10:01 20/02/2025

Du lịch trải nghiệm thực tế ảo tiếp tục bùng nổ

Tường Bách

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường thực tế ảo (VR) ước tính đạt 67,66 tỉ USD vào năm 2024, tăng mạnh lên 204,35 tỉ USD vào năm 2029; tốc độ tăng trưởng 24,74%/năm…

Ảnh: Tech in Asia
Ảnh: Tech in Asia

Hiện những chuyến thám hiểm nhập vai, hay còn gọi là thực tế ảo giải trí (VR LBE), đang nở rộ tại nhiều thành phố của Trung Quốc, mở ra một hướng đi mới cho công nghệ VR. Đối với những người lo lắng về chứng say độ cao, một chuyến thám hiểm VR nhập vai sẽ là cơ hội độc đáo để khám phá cung điện Potala, nằm ở độ cao hơn 3.600m tại Lhasa thuộc Khu tự trị Tây Tạng, Tây Nam Trung Quốc.

Chỉ cần đeo tai nghe và ba lô đựng máy tính, du khách sẽ được trải nghiệm bản kỹ thuật số của công trình kiến trúc biểu tượng của Tây Tạng, đi lang thang qua những tượng Phật và bức tranh tường khổng lồ... Với những khoảnh khắc như vậy, chuyến tham quan trải nghiệm thực tế ảo kéo dài 40 phút khiến du khách quên rằng họ thực chất chỉ đang đi dạo qua một hội trường triển lãm rộng 400m2 tại Khu nghệ thuật 798 của Bắc Kinh.

NHỮNG TRẢI NGHIỆM NGÀY CÀNG “NÂNG CẤP”

Ông Lou Yanxin, nhà sáng lập Sandman Studios - công ty phát triển du lịch trải nghiệm thực tế ảo cung điện Potala, cho biết điểm mạnh của công nghệ VR là đưa người dùng đến những nơi khó tiếp cận trong thực tế, chẳng hạn như không gian vũ trụ và biển sâu. Chỉ với giá từ 100 - 200 Nhân dân tệ (khoảng 14 - 27 USD), các chuyến tham quan VR này cũng đem lại một giải pháp tiết kiệm cho những người đam mê du lịch, cho phép họ trải nghiệm công nghệ mà không cần phải đầu tư vào tai nghe VR đắt tiền.

Những chuyến thám hiểm nhập vai đang nở rộ tại nhiều thành phố của Trung Quốc.
Những chuyến thám hiểm nhập vai đang nở rộ tại nhiều thành phố của Trung Quốc.

Tương tự, với bộ tai nghe và kính thực tế ảo cùng phần mềm do công ty Blimey cung cấp, người dùng sẽ được trải nghiệm chuyến du lịch ảo đến Jerusalem ở vùng Trung Đông. Công ty Blimey thậm chí mời người dùng cầu nguyện trước thánh đường Al-Aqsa, ngắm bức tường Than khóc, hay hoà mình vào nghi lễ Lửa thánh sôi động. Người dùng bộ công cụ này cũng có thể tham gia các trò chơi tương tác hoặc giao lưu với người dân địa phương xuất hiện ở dạng ảnh 3 chiều.

Trong khi đó, Bộ Du lịch Ai Cập hợp tác với Meta cho ra mắt trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tăng cường mới tại bảo tàng Ai Cập, cho phép du khách quan sát phiên bản kỹ thuật số ở dạng đầy đủ về các bức tượng và hiện vật bị hư hại, bằng cách quét mã vạch được gắn dưới mỗi bức tượng. Theo Meta, dự án với tên gọi “Hồi sinh di sản” kết hợp với Bộ Du lịch Ai Cập được xem là sáng kiến độc đáo đầu tiên trên thế giới liên quan đến lĩnh vực phục dựng kỹ thuật số các hiện vật của Ai Cập và giúp quảng bá văn hoá Ai Cập trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, “Đi tìm Hoàng cung đã mất” là một sản phẩm du lịch đột phá, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), được phát triển bởi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Thông qua kính AR Nreal Air Glass, du khách có thể tương tác với không gian lịch sử triều Nguyễn sống động như thật, từ các nghi lễ cung đình đến hình ảnh đổi gác tại Ngọ Môn.

Đặc biệt, công nghệ XR (thực tế mở rộng) giúp tái hiện các nghi lễ, kiến trúc và sự kiện lịch sử như: Lễ dựng nêu ngày Tết, nghi lễ yết kiến vua, hay màn biểu diễn nghệ thuật tại Duyệt Thị Đường rất chân thực ngay tại các địa điểm vốn trong quá khứ đã từng diễn ra các hoạt động này.

