08:40 29/08/2022

Quyết tâm “cai” khí đốt Nga, châu Âu sẽ phải vượt qua những thử thách gì?

An Huy

Nếu EU đạt được mục tiêu đến năm 2030 “cai” được khí đốt Nga, đó sẽ là một thành tựu tuyệt vời của khối này. Nhưng việc đạt tới mục tiêu đó cũng đồng nghĩa với nhiều năm gian khổ của châu Âu trong tình trạng nguồn cung năng lượng siết chặt...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Liên minh châu Âu (EU) đã hạ quyết tâm “cai” năng lượng hoá thạch nhập khẩu từ Nga, đặc biệt là khí đốt. Một bài viết trên trang Wired nhận định rằng đây là một mục tiêu không hề dễ dàng và các nước trong khu vực này sẽ phải vượt qua nhiều mùa đông lạnh giá phía trước với nguồn cung khí đốt eo hẹp.

Vào năm 1970, các chính trị gia và lãnh đạo công ty khí đốt ở Tây Đức đã ký một thoả thuận mang tính cột mốc với Liên Xô - thoả thuận sẽ giữ vai trò định hình chính sách năng lượng của châu Âu trong suốt nửa thế kỷ tiếp sau đó. Trong thoả thuận này, Tây Đức cam kết cung cấp cho Liên Xô ống dẫn bằng thép, đổi lại Liên Xô sẽ nối dài một đường ống dẫn khí đốt tới biên giới của Tây Đức và bắt đầu bơm khí đốt Nga qua Bức màn sắt tới Tây Âu. Thoả thuận thương mại này là một dạng của Ostpolitik - một chính sách nhằm phá băng quan hệ giữa Liên Xô và Tây Đức, mang về cho Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt giải Nobel Hoà bình vào năm 1971.

 

“Cần phải thừa nhận rằng việc EU lệ thuộc vào năng lượng Nga là một sai lầm chính sách”

Nhà nghiên cứu Ganna Gladkykh, Liên minh Nghiên cứu năng lượng châu Âu (EERA)

Ông Brandt, người qua đời vào năm 1992, có lẽ đã không hình dung được hai cựu thù Đức và Liên Xô sẽ có mối quan hệ kinh tế ràng buộc chặt chẽ như thế nào. Đến thời điểm nước Đức thống nhất vào năm 1990, khí đốt từ Liên Xô đã chiếm hơn 30% tổng lượng tiêu thụ khí đốt của Đức. Đến năm 2021, Nga là nhà cung cấp đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên của EU. Một số nước nhỏ hơn trong EU, như Latvia, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt Nga. Đức - quốc gia sở hữu ngành công nghiệp thép và hoá chất khổng lồ, đồng thời chủ yếu sử dụng khí đốt để sưởi ấm - phụ thuộc gần 50% vào khí đốt từ Nga.

NỖI LO MÙA ĐÔNG “LẠNH GIÁ” HƠN BÌNH THƯỜNG

Cuộc chiến tranh nổ ra vào tháng 2/2022 giữa Nga và Ukraine đã làm lộ ra những vết nứt nghiêm trọng trong chính sách năng lượng của EU. Sau khi EU trút những đòn trừng phạt mạnh tay lên Nga, hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga cắt giảm lượng cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 xuống còn khoảng 20% công suất của đường ống khổng lồ này. Nhập khẩu khí đốt từ Nga chỉ còn đáp ứng khoảng 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu, khiến giá khí đốt vốn dĩ đã cao tiếp tục nhảy vọt lên những kỷ lục mới. Ở Anh - quốc gia có độ nhạy cảm lớn với giá khí đốt trên thị trường quốc tế - hoá đơn năng lượng bình quân của hộ gia đình dự kiến sắp tăng lên mức cao gấp 4 lần so với mức ở thời điểm tháng 1/2019.

“Cần phải thừa nhận rằng việc EU lệ thuộc vào năng lượng Nga là một sai lầm chính sách”, nhà nghiên cứu Ganna Gladkykh thuộc Liên minh Nghiên cứu năng lượng châu Âu (EERA) nhận định.

Giờ đây, khi muốn “cai” khí đốt Nga, châu Âu đối mặt với hai thách thức lớn.

Thách thức thứ nhất là một hoặc thậm chí là nhiều mùa đông “lạnh giá” hơn bình thường, vì nguồn cung khí đốt đã bị kéo căng tới giới hạn đồng nghĩa với việc sẽ phải cắt điện, giảm lượng nhiệt sưởi, và đóng cửa các nhà máy.

