Du lịch Thái Lan củng cố danh tiếng quốc tế
Chính phủ Thái Lan quyết tâm nâng cao ảnh hưởng văn hóa của quốc gia lên tầm thế giới, hướng đến mục tiêu đưa đất nước Chùa Vàng trở thành một trong 25 quốc gia có “sức mạnh mềm” quan trọng nhất trong lĩnh vực văn hóa…
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Phuket cho biết doanh thu du lịch của Phuket (Thái Lan) trong năm 2024 có thể đạt mục tiêu thu về 500 tỷ baht (khoảng 15 tỷ USD), xác lập một năm du lịch bội thu. Theo ông Thanet Tantipiriyakit, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket, hòn đảo nghỉ dưỡng này hiện đã trở thành một điểm đến cho nhóm khách du lịch chất lượng, khi tổng chi tiêu của khách du lịch đã tăng trên mức ghi nhận vào năm 2019, dù tổng số lượng du khách giảm nhẹ.
Theo Bộ Du lịch Thái Lan, Phuket ghi nhận mức doanh thu từ du khách ghé thăm đảo là 246 tỷ baht (7,5 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, trong khi chi tiêu của du khách dự kiến sẽ lên tới 50 tỷ baht (1,5 tỷ USD)/tháng trong 2 tháng cao điểm cuối năm.
Ông Thanet cho biết Phuket cũng sẽ chào đón nhiều chuyến bay thẳng hơn trong quý cuối cùng của năm nay, bao gồm các chuyến bay từ các điểm đến của Kazakhstan, Ấn Độ, Campuchia và Saudi Arabia. Tổng lượng khách du lịch tới Phuket trong năm nay sẽ lên tới 14 triệu lượt, cao hơn hẳn con số 11 triệu lượt du khách trong năm 2023.
Hòn đảo nghỉ dưỡng kỳ vọng các sự kiện quốc tế tại Phuket trong năm tới sẽ thu hút nhiều du khách hơn nữa, trong đó tiêu biểu là lễ hội nghệ thuật đương đại quốc tế Biennale Phuket 2025 kéo dài từ tháng 11/2025 đến tháng 4/2026. Không chỉ Phuket, mục tiêu đầy tham vọng của ngành du lịch Thái Lan được củng cố khi đất nước này được tạp chí U.S. News & World Report xếp hạng thứ 8 trên toàn cầu về sự giàu có về di sản văn hóa, cùng với 9 quốc gia khác theo thứ tự là Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ai Cập, Bồ Đào Nha và Ấn Độ.
Ông Jirayu Huangsap, phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng đã nhấn mạnh cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy văn hóa và di sản Thái Lan. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, chính phủ đang nỗ lực giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của đất nước với thế giới. Bằng cách tận dụng các tài sản văn hóa của mình, đất nước Chùa Vàng hướng đến mục tiêu thu hút nhiều khách du lịch, kích thích tăng trưởng kinh tế và củng cố danh tiếng quốc tế.
Chính phủ Thái Lan đã khai mạc Lễ hội mùa Đông vào ngày 29/10, chính thức khởi động mùa du lịch cao điểm cuối năm với kỳ vọng thu hút thêm 10,7 triệu lượt khách quốc tế trong quý 4. Trong bối cảnh đó, lượng du khách quốc tế qua các sân bay ở Thái Lan được dự báo sẽ tăng cao trong 2 tháng tới. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ giảm tình trạng ùn ứ hàng khách tại các quầy đăng ký, qua đó tạo ấn tượng ban đầu cho du khách khi đến Thái Lan.
Do đó, từ 1/12, quốc gia du lịch hàng đầu Đông Nam Á sẽ bỏ yêu cầu hộ chiếu cho khách quốc tế xuất cảnh. Theo Bangkok Post, Thái Lan sẽ áp dụng hệ thống sinh trắc học để nhận dạng khuôn mặt cho khách quốc tế xuất cảnh. Cụ thể, hệ thống nhận dạng sinh trắc học tự động đã được lắp đặt và triển khai tại 6 sân bay lớn của Thái Lan: Suvarnabhumi, Don Mueang, Chiang Mai, Mae Fah Luang (Chiang Rai), Phuket và Hat Yai.
