao nhất trong vòng 25 năm, cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Meteo France cho biết. Thời tiết ở Thụy Sĩ cũng tương tự. Một trạm thời tiết ở dãy Jura ghi nhận nhiệt độ trung bình là 18,1 độ C vào ngày đầu năm mới. 

Đầu năm 2023, nhiệt độ kỷ lục của tháng 1 bị phá vỡ ở một loạt quốc gia châu Âu và một nhà khí tượng học cho rằng điều đó thật khó hiểu. Ít nhất 8 quốc gia là Ba Lan, Đan Mạch, CH Czech, Hà Lan, Belarus, Litva, Latvia, ghi nhận nhiệt độ trong tháng 1 ấm nhất lịch sử, theo dữ liệu do nhà khí hậu học Maximiliano Herrera thu thập và công bố hôm 2/1. Miền bắc Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp có nhiệt độ trung bình 24,9. Đây cũng là mức nhiệt cao nhất ở Bilbao, thành phố lớn nhất phía bắc Tây Ban Nha, trong tháng 1.

Dãy núi Alps và Pyrenees của Pháp đang chịu cảnh thiếu tuyết và một số khu nghỉ đã phải đóng cửa. Một trong những nơi mới nhất phải đóng cửa là Ax 3 Domaines, gần biên giới của Pháp với Công quốc Adorra. Khu này đã ngừng hoạt động hôm 31/12, chỉ sau vài tuần mở cửa. Le Gets và Morzine - một phần của khu vực Portes de Soleil vốn được ưa chuộng, hiện chỉ vận hành hai đường trượt. Khu Adelboden của Thụy Sĩ, nơi tổ chức World Cup trượt tuyết vào thứ Bảy, sẽ phải để các cuộc thi đấu diễn ra trên tuyết nhân tạo 100%. Khu nghỉ dưỡng Splugen-Tambo của Thụy Sĩ hôm thứ Hai cũng cho biết họ sẽ đóng cửa "cho đến khi có thông báo mới".

Thực tế là mọi nơi trên dãy Alps tuyết đều ít hơn mức trung bình hàng năm.
Thực tế là mọi nơi trên dãy Alps tuyết đều ít hơn mức trung bình hàng năm.

Laurent Reynaud, CEO tại Domaines Skiables de France, cơ quan quốc gia đại diện cho các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, nói một nửa trong số 7.500 dốc trượt tuyết ở Pháp hiện đóng cửa do "thiếu tuyết và mưa nhiều". Một số khu nghỉ dưỡng đang điều chỉnh để xoay xở hoạt động. Họ chuyển sang cho thuê xe đạp leo núi, khuyến khích du khách khám phá vùng nông thôn rộng lớn, thay vì ngồi buồn chán vì không có tuyết. Số khác đang dựa vào tuyết nhân tạo để hoạt động. Nhưng việc tạo tuyết giả được đánh giá là tốn kém, ảnh hưởng môi trường vì cần sử dụng lượng lớn năng lượng và nước.

Chuyên gia khí tượng học Fraser Wilkin cho biết mọi người phải chấp nhận một điều, biến đổi khí hậu đang diễn ra. Không chỉ Pháp, các khu nghỉ ở Thụy Sĩ, Italy, Áo đều gặp tình huống tương tự. "Thực tế là mọi nơi trên dãy Alps tuyết đều ít hơn mức trung bình hàng năm", ông Wilkin nói. “Du khách vẫn có thể trượt tuyết trong tương lai. Nhưng các khu nghỉ dưỡng ngày càng đối mặt nhiều áp lực hơn. Du khách càng ngày càng phải lên cao hơn mới có tuyết, và điều này sẽ đẩy giá các kỳ nghỉ lên”.

