Dự thảo Luật Chứng khoán: Lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư có khả thi?
Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho nhà đầu tư
Đại diện các cơ quan ban ngành liên quan cùng các doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… đã có nhiều trao đổi, tham luận về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, dự kiến sẽ được trình Chính phủ và Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được đánh giá sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần phải chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Đó là ý kiến của đa số các thành viên tham gia thị trường tại hội thảo "Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi)" do Ủy ban Chứng khoán tổ chức vào ngày 14/11/2018 tại Tp.HCM.
Nhiều điểm mới…
Sau hơn 11 năm thực thi, Luật Chứng khoán đã bộc lộ nhiều bất cập cần chỉnh sửa. Nhằm nâng cao minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam, dự thảo luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 137 điều đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, trong đó bổ sung nhiều nội dung mới đáng chú ý so với Luật Chứng khoán hiện hành. Đáng lưu ý là những quy định về chào bán cổ phiếu ra công chúng và riêng lẻ; Mua cổ phiếu quỹ giảm vốn điều lệ; Bổ sung hành vi bị cấm, thay đổi quy định về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài; Mở rộng quyền cho Ủy ban Chứng khoán trong thanh tra chứng khoán…
Ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã giới thiệu các điểm sửa đổi quan trọng trong Dự thảo luật sửa đổi. Theo đó, Luật Chứng khoán sẽ được sửa đổi theo hướng nâng tiêu chuẩn công ty đại chúng và chào bán chứng khoán ra công chứng nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường đồng thời cũng nâng cao thanh khoản trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều sửa đổi liên quan của luật cũng hướng tới mục tiêu xây dựng khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển đi kèm với bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường.
Đánh giá cao dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và kỳ vọng Luật sửa đổi lần này sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân trên thị trường, tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần phải chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định và bền vững.
Và một trong những điểm đáng chú ý được nhiều người quan tâm là việc mở rộng định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm công ty có vốn điều lệ đạt trên 1.000 tỷ đồng và có thời gian niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán tối thiểu 2 năm; cá nhân có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, cá nhân có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm và có giá trị giao dịch chứng khoán bình quân hàng tháng tối thiểu 2 tỷ đồng Việt Nam hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 5 tỷ đồng Việt Nam trong 12 tháng.
Dự thảo cũng thay thế định nghĩa người biết tin nội bộ bằng người nội bộ. Cá nhân liên quan mở rộng thêm đối tượng con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu và em dâu…
…nhưng vẫn còn nhiều bất cập
Góp ý cho định nghĩa về "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp", đại diện Công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk, nêu: Hiện có nhiều công ty có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng nhưng họ không phải đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, họ có thể đầu tư tạm thời và ngắn hạn khi có dòng tiền nhàn rỗi thì không nên gọi họ là đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Với cá nhân, càng khó xác định là chuyên nghiệp hay không. Tiêu chí xác định cũng rất khó hợp lý. Đại diện Vinamilk cho rằng nên bỏ quy định này, do không có cơ sở xác định. Chẳng hạn 1 cổ đông cá nhân nắm giữ 5 tỷ đồng giá trị cổ phiếu VNM, sau khi được chia cổ phiếu thưởng hoặc thị giá VNM tăng lên, số vốn của nhà đầu tư tăng lên hơn 5 tỷ thì xem họ là nhà đầu tư chuyên nghiệp là không hợp lý.
Đồng ý kiến với Vinamilk, đại diện Công ty Hàng không Vietjet, cũng cho rằng, về phương diện doanh nghiệp, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể gây khó khăn trong việc thống kê những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để báo cáo trong bảng tóm tắt danh sách cổ đông theo yêu cầu trong các đợt báo cáo phát hành tăng cổ phần. Bên cạnh đó, việc một doanh nghiệp vốn hóa 1.000 tỷ đồng sở hữu cổ phần của một hay nhiều doanh nghiệp khác theo những hình thức khác nhau thì cũng không nên xem doanh nghiệp đó là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Một trong những bất cập khác được nhiều doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo là quy định về chào mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ. Theo các công ty đại chúng, quy định này chưa rõ ràng, khó hiểu và sẽ tạo thêm những thủ tục không cần thiết, gây khó khăn, cũng như làm giảm tính tự chủ, linh hoạt của các công ty.
Ông Đoàn Hải Đăng, Giám sát pháp lý của Tập đoàn Nova (Novaland), cho rằng: Nếu một người sở hữu 36%, mua thêm 8-9% thì có phải chào mua công khai nữa không? Về việc báo cáo mua lại cổ phiếu chưa ổn cho công ty đại chúng. Việc mua lại không nhất thiết phải giảm vốn điều lệ. Cứ mỗi lần mua lại phải giảm vốn điều lệ sau đó lại làm thủ tục tăng vốn điều lệ sẽ làm nhiễu thông tin.
