Dự trữ khí đốt gần đạt mục tiêu, châu Âu bớt run khi Nga chuẩn bị khoá Nord Stream 1
Việc dự trữ khí đốt của châu Âu gần đạt mục tiêu là một tin tốt giữa lúc Nga lại chuẩn bị khoá đường ống Nord Stream 1 để bảo dưỡng...
Liên minh châu Âu (EU) đã gần đạt tới mục tiêu dự trữ khí đốt, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra, trong bối cảnh các nước trong khu vực chuẩn bị bước vào một mùa đông khắc nghiệt vì Nga hạn chế cung cấp khí đốt và giá năng lượng tăng chóng mặt. Đây là một tin tốt giữa lúc Nga chuẩn bị khoá đường ống Nord Stream 1 để bảo dưỡng.
Hãng tin Bloomberg dẫn dữ liệu từ cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu (Gas Infrastructure Europe - GIE) cho biết dự trữ khí đốt trong EU đã đạt 79,4% công suất ở thời điểm ngày 27/8, so với mục tiêu đề ra là đến ngày 1/11 đạt 80% công suất.
Năm nay, EU đã thắt chặt các quy định về dự trữ khí đốt, sau khi mức dự trữ của mùa đông năm ngoái hoá ra ít hơn những năm trước đó, đặc biệt tại các khu dự trữ ở Đức kiểm soát bởi hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom. Việc dự trữ khí đốt giảm trong mùa đông 2021 là một nguyên nhân khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng vọt.
Dự trữ khí đốt giúp hấp thụ bớt các cú sốc về nguồn cung và đáp ứng khoảng 25-30% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu trong mùa đông. Với dự trữ lớn hơn, các quốc gia châu Âu ở vào một vị thế tốt hơn để ứng phó với khả năng bị Nga siết chặt thêm nguồn cung cấp khí đốt. Từ ngày thứ Tư tuần này, Gazprom sẽ đóng đường ống Nord Stream 1 trong vòng 3 ngày để tiến hành một đợt bảo trì không nằm trong kế hoạch.
Thời tiết được dự báo bớt nóng hơn ở khu vực Đông Âu và một số nơi thuộc bán đảo Iberian trong tuần tới cũng sẽ giúp các quốc gia tiết kiệm được thêm khí đốt vì nhu cầu sử dụng điều hoà không khí sẽ giảm bớt.
Giá khí đốt ở châu Âu trong phiên giao dịch ngày thứ Hai giảm mạnh nhất kể từ tháng 3, sau khi Đức tuyên bố dự trữ khí đốt của nước này đang tăng nhanh hơn so với kế hoạch. Phiên giảm này giúp giải toả bớt áp lực đối với châu Âu sau khi giá khí đốt trong khu vực đã tăng khoảng 6 lần trong vòng 1 năm trở lại đây. Chốt phiên, giá khí đốt sau sau trên sàn TTF ở Hà Lan – giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu - sụt 21%.
EU muốn giảm phụ thuộc vào Nga, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của khu vực này. Các nước EU đang cố gắng “cai” khí đốt Nga bằng cách tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh, tăng cường hiệu quả năng lượng, và nhập khẩu khí đốt qua đường ống và khí hoá lỏng (LNG) qua đường biển từ các nhà cung cấp khác ở vùng Địa Trung Hải, châu Phi, Trung Đông và Mỹ.
Uỷ ban châu Âu (EC) cho rằng việc đạt mục tiêu dự trữ khí đốt sẽ giúp cải thiện tình hình an ninh năng lượng ở châu Âu trong mùa đông này. Phát biểu ngày 29/8, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói rằng EU sẽ triển khai việc can thiệp thị trường điện bằng các biện pháp ngắn hạn nhằm kiềm chế sự leo thang của giá điện, tiến tới phá vỡ mối liên kết giữa giá khí đốt và giá điện.
Tại Ba Lan, dự trữ khí đốt đã đạt mức gần 100% công suất vào ngày 27/8. Dự trữ của Bồ Đào Nha đã đầy. Dự trữ của Italy đạt 81%, của Hungary đạt 62%; và của Bulgaria đạt 60% - theo dữ liệu được GIE công bố.
Tại Đức, dự trữ đang đầy nhanh và được dự báo đến tháng 9 sẽ đạt mục tiêu 85% mà nước này đề ra - theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck.
Tuy nhiên, cho dù dự trữ khí đốt có đạt mục tiêu, Đức vẫn đối mặt nguy cơ không có đủ khí đốt để dùng trong mùa đông này nếu bị Nga cắt khí đốt - theo ông Klaus Mueller, Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg trong tháng 8.
Đức - quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất trong EU - đang khởi động lại các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than nhằm tiết kiệm khí đốt. Nước này cũng đang gấp rút hoàn thiện để đưa ra vào sử dụng hạ tầng mới phục vụ cho việc nhập khẩu LNG. Hai cảng LNG nổi đầu tiên của Đức dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong mùa đông năm nay.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hối thúc các doanh nghiệp cắt giảm sử dụng năng lượng nếu không Chính phủ nước này có thể phải áp dụng chế độ chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông này trong trường hợp Nga “khoá van”.
“Việc thiếu khí đốt chỉ sau 1 đêm hoàn toàn có thể xảy ra, cùng với đó là những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội”, bà Borne phát biểu ngày 29/8, nhấn mạnh rằng các công ty sẽ là đối tượng đầu tiên bị áp khẩu phần khí đốt.
Với dự trữ khí đốt hiện đạt hơn 90% công suất, Pháp có thể có đủ khí đốt để vượt qua một mùa đông với nhiệt độ bình thường - Phó chủ tịch điều hành của hãng năng lượng Engie, bà Claire Waysand, nhận định.