Du lịch sức khỏe sẽ phát triển rực rỡ vào năm 2022
Trong bối cảnh mới khi mà toàn thế giới đặt vấn đề sức khoẻ lên hàng đầu, những chuyến du lịch đầu tiên sau đại dịch sẽ có mục tiêu ưu tiên là chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần…
Trong tiếng Anh, “wellness” có nghĩa là sức khỏe; bao hàm ý nghĩa của “healthy” (thể chất) và “spiritual” (tinh thần). Wellness tourism được coi là xu hướng trong năm 2022 khi nhiều người sẵn sàng chi tiền đi chơi để cải thiện cảm giác căng thẳng, mệt mỏi do đại dịch. Đây là hình thức hướng tới nghỉ dưỡng, thư giãn mà mỗi người tham gia sẽ được trải nghiệm các hoạt động hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo dự báo, thị trường khách du lịch chăm sóc sức khoẻ trên thế giới sẽ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ sau khi ngành du lịch toàn cầu được phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích: tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí chiếm 54% tổng lượng khách du lịch quốc tế; thăm hỏi, sức khỏe và tôn giáo chiếm khoảng 31%; công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.
Mặt khác, UNWTO cho rằng, với xu hướng già hoá dân số, nhu cầu về chất lượng cuộc sống, du lịch, nghỉ ngơi, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe càng ngày càng được chú trọng và đòi hỏi được đáp ứng nhiều hơn về chất lượng cũng như số lượng, dần dần trở nên phổ biến hơn và có sự phân khúc thị trường để đáp ứng được các nhu cầu đó.
Theo dự báo của tổ chức phân tích dữ liệu GWI, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của du lịch chăm sóc sức khoẻ ở mức 20,9% từ năm 2020 đến 2025, lớn hơn các lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ như kinh doanh làm đẹp, spa... Triển vọng này đáng được chú ý bởi dịch bệnh, ngành khách sạn ngày càng quan tâm đến sức khoẻ của khách lưu trú. Du khách chăm sóc sức khoẻ cũng chi nhiều tiền hơn khách thường, trung bình 1.601 USD cho mỗi chuyến đi.
Báo cáo của GWI cũng cho biết thêm, khách du lịch chăm sóc sức khoẻ thường giàu hơn, có học thức và được đi du lịch nhiều hơn. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các trải nghiệm du lịch, dịch vụ và tiện nghi hỗ trợ sức khoẻ và hạnh phúc của họ.
Theo khảo sát của American Express, 70% người được hỏi cho biết họ đang thực hiện nhiều mục tiêu gắn liền với sức khoẻ hơn những năm trước đại dịch. 76% thì cho biết muốn chi tiêu nhiều hơn cho việc đi du lịch để cải thiện sức khoẻ. 55% cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các hoạt động chăm sóc sức khoẻ trong các kỳ nghỉ tương lai.
Đáng nói là trong 5 năm trở lại đây, châu Á dẫn đầu cả số lượng khách và nguồn thu từ du lịch chăm sóc sức khỏe. Nếu loại hình này duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm sẽ đóng góp 18% tỷ trọng cho ngành du lịch toàn cầu. Ở một số quốc gia như: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển.
Tại Campuchia, Khu nghỉ dưỡng Navutu (tỉnh Siem Reap) có diện tích 1,5 ha với ba hồ bơi lớn, là điểm đến yêu thích với nhiều du khách trong nước và nước ngoài trong thời gian gần đây. Khu nghỉ dưỡng này cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như bổ sung một số liệu pháp giúp cải thiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Bà Sara Moya, Giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng Navutu, cho biết: "Ở đây, chúng tôi có các liệu pháp thải độc nhanh và nhẹ nhàng cho những du khách bị căng thẳng, mệt mỏi và muốn có sức khỏe tốt hơn. Chúng tôi cũng cung cấp các dịch vụ giúp du khách lấy lại cân bằng trong cuộc sống". Mỗi ngày, khu nghỉ dưỡng mở 2 lớp học yoga cho du khách và cung cấp nhiều loại hình massage cũng như các liệu pháp chữa bệnh khác.
Còn với Việt Nam, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, tiềm năng phát triển loại hình này cũng rất lớn. Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, với nhiều bãi tắm biển rất đẹp và thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, việc phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng đã trở thành những nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khoẻ được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Cùng với đó, Việt Nam có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, có nền y học dân tộc cổ truyền nổi tiếng; hệ thống di tích lịch sử phong phú, có nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc với cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng.
Trong giai đoạn phát triển ấn tượng của ngành du lịch trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã có bước phát triển nhất định với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, như: du lịch spa; chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền; du lịch thiền, yoga; du lịch giảm cân. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thực trạng khai thác dòng sản phẩm này vẫn chưa tương xứng.