Và thứ hai, để cắt giảm tiêu thụ khí đốt Nga, châu Âu phải ký thoả thuận mới với các nhà cung cấp khác và đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái sinh. Bằng cách này, châu Âu có thể tự mở ra cho mình một kỷ nguyên mới về an ninh năng lượng, không còn phụ thuộc vào các dòng chảy năng lượng từ Nga nữa. Nhưng quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và sẽ có nhiều trở ngại về mặt hậu cần và cơ sở hạ tầng.

Trước mắt, sự khan hiếm khí đốt đang là mối nguy lớn nhất. Hồi cuối tháng 7, các nước thành viên EU nhất trí cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong thời gian từ tháng 8/2022-3/3023. Việc cắt giảm này là tự nguyện, nhưng Hội đồng EU cảnh báo rằng việc giảm tiêu thụ khí đốt có thể trở thành bắt buộc nếu tình trạng thiếu khí đốt đạt tới mức khủng hoảng. Một số quốc gia đã triển khai một số biện pháp nhỏ để hạn chế nhu cầu năng lượng. Chẳng hạn, các thành phố ở Đức tắt bớt đèn chiếu sáng công cộng, hạn chế nhiệt độ điều hoà không khí, và đóng cửa bớt các bể bơi cần làm ấm. Pháp đã cấm các cửa hiệu chạy điều hoà không khí trong lúc để mở cửa, trong khi Tây Ba Nha - quốc gia không nhập khẩu nhiều khí đốt Nga - đã áp lệnh cấm nhiệt độ điều hoà không khí dưới 27 độ C tại các nơi công cộng.

Khí đốt tự nhiên được sử dụng theo ba cách chính gồm để phát điện tại các nhà máy điện; để sưởi ấm cho nhà dân và văn phòng; và dùng trong các ngành công nghiệp như sản xuất thép và phân bón. Có nhiều lựa chọn thay thế cho khí đốt trong phát điện - chẳng hạn Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tính chuyện kéo dài thời gian sử dụng các nhà máy điện hạt nhân của nước này để giảm tiêu thụ khí đốt - nhưng việc tìm lựa chọn thay thế cho khí đốt trong công nghiệp và sưởi ấm là một việc khó hơn nhiều. EU cũng có các quy định để nhà dân, bệnh viện, trường học và các dịch vụ thiết yếu khác không phải chịu khẩu phần khí đốt trong trường hợp kịch bản cực đoan này trở thành hiện thực.

 

Vấn đề cấp bách và khó khăn thực sự chính là việc sưởi ấm. Tuy nhiên, các cố vấn của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức nói rằng giá khí đốt cao chóng mặt có thể sẽ khiến các hộ gia đình tự động cắt giảm sử dụng. Nói cách khác, người dân sẽ dùng nhiệt sưởi ít hơn khi khả năng tài chính suy giảm.

Khoảng 1/4 lượng khí đốt mà EU tiêu thụ là dùng cho công nghiệp, đồng nghĩa với việc lĩnh vực này có thể phải gánh một phần lớn trong gánh nặng cắt giảm tiêu thụ khí đốt - theo nhà nghiên cứu Chi Kong Chyong thuộc Đại học Cambridge. EU đang khuyến khích các công ty chuyển sang sử dụng các dạng nhiên liệu khác, đồng thời đề nghị cá nước thành viên lên danh sách những doanh nghiệp nên dừng sản xuất trong trường hợp thiếu khí đốt đột ngột. Hãng thép ThyssenKrupp của Đức cho biết có thể ứng phó được với việc hạn chế sản xuất, nhưng cảnh báo rằng công ty có thể phải đóng cửa các nhà máy hoặc hứng chịu thiệt hại lớn trong trường hợp thiếu khí đốt. Hãng hoá chất BASF nói sẽ phải cắt giảm sản lượng phân bón vì giá khí đốt lên quá cao.

“Vấn đề cấp bách và khó khăn thực sự chính là việc sưởi ấm”, bà Gladkykh nói. Khoảng một nửa số căn nhà ở Đức được làm ấm bằng khí đốt, chiếm khoảng 1/3 nhu cầu tiêu thụ khí đốt của nước này. Luật của Đức bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc chia khẩu phần khí đốt, nên Chính phủ nước này không làm được gì nhiều trong việc hạn chế tiêu thụ khí đốt tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, các cố vấn của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức nói rằng giá khí đốt cao chóng mặt có thể sẽ khiến các hộ gia đình tự động cắt giảm sử dụng. Nói cách khác, người dân sẽ dùng nhiệt sưởi ít hơn khi khả năng tài chính suy giảm.