Thậm chí, nền nhiệt ấm lên và thời tiết khắc nghiệt có thể khiến những chuyến du lịch mùa đông có khả năng bị thay thế, bởi nhiệt độ tăng cao sẽ khiến cho du khách phải thay đổi kế hoạch đến châu Âu. “Biến đổi khí hậu sẽ gây nhiều tác động, tuy không đến mức như ngày tận thế”, theo giáo sư Michelle Rutty của Đại học bang Michigan, người đã nghiên cứu về ảnh hưởng của thời tiết ấm áp lên ngành du lịch châu Âu và quần đảo Caribbean. “Thay vì tới du lịch vào mùa hè quá nóng và mùa đông không có tuyết, có lẽ tới đây du khách sẽ thích đến châu Âu vào mùa thu”.

Bà Rutty cũng cho rằng nhiệt độ tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tính đa dạng của du khách viếng thăm một vài nước. Những người về hưu và các gia đình có trẻ nhỏ có thể sẽ không phàn nàn gì về việc thiếu tuyết, khi họ có thể đi bộ thăm các ngôi làng hoặc leo núi, trong khi du khách “ba lô” ở độ tuổi 20 chắc chắn không muốn một kỳ nghỉ đông mà như đi dạo trong mùa xuân. Miguel Pinhâo, chủ sở hữu một cửa hàng quà tặng tại thủ đô của Ba Lan, nói với đài NBC rằng lượng du khách giảm chóng mặt trong suốt mùa lễ hội vừa qua do không thể tổ chức các hoạt động du lịch mùa đông. “Cứ như thể du khách vẫn đang bị hạn chế đi lại vậy”, ông nói.

Theo nghiên cứu được công bố năm 2019, tại xứ Alpes đã có ‘‘3 tuyến đường leo núi đã hoàn toàn biến mất’’, 93 tuyến bị tác động, ở các mức độ khác nhau, trong đó có khoảng 30 tuyến bị tác động rất mạnh, đòi hỏi người leo núi phải có một mức độ kỹ thuật cao hơn. Nguy hiểm trước hết đến từ việc băng hà bị co lại, nhiều đoạn đường nay chỉ còn toàn là đá chông chênh, thậm chí lung lay, bất ổn, nhiều vách đá không còn lớp đất đóng băng vĩnh cửu.

Rõ ràng là thời kỳ hoàng kim của du lịch leo núi băng đang ở phía sau chúng ta.
Rõ ràng là thời kỳ hoàng kim của du lịch leo núi băng đang ở phía sau chúng ta.

‘Núi non nổi giận’’, ‘‘Đỉnh Mont-Blanc: núi đổ, người leo núi than khóc’’, ‘‘Dãy Alpes hoàn toàn thay hình đổi dạng, một hình ảnh tận thế của sự biến đổi khí hậu’’… là những hàng tựa trên báo cho thấy viễn cảnh tương lai của môn du lịch leo núi tại châu Âu. Trong lúc nhiều người leo núi nghiệp dư dường như chưa muốn thay đổi thói quen, đông đảo giới leo núi chuyên nghiệp đã bắt đầu thay đổi thời điểm đi núi. Đi sớm hơn vào mùa xuân, hoặc muộn hơn vào mùa thu. Theo nhà địa mạo học Ludovic, nhờ vào sự dịch chuyển này mà số lượng tai nạn leo núi tại Pháp ‘‘không tăng vọt’’.

Trả lời đài France Info, nhà leo núi kỳ cựu François Damilano, chuyên về núi băng, cũng là một nhà điện ảnh, nhận định: ‘‘Rõ ràng là thời kỳ hoàng kim của du lịch leo núi băng đang ở phía sau chúng ta. Khi ta quan sát sự biến đổi ghê gớm này của dãy Alpes, chúng ta có trước mắt mình một hình ảnh hiển hiện về ngày tận thế hậu quả của biến đổi khí hậu. Tôi nhìn thấy cảm hứng của cuộc đời tôi đang biến mất ngay trước mặt mình, ngay trong đời mình. Thực tế này buộc tôi phải xem xét lại triệt để những gì mình đã làm để tạo ra một xu hướng du lịch bền vững hơn’’.