Ông Đăng cũng nêu bất cập về việc mua lại cổ phiếu ESOP. "Nếu công ty mua trước khi đại hội đồng cổ đông thông qua nhưng sau đó cổ đông không đồng ý thì sao? Theo tôi phải hướng dẫn thêm, nếu áp dụng trong thực tiễn. Ngoài ra, liên quan hủy tư cách công ty đại chúng, luật còn mập mờ, có thể gây ra những thiệt thòi cho những doanh nghiệp đã khắc phục được vi phạm quy định. Mặt khác, trong trường hợp tài khoản công ty bị phong tỏa hoặc tài khoản phong tỏa không phải do lỗi doanh nghiệp, chỉ là do ngân hàng sơ suất trong giao dịch thì có cần phải công bố hay không?".
Đồng tình, bà Trần Thị Kim Cương, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Manulife Việt Nam, cũng cho rằng: "Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ là một hoạt động bình thường của doanh nghiệp, được luật pháp công nhận và được cổ đông thông qua. Việc công ty mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ sẽ tạo thêm tính thanh khoản cũng như tính hấp dẫn của cổ phiếu thông qua việc bán lại cổ phiếu quỹ trên sàn giao dịch khi điều kiện thị trường tốt hơn, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cho công ty (và cổ đông).
Vì vậy, quy định công ty bắt buộc phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu quỹ (nhất là trong một thời gian ngắn 10 ngày) chỉ nên được áp dụng trong trường hợp công ty và đại hội đồng cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ trong những điều kiện nhất định".
Đại diện Vinamilk cũng nêu câu hỏi: "Luật Chứng khoán (sửa đổi) cần làm rõ việc phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc mua cổ phiếu quỹ. Trường hợp mua lại cổ phiếu ESOP thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua Nghị quyết có nội dung số lượng ESOP được mua theo báo cáo. Còn nếu được đại hội đồng cổ đông thông qua thì công ty có được phân phối ESOP đã mua lại cho nhân viên theo 1 chương trình phúc lợi nào đó của công ty không hay bắt buộc phải giảm vốn điều lệ?".
Trong tham luận góp ý của mình, đại diện Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đề nghị: Dự thảo cần làm rõ hơn một số khái niệm, từ ngữ đề cập tại Dự thảo như định nghĩa về nhà đầu tư chiến lược, chào bán, sở hữu gián tiếp; công ty liên doanh, công ty liên kết... SSI cũng cho rằng nên thu hẹp các đối tượng được xem là "người có liên quan", sẽ không bao gồm con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu….
Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, SSI cho rằng nên sửa đổi một số nội dung để phù hợp hơn, và đề nghị loại trừ trường hợp công ty đã niêm yết phải thực hiện thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện như đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
Loạt vấn đề liên quan đến "quỹ bảo vệ nhà đầu tư"
Liên quan đến việc thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng cần phải được tính toán kỹ nếu không quỹ sẽ tạo gánh nặng chi phí cho nhà đầu tư.
Cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán trong năm 2008 dẫn đến việc nhiều công ty chứng khoán đóng cửa. Đến nay, nhiều nhà đầu tư còn chưa lấy lại được tài sản từ sự đổ vỡ này. Hiện tượng này ít nhiều có tác động tới niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Trong khi, niềm tin của nhà đầu tư là yếu tố tối quan trọng đối với sự phát triển của thị trường. Do đó, trong Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi có quy định về thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán.
Các thị trường trong khu vực đều có định chế là quỹ bảo vệ nhà đầu tư. Khi công ty chứng khoán không thể chi trả cho nhà đầu tư thì quỹ sẽ thực hiện chi trả để giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Quỹ này cũng sẽ thay mặt nhà đầu tư thực hiện kiện tụng thu hồi tài sản giúp nhà đầu tư… Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho nhà đầu tư.
"Quỹ bảo vệ nhà đầu tư là một ý tưởng tốt đẹp, tuy nhiên việc góp thành một quỹ chung do sở giao dịch chứng khoán quản lý có thể làm cho việc quản lý và thực thi trở nên phức tạp, chồng chéo, tạo thêm gánh nặng chi phí cho công ty chứng khoán. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty, hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư. Do vậy, chúng tôi thiết nghĩ nên có cơ chế quản lý minh bạch, rõ ràng trước khi thực hiện để đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư và tạo được sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán", bà Kim Cương góp ý thêm.
Đồng ý với việc thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư, nhưng đại diện SSI cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng việc thành lập quỹ này. Đồng thời, đại diện SSI cũng đưa ra thắc mắc rằng các mức đóng góp của các công ty chứng khoán vào quỹ này bao nhiêu là hợp lý vì nếu đóng góp ít thì không đủ mà đóng góp quá nhiều thì chi phí của các công ty chứng khoán sẽ tăng lên dẫn tới phí thu từ nhà đầu tư chứng khoán sẽ phải tăng thêm. Mặt khác, trong trường hợp xảy ra sự cố thì mức bồi thường cho nhà đầu tư là bao nhiêu?
Còn rất nhiều ý kiến đóng góp khác của các thành viên tham gia thị trường chứng khoán. Hy vọng, các đóng góp này nhằm hoàn thiện luật chứng khoán sửa đổi, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho các tổ chức và cá nhân tham gia thị trường, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.