Giám đốc Cục Hàng không Thái Lan, ông Kirati Kitmanawat, cho biết hệ thống sẵn sàng phục vụ khách nội địa từ ngày 1/11 và hành khách quốc tế từ 1/12. Như vậy, từ 1/12, hành khách chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân một lần. Việc này giúp hành khách cảm thấy thuận tiện, nhanh chóng hơn và có nhiều thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm các sản phẩm miễn thuế tại sân bay.
Ông Kirati cho biết số lượng hành khách sử dụng sân bay trong tháng 9 và tháng 10 đã tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm tới. Vì vậy, trước đó, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng đã công bố đổi tên “Phí hạ cánh” gây nhiều tranh cãi của nước này thành “Thuế đi lại” được sử dụng để mua bảo hiểm cho người nước ngoài và cải thiện các tiện nghi cơ bản.
Thuế mới dự kiến có hiệu lực vào khoảng giữa năm 2025, bắt đầu từ những người đến bằng đường hàng không, theo Bangkok Post. Dự luật đặt mục tiêu đánh thuế 300 baht (8,88 USD) đối với người nước ngoài đến bằng đường hàng không và 150 baht (4,44 USD) đối với người đến bằng đường bộ hoặc đường biển.
“Phí hạ cánh” đã được nội các dưới thời cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha phê duyệt về nguyên tắc vào tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, đề xuất này đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các bên liên quan trong ngành du lịch Thái Lan do tính mơ hồ và dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy, cựu Thủ tướng Srettha Thavisin hồi tháng 6 đã quyết định hủy bỏ. Với quyết tâm khôi phục đề xuất này, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã đổi tên “phí hạ cánh” thành “thuế đi lại”.
Hiện hệ thống giao dịch đã được chuẩn bị và được hỗ trợ bởi Ngân hàng Krungthai. Khách du lịch có thể thanh toán qua trang web hoặc ứng dụng đang được phát triển cho giai đoạn tiếp theo, ông Sorawong cho biết. Thanh toán sẽ tương tự như hệ thống đăng ký K-ETA của Hàn Quốc, yêu cầu khách du lịch nước ngoài phải đăng ký và thanh toán trực tuyến trước khi nhập cảnh. Vị lãnh đạo cho biết sau khi chính phủ phê duyệt dự án này, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan sẽ bắt đầu quá trình đấu thầu với các nhà phát triển phần mềm và công ty bảo hiểm để cung cấp các hợp đồng bảo hiểm cho khách du lịch nước ngoài.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) cũng đã công bố kế hoạch 3 giai đoạn, nhằm nâng công suất hành khách hàng không lên 270 triệu người mỗi năm vào năm 2037, hướng tới trở thành một trong năm quốc gia dẫn đầu về vận chuyển hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo The Straits Times, kế hoạch nêu trên là một phần trong sáng kiến Ignite Thái Lan (Thắp sáng Thái Lan) của chính phủ được công bố vào hồi tháng 2, nhằm đưa nước này trở thành trung tâm du lịch, điều trị y tế, thực phẩm, hàng không, hậu cần, xe điện, nền kinh tế kỹ thuật số và tài chính vào năm 2030.
Theo kế hoạch ba giai đoạn, trước mắt CAAT sẽ tăng công suất của các cơ sở sân bay Thái Lan để đáp ứng 1,2 triệu chuyến bay và 180 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2025 trong thời gian ngắn. Hãng cũng đặt mục tiêu đạt thời gian nối chuyến tối thiểu (MCT) cho các chặng bay quốc tế không quá 75 phút. Hơn nữa, tầm nhìn của CAAT là chuẩn bị cơ sở hạ tầng hàng không của Thái Lan cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai, củng cố và mở rộng các tuyến hậu cần hàng không để kết nối với mạng lưới toàn cầu và thúc đẩy du lịch trong nước và quốc tế.