Trung tâm Trải nghiệm thực tế ảo (VR) "Đi tìm Hoàng Cung đã mất” tại Đại Nội Huế.
Trung tâm Trải nghiệm thực tế ảo (VR) "Đi tìm Hoàng Cung đã mất” tại Đại Nội Huế.

Mới đây nhất, hình ảnh du lịch Quảng Bình, tour thực tế ảo Sơn Đoòng được giới thiệu tại Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam (Innovate Viet Nam 2024). Khi trải nghiệm thông qua video 360 độ trên kính Quest 2 và Quest 3, khách mời có thể cảm nhận chân thật như đang đứng trong lòng hang động lớn nhất thế giới, giữa những khối thạch nhũ khổng lồ, nghe tiếng gió rít qua các khe đá...

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc của Oxalis Adventure - đơn vị khai thác tour Sơn Đoòng, khẳng định: "Việc áp dụng công nghệ hiện đại như thực tế ảo vào quảng bá du lịch không chỉ mở rộng phạm vi tiếp cận của chúng tôi, mà còn mang đến cơ hội trải nghiệm du lịch chân thực cho những người chưa có điều kiện khám phá thực tế".

"CHÌA KHÓA" TẠO SỨC HÚT CHO NGÀNH DU LỊCH

Cuộc khảo sát của Bitkom cho thấy 21% người được hỏi từ 16 tuổi trở lên mong muốn khám phá những địa điểm nước ngoài với sự trợ giúp của kính VR vào năm 2030 thay vì đi du lịch đến đó theo cách truyền thống. Tỷ lệ này cao hơn ở những người trẻ tuổi, nhưng ngay cả ở nhóm du khách trên 64 tuổi, 15% cũng có chung quan điểm này.

Trong năm 2024, Việt Nam đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm 2023, tổng doanh thu 850.000 tỷ đồng, tăng 23,8%, khách nội địa đạt 110 triệu lượt. Nhờ chuyển đổi số, ngành du lịch chuyển hướng từ (doanh nghiệp với doanh nghiệp) B2B sang (doanh nghiệp với người tiêu dùng - khách du lịch) B2C, giảm bớt lữ hành trung gian, văn phòng đại diện, do khách đặt tour ngay trên không gian số.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhận định: Với du lịch, chuyển đổi số là đi đầu, tất yếu và khách quan. Khi ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng thông minh… du lịch sẽ phát triển rất nhanh và bền vững.

Du khách trải nghiệm tour thực tế ảo Sơn Đoòng tại Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam (Innovate Viet Nam 2024).
Du khách trải nghiệm tour thực tế ảo Sơn Đoòng tại Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam (Innovate Viet Nam 2024).
Du lịch trải nghiệm thực tế ảo tiếp tục bùng nổ - Ảnh 1

Nhờ có những chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, hoạt động chuyển đổi số du lịch năm nay có nhiều khởi sắc. Các địa phương có nhiều mô hình hay và phong phú, cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch với hàm lượng công nghệ hiện đại.

TP.HCM ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên iOS, Android, triển khai ứng dụng 3D tái hiện không gian thành phố trên cao. Đà Nẵng tích cực sử dụng thực tế ảo, VR360, thuyết minh tự động hai ngôn ngữ… Hà Nội cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tăng trưởng hơn nữa lượng khách du lịch đến Thủ đô. Theo đó, tại các di tích nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, và Nhà tù Hỏa Lò… đã triển khai công nghệ số hóa quét Laser 3D, không ảnh, thực tế ảo AR/VR…

Ông Lý Văn Tín, đại diện Công ty CP Chuyển đổi số - đơn vị cung cấp giải pháp tương tác thông minh 3D và 360 độ tại Việt Nam, cho biết công nghệ VR, đặc biệt là VR360, hiện được ứng dụng rất hiệu quả trong nhiều dự án ở lĩnh vực văn hóa - du lịch, như Địa chỉ đỏ Hà Nội, Một chạm Đà Nẵng, Di tích Quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre, Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định... Chỉ cần nhấp vào địa điểm muốn đến, hệ thống sẽ lập tức mở ra để người dùng xem, tìm hiểu các tư liệu liên quan bằng văn bản, video, hình ảnh...

Theo các chuyên gia, năm 2025 sẽ chứng kiến các trường hợp sử dụng thực tế tăng cường AR trở nên phổ biến tương tự như mã QR trong những năm gần đây. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ tỏa sáng một góc nhìn mới về khả năng tương tác 3D khi nó ngày càng trở nên phổ biến trong cả tiếp thị, trải nghiệm lẫn vận hành doanh nghiệp.