Đức thặng dư thương mại kỷ lục với Mỹ
Đức được dự báo sẽ nằm ở hàng đầu trong kịch bản chiến tranh thương mại toàn diện của ông Trump và có nguy cơ tăng trưởng âm năm thứ ba liên tiếp...
![Ảnh minh họa: Reuters](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/12/4305f2ebf7f31a15e121d3f1fba2085c.png)
Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), thặng dư thương mại của nước này với Mỹ năm 2024 đạt mức cao kỷ lục 70 tỷ euro (72 tỷ USD), vượt qua kỷ lục 63,3 tỷ USD thiết lập vào năm trước đó.
“Điều này diễn ra ở thời điểm không thể nào tệ hơn”, nhà kinh tế Holger Goerg thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) nhận xét.
Dữ liệu được đưa ra ngay thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) vì cho rằng khối này “đối xử với Mỹ rất tệ”. Theo tính toán của hãng tin Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Destatis, Đức không chỉ xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ mà còn mua ít hơn hàng hóa từ nước này.
Theo các nhà phân tích, nhu cầu nhập khẩu hàng Mỹ giảm bắt nguồn từ sự suy yếu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Năm 2024 là năm thứ hai liên tiếp kinh tế Đức tăng trưởng âm, với mức giảm 0,2% của tổng sản phẩm trong nước (GDP), sau cú giảm 0,3% trong năm 2023. Thặng dư thương mại kỷ lục với Mỹ khiến Đức có nguy cơ trở thành một mục tiêu tăng thuế quan của chính quyền Trump.
Trong nhiệm đầu tiên của mình, ông Trump đã phàn nàn về thặng dư thương mại của Đức với Mỹ, đặc biệt là ở mặt hàng ô tô.
“Đức sẽ nằm ở hàng đầu trong kịch bản chiến tranh thương mại toàn diện của ông Trump và có nguy cơ tăng trưởng âm năm thứ ba liên tiếp”, nhà kinh tế trưởng Ludovic Subran của công ty dịch vụ tài chính Allianz nhận định.
Năm ngoái, Đức là quốc gia duy nhất trong nhóm nền kinh tế công nghiệp phát triển G7 ghi nhận hai năm suy giảm GDP liên tiếp. Do đó, một cuộc xung đột thương mại với Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Đức - có thể gây ra cú sốc lớn với nền kinh tế nước này.
Tối ngày 10/2, ông Trump ký sắc lệnh tăng thuế quan với nhôm vào thép nhập khẩu vào Mỹ lên 25%, “không có trường hợp ngoại lệ hay miễn trừ”.
Phản ứng trước động thái này của Washington, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết EU vẫn đang chờ thông báo chính thức về bất kỳ mức thuế quan mới nào. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng một động thái như vậy từ phía Mỹ sẽ “đối mặt các biện pháp trả đũa”.
Theo ông Goerg của IfW, xu hướng tăng thặng dư thương mại của Đức với Mỹ có thể bị đảo ngược nếu ông Trump tăng thuế quan với hàng hóa nước này.
Kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Mỹ năm 2024 - với các mặt hàng chủ đạo là ô tô và dược phẩm - tăng 2,2% so với năm trước lên mức cao kỷ lục 161,3 tỷ euro. Theo đó, Mỹ tiếp tục là khách hàng lớn nhất của hàng hóa “sản xuất tại Đức”. Trong khi đó, nhập khẩu hàng Mỹ của Đức giảm 3,4% xuống còn 91,4 tỷ euro.
Tuy nhiên, theo ông Goerg, thâm hụt lớn của Mỹ với các đối tác thương mại phản ánh hàng hóa của nước này thiếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó, ông cho rằng thâm hụt này không phải là một vấn đề có thể giải quyết bằng thuế quan.
“Tôi cho rằng thuế quan sẽ có tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Mỹ”, vị chuyên gia nhận định. “Ngược lại với thương mại hàng hóa, ở mảng dịch vụ, Mỹ có thặng dư lớn với nhiều quốc gia, bao gồm cả EU và Đức. Ông Trump nên xem xét yếu tố này trong các tính toán của mình”.