Thật khó dùng ngôn từ để mô tả giọng hát của Ella Fitzgerald bởi dường như, tất cả đều là thừa thãi. 100 giải thưởng âm nhạc các loại, trong đó có 13 giải Grammy, 200 album với 400 triệu đĩa tiêu thụ trên toàn thế giới, những con số đó đã đủ cho chúng ta biết Ella xuất sắc thế nào và bà được ưa chuộng đến đâu. Người hâm mộ bà thuộc đủ thành phần, đủ quốc gia, đủ lứa tuổi, trải rộng trên gần như toàn thế giới – họ luôn dành cho bà tình cảm đặc biệt nhất. Ella không hề xinh đẹp nhưng bù lại, bà được trời ban cho một giọng hát hết sức ngọt ngào, đa dạng và trẻ trung, hơn nữa, lại có âm vực rất rộng, rộng hơn hầu hết các ca sĩ opera. Thế nên bà có thể hát được rất nhiều thể loại nhạc, từ những bản folk-pop tươi vui cho tới ballad đậm đà cảm xúc rồi sang dòng jazz mượt mà, tinh tế. Dường như Ella sống trong các giai điệu, bà hát nhẹ nhàng như người khác thở, chẳng mất chút công sức nào. Trong khi các ca sĩ khác hát như thể họ đang với tới một nốt cao thì Ella hát như bà đã đạt tới nó vậy. Không chỉ có vậy, bà còn luôn tìm tòi ẩn ý trong ca từ, thậm chí biến những ca khúc u sầu như Love For Sale trở nên vui nhộn hơn. Bởi vì Ella luôn cảm thấy hạnh phúc khi được hát. Gần như người nghe nào cũng có thể đồng cảm được với những ngôn từ trong các ca khúc của bà. Chính vì điều này mà Ella trở nên nổi bật hơn trên bầu trời các nghệ sĩ nhạc jazz đương thời. Và nếu xét toàn bộ sự nghiệp của Ella từ ngày đầu tiên tới cuối cùng, có lẽ không một ai đạt tới đẳng cấp như bà.
Ella Jane Fitzgerald sinh ngày 25/04/1918 tại Newport New, bang Virginia. Có lẽ ít ai ngờ tuổi thơ và con đường đến với âm nhạc của Ella cũng khắc nghiệt như của Billie Holiday. Năm 1932, sau cái chết của mẹ và em gái, Ella trải qua những ngày tháng khó khăn nhất trong đời. Bà phải bỏ học, vào trại cải huấn và sau đó bỏ trốn, một mình lang thang kiếm sống bên lề xã hội. Năm 1934, Ella giành giải nhất trong một cuộc thi ca múa nghiệp dư ở nhà hát Appollo trong khu Harlem (khu dành cho người da đen ở New York) với ca khúc Judy, bắt chước phong cách thần tượng Connee Boswell. Thực ra ban đầu Ella muốn trở thành một nữ vũ công nhưng bà đã nhanh chóng thay đổi ý định. “Đứng trên sân khấu, tôi đã cảm nhận thấy khán giả tỏ ra chấp nhận và có vẻ ưa thích tôi. Ngay lúc đó tôi biết mình muốn được hát trước công chúng suốt cả cuộc đời”. Năm 1935, Ella có cơ hội biểu diễn 1 tuần liền tại Nhà hát Opera Harlem với ban nhạc Tiny Bradshaw. Tại đây, Ella đã gặp tay trống cừ khôi Chick Webb. Mặc dù rất ấn tượng với giọng hát của Ella nhưng Chick Webb đã thuê Charlie Linton hát chính trong ban nhạc của mình, vì thế, ông ta buộc Ella phải vượt qua thử thách trong show diễn tại đại học Yale. “Nếu bọn nhóc thích Ella, cô ta sẽ được ở lại”. Và Ella đã không khiến các sinh viên trường đại học lớn nhất New York phải thất vọng.
