Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Yêu cầu tổng thầu Trung Quốc sang giải quyết
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã yêu cầu Tổng giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải sang Việt Nam làm việc giải quyết dứt điểm dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay vẫn chưa xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án mặc dù đã bước sang năm 2020, sau gần 10 năm thi công.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đưa dự án vào vận hành khai thác nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn; những sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Trước áp lực trì trệ của dự án, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã làm việc với Tổng giám đốc Tổng thầu Trung Quốc tại Hà Nội.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã yêu cầu Tổng giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải sang Việt Nam làm việc và phải chỉ rõ những công việc tồn tại, hướng giải quyết, xác lập chi tiết thời hạn hoàn thành dự án.
Đồng thời, đề nghị tư vấn độc lập này có những đánh giá chặt chẽ cụ thể với Tổng thầu, yêu cầu khắc phục triệt để các tồn tại của dự án này nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, những khó khăn làm gia tăng chi phí của Tổng thầu từ việc cung cấp hồ sơ hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Tổng thầu bắt nguồn từ sai sót của Tổng thầu trong việc thỏa thuận với các nhà thầu phụ sản xuất, cung cấp vật tư thiết bị liên quan.
Đến nay, Tổng thầu chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình theo đúng hợp đồng EPC đã ký kết và chủ đầu tư sẽ tiếp tục yêu cầu Tổng thầu thực hiện cũng như xử lý các chậm trễ, vi phạm cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu Depot. Chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư sau đó tăng lên 18.002 tỷ đồng (868 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng là 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD).
Dự án khởi công từ tháng 10/2011 và kế hoạch hoàn thành, đưa vào khai thác thương mại năm 2015. Tuy nhiên, sau nhiều lần lùi tiến độ, đến nay, dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích dù Bộ Giao thông Vận tải liên tiếp đưa ra các mốc thời gian vận hành khai thác và thất hẹn.
Không chỉ chây ỳ về tiến độ, tư vấn độc lập của Pháp còn đưa ra nhiều khuyến cáo về sự an toàn của tuyến đường sắt do Trung Quốc thực hiện. Trong khi đó, Tổng thầu Trung Quốc thừa nhận bị “mất giấy tờ” khi không cung cấp được đầy đủ trong hồ sơ dự án mà tư vấn Pháp yêu cầu. Và nếu muốn có, chỉ có cách “làm giả” mà thôi.