Đức quốc hữu hoá công ty con của “đế chế” khí đốt Nga Gazprom
Một động thái của Chính phủ Đức nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu chưa có hồi kết...
Đức đang tiến hành quốc hữu hoá công ty con chủ chốt ở Đức của hãng khí đốt quốc doanh khổng lồ Gazprom của Nga, đồng thời sẽ chi hơn 13 tỷ Euro, tương đương 13,44 tỷ USD, để củng cố hoạt động kinh doanh của các công ty này, trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Theo tờ Wall Street Journal, tuyên bố trên được Chính phủ Đức đưa ra ngày 15/11. Trước đó, vào tháng 3 năm nay, Berlin giành quyền kiểm soát tài sản của Gazprom Germania GmbH và đổi tên công ty này thành Securing Energy for Europe GmbH, tức SEFE. Khi đó, Đức nói rằng động thái này nhằm đảm bảo hạ tầng và nguồn cung năng lượng then chốt sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine.
Gazprom Germania bị đẩy đến bờ vực phá sản sau khi Nga - trong bối cảnh chiến tranh - áp trừng phạt lên công ty này và cắt cung cấp khí đốt cho công ty. Cũng trong tháng 3, Gazprom thay đổi cấu trúc sở hữu của Gazprom Germania, một động thái vi phạm luật Đức và dẫn tới việc Berlin giành quyền kiểm soát công ty con này.
“Vì tầm quan trọng hệ thống của SEFE đối với nguồn cung năng lượng ở Đức, Chính phủ Đức sẽ triển khai các biện pháp vốn để khẳng định rõ ràng quyền sở hữu, ổn định công ty và đảm bảo nguồn cung khí đốt”, tuyên bố của Chính phủ Đức có đoạn.
Lúc đầu, Berlin phản đối việc quốc hữu hoá công ty con của Gazprom, một phần vì sự thiếu rõ ràng về công ty này và những nghĩa vụ nợ có thể phát sinh nếu tiến hành quốc hữu hoá. Có trụ sở ở Đức, Gazprom Germania sở hữu nhiều công ty trên thế giới và một danh mục phái sinh lớn do một chi nhánh ở London quản lý.
Sau khi không tìm được khách mua cho những tài sản minh bạch và lành mạnh nhất của Gazprom Germania, bao gồm dự trữ khí đốt và đường ống, Chính phủ Đức quyết định quốc hữu hoá hoàn toàn và bơm vốn nhằm ổn định công ty. Trong số hoạt động của công ty này tại Đức có phần vận hành cơ sở dự trữ khí đốt lớn nhất của Đức.
Cũng theo kế hoạch quốc hữu hoá, Chính phủ Đức sẽ bổ sung thêm 2 tỷ Euro cho một khoản vay 11,8 tỷ Euro đã cấp cho Gazprom Germania trong năm nay và đổi khoản vay đó lấy cổ phần. Thoả thuận này cần có sự thông qua của Liên minh châu Âu (EU).
Trước khi quốc hữu hoá chi nhánh của Gazprom, vào tháng 9, Berlin đã quốc hữu hoá Uniper SE - công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt Nga. Uniper lỗ hơn 39 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Khoản lỗ này thuộc hàng lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Đức rốt cục sẽ được trang trải bằng tiền đóng thuế của người dân và doanh nghiệp Đức.
Việc quốc hữu hoá công ty con của Gazprom đồng nghĩa người đóng thuế ở Đức phải gánh khoản 300 triệu USD tiền thưởng trả cho các nhà giao dịch ở văn phòng của công ty này tại London, cộng thêm tiền lương thưởng của khoảng 70 nhân viên Gazprom bị điều chuyển từ St. Petersburg, Nga tới Dubai sau khi Nga tấn công Ukraine - theo một nhà điều hành của công ty.
Giới chức Đức ngày 14/11 nói hiện chưa rõ liệu Chính phủ nước này có bán lại một số phần của công ty vừa được quốc hữu hoá cho khu vực tư nhân hay không.
Liên quan đến khung hoảng khí đốt châu Âu, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt khu vực - gần đây dao động quanh ngưỡng 100 Euro/megawatt giờ, bằng khoảng 1/3 so với mức kỷ lục mọi thời đại gần 350 Euro/megawatt giờ thiết lập hồi cuối tháng 8.
Giá khí đốt giảm là do dự trữ khí đốt của châu Âu đã gần đầy và nhiệt độ gần đây ấm hơn bình thường. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng các quốc gia trong khu vực sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tích trữ khí đốt cho mùa đông năm 2023 nếu không được Nga nối lại dòng chảy khí đốt.