Vụ Dược Cửu Long che giấu 3,8 triệu USD và hệ lụy chiếm dụng vốn
“Năm 2005 thực sự doanh nghiệp rất khó khăn, lãi suất trên 20%. Dược Cửu Long là doanh nghiệp nhà nước, vốn ít, phải đi vay ngân hàng. Khi đối tác xem xét tài trợ, công ty chiếm dụng vốn khách hàng để giải cứu cho mình”, ông Hóa khai thêm.
Sáng 21/11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và các bị cáo khác trong vụ thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A(H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (mã DCL).
Có 5 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo của Bộ Y tế, gồm: Cao Minh Quang (SN 1956, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế), Dương Huy Liệu (SN 1948, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (SN 1970, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế), Phạm Thị Minh Nga (SN 1972, chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế), Nguyễn Việt Hùng (SN 1956, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bốn bị cáo còn lại thuộc Dược Cửu Long gồm Lương Văn Hóa (SN 1957, cựu Tổng Giám đốc), Nguyễn Thanh Tòng (SN 1959, cựu Phó Tổng Giám đốc), Nguyễn Văn Thanh Hải (SN 1967, cựu Kế toán trưởng), Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (SN 1952, cựu Giám đốc Chi nhánh TPHCM) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tổng số có 16 luật sư đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. Bị cáo Nguyễn Việt Hùng và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa đều có 4 luật sư bào chữa. Bị cáo Cao Minh Quang có 2 luật sư bào chữa.
Luật sư Võ Hồng Hiền cho biết, trước khi diễn ra phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Tòng (SN 1959, cựu Phó Tổng Giám đốc Dược Cửu Long) đã bị chết do mắc bệnh mãn tính.
HĐXX đã triệu tập đại diện Bộ Y tế tới phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự; đại diện Dược phẩm Cửu Long, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng 5 người liên quan trong vụ án.
Ông Lương Văn Hóa, Tổng giám đốc Dược Cửu Long khai nhận, năm 2005, Dược Cửu Long ký hợp đồng với Bộ Y tế sản xuất thuốc Oseltamivir phục vụ phòng chống dịch cúm A/H5N1. Trong hợp đồng có điều khoản, nếu công ty nước ngoài giảm giá, Dược Cửu Long sẽ giảm giá cho Bộ Y tế.
Thực hiện đơn hàng trên, Dược Cửu Long đã liên hệ với nhà cung cấp Mambo Overses Limited (trụ sở tại Singapore), đặt mua 520kg nguyên liệu, trị giá 9,1 triệu USD.
Quá trình giao dịch, Dược Cửu Long được đối tác giảm giá 3,8 triệu USD (hơn 61 tỷ đồng). Công ty đã sản xuất cho Bộ Y tế 5 triệu viên thuốc Oseltamivir, đơn giá 27.765,5 đồng/viên, giá trị hơn 145 tỷ đồng.
Ông Hóa khai nhận, Công ty Mambo đã giao đủ hàng và Dược Cửu Long được Bộ Y tế thanh toán hơn 5 triệu USD.
Theo cáo buộc, ngày 9/12/2006, ông Hóa đã họp HĐQT thống nhất điều chỉnh giảm công nợ của nhà cung cấp Mambo số tiền hơn 3,8 triệu USD từ tài khoản nội bảng sang theo dõi tại tài khoản ngoại bảng cho các năm 2007, 2008, 2009…
Với cách thức hạch toán giảm dần giá vốn, các bị cáo để ngoài sổ sách số tiền 3,8 triệu USD.
“Khi dịch bệnh giảm, khả năng dùng thuốc ít đi, bị cáo đề nghị bị cáo Nghĩa liên hệ với Mambo xem có tài trợ giảm giá hoặc cung cấp cái khác để giảm bớt cho công ty. Họ trả lời sẽ xem xét. Đến năm 2016, khi bị cáo nghỉ việc, Mambo chưa có trả lời chính thức giảm giá hay không”, ông Hóa khai nhận, trên thực tế công ty chưa thanh toán 3,8 triệu USD.
“Năm 2005 thực sự doanh nghiệp rất khó khăn, lãi suất trên 20%. Dược Cửu Long là doanh nghiệp Nhà nước, vốn ít, phải đi vay ngân hàng. Khi đối tác xem xét tài trợ, công ty chiếm dụng vốn khách hàng để giải cứu cho mình”, ông Hóa khai thêm.
Ông Hóa thừa nhận không báo cáo việc giữ lại 3,8 triệu USD cho Bộ Y tế.
Đến năm 2009, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế phát hiện Dược Cửu Long chưa trả nhà cung cấp 3,8 triệu USD. Ông Lương Văn Hóa đã chỉ đạo hợp thức hồ sơ thanh toán cho Công ty Mambo. Các bị cáo đã sử dụng văn bản ngày 25/3/2009 của Công ty Mambo ủy quyền cho Công ty ZPT International S.A tiếp tục thực hiện hợp đồng. Theo đó, Dược Cửu Long ký phụ lục hợp đồng với ZPT với nội dung: sẽ thanh toán 3,8 triệu USD cho ZPT trước ngày 31/12/2010.
Thời điểm này, Thanh tra Chính phủ kiểm tra phát hiện công ty để ngoài sổ sách 3,8 triệu USD nên yêu cầu nộp lại. Ông Hóa chỉ đạo phòng kế toán chuyển tiền cho Công ty ZPT 3,8 triệu USD. Thực tế đây là số tiền công ty chuyển qua ZPT để thanh toán cho 11 nhà cung cấp nguyên liệu khác.
Nhắc đến ủy quyền của ZPT, ông Hóa khai nhận, bên kế toán báo cáo bị cáo thấy lạ quá, mình không rành nên nói để xem như nào. Sau đó, công ty không trả cho ZPT. Tuy nhiên giữa Dược Cửu Long và ZPT có hợp đồng thống nhất việc Dược Cửu Long thanh toán cho 11 nhà cung cấp khác qua ZPT.
Ông Hóa khai nhận không liên lạc được với Mambo. Do ngoại tệ khó khăn, phải mua chợ trời, chợ đen nên bị cáo sử dụng quyền ngoại tệ đó để nhập nguyên liệu khác.
Về mục đích giữ lại 3,8 triệu USD, ông Hóa nhắc lại nguyên nhân là do công ty khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng cao nên giữ lại tiền để bổ sung vốn kinh doanh.
Ông Hóa thừa nhận không biết sử dụng tiền ngân sách như nào. “Bị cáo không có ý kiến về tội danh. Bị cáo đứng ở đây là biết mình có lỗi”.