16:17 24/11/2022

Dược Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế hơn 58 tỷ đồng

Đỗ Mến

Hội đồng xét xử tuyên buộc Dược Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế 3,8 triệu USD, tương đương hơn 61 tỷ đồng. Đối trừ số tiền các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả thì Dược Cửu Long còn phải bồi thường hơn 58 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau 3 ngày xét xử, sáng 24/11, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 9 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long và Bộ Y tế.

CỰU TỔNG GIÁM ĐỐC DƯỢC CỬU LONG LĨNH 9 NĂM TÙ

Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dược Cửu Long) là người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện Hợp đồng sản xuất thuốc Oseltamivir với Bộ Y tế. Bị cáo Hóa biết rõ các quy định của pháp luật về việc quản lý giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng bằng nguồn ngân sách nhà nước và điều khoản của hợp đồng sản xuất thuốc với Bộ Y tế. 

Mặc dù Dược Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu nhưng bị cáo Hóa đã chỉ đạo đồng phạm hạch toán kế toán trái quy định, lập thư giãn nợ, hợp thức hồ sơ thanh toán báo cáo sai sự thật với Bộ Y tế che giấu việc giảm giá mua nguyên liệu, nhằm giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD để sử dụng tại công ty, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Tòa án xác định hành vi của bị cáo Lương Văn Hóa và các đồng phạm là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Còn cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành cơ chế quản lý giá đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc theo đơn đặt hàng của Bộ Y tế. Sau khi kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bị cáo Quang biết Dược Cửu Long chưa thanh toán số tiền hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu nhưng không chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, làm rõ. 

Sau đó, Bộ Tài chính có công văn đề nghị Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra làm rõ bản chất số tiền Dược Cửu Long chậm trả nhà cung cấp nguyên liệu hay đã được giảm giá để có biện pháp thu hồi cho Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại cho Nhà nước với số tiền hơn 3,8 triệu USD.

Các bị cáo hầu tòa từ ngày 21-24/11/2022.
Các bị cáo hầu tòa từ ngày 21-24/11/2022.

Với nhóm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tòa án xác định bị cáo Nguyễn Nam Liên (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, Phó Trưởng ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế), Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) có trách nhiệm chính được giao kiểm tra thực hiện hợp đồng nhưng không thực hiện, nên có vai trò cao hơn các bị cáo khác.

Về tình tiết giảm nhẹ, các bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, có nhiều đóng góp có ngành y tế, được tặng thưởng nhiều huy chương, bằng khen…

Sau khi xem xét, tòa xử phạt bị cáo Hóa 9 năm tù, Hải 6 năm và Nghĩa 5 năm tù. Bị cáo Hùng lĩnh án 5 năm 6 tháng tù, Liên 24 tháng tù.

Các bị cáo Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế) bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Phạm Thị Minh Nga (chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế): 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

DƯỢC CỬU LONG PHẢI BỒI THƯỜNG TIỀN

Đặc biệt, về phần trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc Dược Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế 3,8 triệu USD, tương đương hơn 61 tỷ đồng. Đối trừ số tiền các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả thì Dược Cửu Long còn phải bồi thường hơn 58 tỷ đồng.

Trước đó, nhiều ý kiến luật sư tranh luận về phân định trách nhiệm dân sự. Bởi lẽ trong vụ án này, các bị cáo sử dụng số tiền trên để chi trả hoạt động công ty như chia cổ tức, trả thù lao HĐQT, trích lập các quỹ...

Tại phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa án buộc các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải bồi thường. Trong đó đề nghị nhóm các bị cáo thuộc Bộ Y tế phải có trách nhiệm liên đới.

Tuy nhiên, có luật sư cho rằng, cần phải bóc tách số tiền Dược Cửu Long đã chia cổ tức trong 3 năm 2006, 2007, 2008. Có ý kiến khác cho rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có phải về thuộc Dược Cửu Long, không phải là các cổ đông công ty.