KHI MỌI GIẢI PHÁP ĐỀU KHÔNG DỄ DÀNG

Song song với việc hạn chế tiêu thụ, EU cũng đang cố gắng hết sức để làm đầy dự trữ khí đốt trước khi mùa đông tới. Khối này đã đưa ra mục tiêu đến ngày 1/11 đạt mức dự trữ khí đốt 80% công suất. Khả năng đạt mục tiêu dự trữ khí đốt như vậy là trong tầm tay, nhưng vấn đề là chi phí cho việc làm đầy này cao gấp 10 lần so với mức bình quân lịch sử. Điều này có nghĩa là EU có thể vượt qua mùa đông năm nay trong tình trạng nguồn cung khí đốt thắt chặt, nhưng trong dài hạn, khối này chỉ còn cách giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Ngay cả trong trường hợp các bên đạt được một thoả thuận ngừng bắn ở Ukraine, có vẻ như EU sẽ không nhập khẩu nhiều khí đốt Nga như trước. “Thật khó để hình dung châu Âu sẽ quay trở lại với trạng thái như trước khi chiến tranh xảy ra”, ông Chyong nói.

 

Trong trung hạn, có thể các hộ gia đình ở châu Âu sẽ buộc phải giảm tiêu thụ năng lượng, không phải vì chính phủ chỉ đạo mà vì năng lượng ngày càng đắt đỏ.

Để lấp đầy lỗ hổng nguồn cung trong tương lai, EU và các nước thành viên đang đàm phán các thoả thuận khí đốt mới với các đối tác như Azerbaijain, song song với tăng cường năng lực nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) nhập khẩu bằng đường biển từ Mỹ và Qatar. Tuy nhiên, đây không phải là những giải pháp nhanh chóng, và sẽ phải mất nhiều năm để EU có thể nhập khẩu thêm nhiều khí đốt từ các nguồn cung cấp này.

Hồi tháng 5, Uỷ ban châu Âu (EC) đã công bố một kế hoạch nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào năng lượng hoá thạch Nga. Kế hoạch trị giá 210 tỷ Euro (213 tỷ USD) này kêu gọi đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tái sinh, bao gồm đến năm 2025 tăng gấp đôi tổng công suất tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt ở EU và tăng gấp đối tốc độ lắp đặt máy bơm nhiệt (heat pump). EU hiện có mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ trọng 40% lượng điện mà khối sản xuất được là từ các nguồn năng lượng tái sinh, nhưng kế hoạch mới đã đề xuất nâng mục tiêu này lên 45%. Kế hoạch cũng bao gồm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp thay thế khí đốt bằng hydrogen, biogas và biomethan để cắt giảm tiêu thụ năng lượng hoá thạch Nga.

“Cuộc khủng hoảng này là lúc chúng ta nên nhân đôi nỗ lực dịch chuyển sang các nguồn năng lượng có dấu ấn carbon thấp”, giáo sư Jim Watson thuộc trường University College London nhận định. Tuy nhiên, kế hoạch của EU về xoá bỏ sự lệ thuộc vào khí đốt Nga vẫn bao gồm 10 tỷ Euro vốn đầu tư mới cho hạ tầng khí đốt. Đây có vẻ là một con số nhỏ nhưng đồng nghĩa với việc EU sẽ tiếp tục phải nhập khẩu khí đốt trong những năm tới - bà Gladkykh nhấn mạnh. “Chúng ta cần thực sự cẩn trọng để việc này không tạo ra sự lệ thuộc mới”, bà nói.

Trong trung hạn, có thể các hộ gia đình ở châu Âu sẽ buộc phải giảm tiêu thụ năng lượng, không phải vì chính phủ chỉ đạo mà vì năng lượng ngày càng đắt đỏ. Máy bơm nhiệt - cách sưởi ấm dùng điện - hiệu quả hơn nhiều trong việc sưởi ấm bằng khí đốt tại nhà dân, nhưng giá điện cũng ngày càng cao khiến cho hiệu quả tiết kiệm chi phí cũng giảm theo. Nhưng ông Chyong nói rằng giá khí đốt nhiều khả năng sẽ giữ ở mức cao trong mấy năm tới, đủ để khuyến khích người dân châu Âu lắp đặt máy bơm nhiệt, ít nhất là đối với những người có đủ khả năng tài chính để làm việc này. Một nghiên cứu mới đây nhận định rằng hoá đơn năng lượng ngày càng “khủng” có thể đẩy một nửa số hộ gia đình ở Anh vào tình trạng nghèo đói năng lượng (fuel poverty) trong năm tới.

Nếu EU đạt được mục tiêu đến năm 2030 “cai” được khí đốt Nga, đó sẽ là một thành tựu tuyệt vời của khối này. Nhưng việc đạt tới mục tiêu đó cũng đồng nghĩa với nhiều năm gian khổ của châu Âu trong tình trạng nguồn cung năng lượng siết chặt.