Năm 1936, Ella thu âm ca khúc đầu tiên mang tên Love And Kisses cho hãng đĩa Decca cùng ban nhạc của Chick Webb. Trong quãng thời gian này, Ella chỉ nổi tiếng như một nữ ca sĩ trẻ chuyên hát pop hay swing và các bản ballad có tiết tấu vừa phải. Nhưng bà cũng bắt đầu tìm thòi, thử nghiệm các phong cách mới, thường dùng giọng hát của mình giả vị trí của một giọng kèn trong ban nhạc (Ella có khả năng đặc biệt là bắt chước được tiếng của mọi nhạc cụ trong ban nhạc). Trong ca khúc You Have To Swing It, lần đầu tiên bà làm quen với lối hát scat (hát nhạc jazz không thành lời) và cách xướng âm cùng phong cách ngẫu hứng của bà đã chinh phục được người nghe. Cho tới sau này, Ella đã hoàn toàn làm chủ được lối hát scat, thậm chí còn biến nó thành một môn nghệ thuật riêng biệt. Năm 1938, Ella tung ra “hit” lớn đầu tiên trong đời – bản A-Tisket, A-Tasket, 17 tuần liên tục đứng trong bảng xếp hạng ca khúc bán chạy nhất. Khi đó bà 21 tuổi.Năm 1941, Ella bắt đầu tách khỏi ban nhạc ra hát solo và liên tiếp gặt hái thành công. Kể từ năm 1945, bà rời khỏi phong cách pop truyền thống và chuyển sang hát nhạc jazz. Các album như Lady Be Good, How High The Moon và Flying Home biến Ella trở thành một ngôi sao jazz vĩ đại và liên tiếp được các jazz men xuất sắc nhất trong làng nhạc Mỹ mời cộng tác. Đó là Duke Ellington, Dizzy Gillespie, Nat King Cole, Frank Sinatra và đặc biệt là “bố già” Louis Amstrong – toàn đại cao thủ. Trong khoảng 40 năm kế tiếp, Ella đã kịp thời ghi âm những album xuất sắc nhất của mình, giành được vô số giải thưởng âm nhạc, lưu diễn vòng quanh thế giới, trở thành jazz-lady được ưa thích nhất trên toàn cầu. Cho đến những năm đầu thập niên 1990 Ella mới chịu rút lui khỏi sân khấu do bệnh mắt và tim hành hạ. Năm 1994 bà giã từ sự nghiệp và hai năm sau bà từ giã cuộc sống. Một huyền thoại đã vĩnh viễn ra đi.
Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của Ella Fitzgerald có lẽ là bộ The Complete Ella Fitzgerald Song Books gồm 16 CD với các phần nhạc của Cole Porter, The Gershwins, Rodgers & Hart, Duke Ellington, Harold Arlen, Jerome Kern và Johnny Mercer, ghi âm từ năm 1956 – 1964. Trong bộ CD này, Ella đã thể hiện nhiều phong cách khác nhau và người nghe có thể tìm thấy những ca khúc jazz kinh điển nhất: Something's Gotta Give, The Lady Is A Tramp, I Got It Bad (And That Ain't Good), Ev'ry Time We Say Goodbye, I've Got My Love To Keep Me Warm, Bewitched, Bothered And Bewildered… Các ca khúc này đã được không biết bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ jazz cover lại nhưng dường như chẳng ai vượt qua nổi Ella Fitzgerald, kể cả đó là Billie Holiday, Sarah Vaughan, Nina Simone – những người cùng thời hay Diana Krall, Laura Fygi, Carol Kidd, Cassandra Wilson – lớp đàn em. Đặc biệt album đôi The Cole Porter Song Books nằm trong album này còn được xếp vào danh sách 10 album jazz hay nhất mọi thời. Các ca khúc được mô tả là tao nhã, “ngon lành” và đầy hương vị. Nếu muốn có một cái nhìn khái quát hơn về bộ Complete Song Books trước khi thực sự tìm hiểu nó, hãy tìm nghe album The Best of the Song Books – trong đó tập hợp tất cả những ca khúc được đánh giá là xuất sắc nhất của bộ Complete. Đây cũng là album tương đối dễ tìm ở Việt Nam. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm nghe album Fitzgerald For Lovers – một tuyển chọn các bản ballad rất dễ thương về tình yêu dịu ngọt nhưng cũng cay đắng. Nghe Ella hát ballad thật thích, từng tiếng từng tiếng dịu êm như thì thầm, như nỉ non bên tai…
Ella Fitzgerald " The First Lady of Song"
Ngoài ra còn có album Pure Ella – The Very Best Of Ella Fitzgerald, trong đó bạn sẽ được nghe những bài hát rất quen thuộc, đã được nhiều thế hệ ca sĩ trình bày theo nhiều phong cách khác nhau như Tea For Two, Over The Rainbow, Take The A Train, My Funny Valentine, Oh, Lady Be Good, Boy From Ipanema… Một bước khởi đầu rất thú vị cho những ai lần đầu nghe Ella Fitzgerald – giọng ca vàng nước Mỹ. “Tôi hát như tôi cảm nhận được”, Ella đã từng nói như vậy. Bà hát những ca khúc xuất sắc nhất nước Mỹ, cảm nhận chúng, thế nên, sự thể hiện của bà lại càng tuyệt vời hơn. “Chúng tôi cũng không biết sáng tác của mình lại hay đến vậy”, nhà soạn nhạc Ira Geswhin nói, “cho tới khi được nghe Ella hát chúng”. Cho tới ngày qua đời tại nhà riêng ở Beverly Hills ở tuổi 78, Ella đã trải giọng hát thiên phú của mình qua hàng ngàn ca khúc, gần 10 thế hệ thính giả, đưa mọi người đến với những điều kì diệu trong cuộc sống. “Các bạn trẻ ở Italia từng gọi tôi là Mama jazz. Điều đó thật tuyệt. Miễn họ đừng gọi tôi là Granma jazz (bà ngoại jazz) là được rồi”.