Elon Musk toan tính gì khi vào hội đồng quản trị Twitter?
Sau khi mua 9,2% cổ phần Twitter và trở thành cổ đông lớn, ông Elon Musk – CEO của Tesla, vừa được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của mạng xã hội này...
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao Musk lại mua lượng lớn cổ phiếu Twitter như vậy? Theo Nikkei Asia, thời gian qua đã có nhiều tín hiệu cho việc này.
TÌM CÁCH GÂY ẢNH HƯỞNG
Ông Musk hiện có hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter, là một trong những người dùng có tầm ảnh hưởng và gây nhiều tranh cãi nhất trên mạng xã hội này.
Gần đây, ông liên tục sử dụng chính Twitter để phàn nàn về nền tảng này, khiến một số nhà phân tích đồn đoán rằng ông đã mua cổ phần Twitter để cố gắng gây ảnh hưởng tới công ty.
Hồi cuối tháng 3, trong một dòng tweet, tỷ phú này nói rằng “tự do ngôn luận là điều thiết yếu để một nền dân chủ hoạt động”. Ông cũng hỏi những người theo dõi mình rằng họ có nghĩ rằng Twitter đang “tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này không” và trong số hơn 2 triệu hồi đáp, 70,4% nói “không”.
Hóa ra, khi đăng tải dòng tweet trên, tỷ phú này đã là một cổ đông lớn của Twitter. Musk mua 9,2% cổ phần Twitter trị giá khoảng 2,4 tỷ USD vào ngày 14/3, theo báo cáo của công ty đầu tuần này.
Tại Quốc hội Mỹ, một số nghị sĩ đang thúc đẩy việc sử đổi Điều 230 của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act), hiện đang quy định quyền miễn truy tố cho các công ty truyền thông xã hội đối với các nội dung mà người dùng đưa lên nền tảng của họ. Giờ đây, những cải cách được đề xuất có thể khiến các công ty này phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung của bên thứ ba trên nền tảng của họ.
Theo các nhà phân tích, việc ông Musk cho rằng quyền tự do ngôn luận phải được tôn trọng trên các trang mạng xã hội có thể khiến ông xung đôt với những đề xuất cải cách trên.
Vài trò cổ đông lớn tại Twitter của Musk lập tức khiến mối quan hệ của ông với các giám đốc công ty, cả trước đây và hiện tại - bao gồm người đồng sáng lập Jack Dorsey, được quan tâm hơn bao giờ hết.
Với việc Twitter đang theo sau các mạng xã hội khác như Facebook về lợi nhuận và giá trị cổ phiếu đang sụt giảm, Dorsey từng phải hứng chỉ trích Elliot Management – quỹ đầu cơ đã đầu tư vào công ty. Mùa xuân năm 2020, Elliott bắt đầu “nổi đóa” khi Dorsey muốn từ chức CEO Twitter và cuối cùng ông cũng rời vị trí này vào cuối tháng 11/2021.
Musk và Dorsey đều nổi tiếng là những người ủng hộ lớn của các loại tiền ảo như Bitcoin và thường xuyên đưa ra thông điệp công khai về tiền ảo trên Twitter. Năm 2021, ông Musk thậm chí tham dự một sự kiện về Bitcoin theo lời mời của Dorsey.
Trong khi đó, mối quan hệ của ông Musk với người kế nhiệm ông Dorsey, Parag Agrawal, được đánh giá là tương đối phức tạp. Tháng 12 năm ngoái, ông chủ Tesla đã đề cập tới mối quan hệ đối đầu giữa Dorsey và Agrawal trên Twitter với một hình ảnh đã được số hóa về nước Nga thời Stalin, ngụ ý rằng Agrawal đã ném Dorsey xuống một con kênh.
Do đó, một số nhà phân tích cho rằng việc Musk mua cổ phiếu Twitter có thể là một bước leo thang thách thức của ông đối với hội đồng quản trị hiện tại của mạng xã hội này và thể hiện sự ủng hộ với cựu CEO.
Ngày 5/4, Twitter thông báo bổ nhiệm ông Musk vào hội đồng quản trị và cho biết ông đã đồng ý không tăng cổ phần của mình lên quá 14,9%.
Ông Musk hiện là người giàu nhất thế giới với tài sản 276 tỷ USD tính tới ngày 5/4, theo Bloomberg Billionaires Index, với phần lớn tài sản là cổ phần tại Tesla, SpaceX và các công ty khác mà ông tham gia thành lập.
Từ trước tới nay, hiếm khi tỷ phú này Musk cổ phiếu của một công ty khác vì mục đích đầu tư đơn thuần. Do đó, các nhà phân tích cho rằng với việc mua cổ phiếu Twitter, ông đang muốn tham gia vào hoạt động điều hành của công ty này.
ĐIỀU GÌ XẢY RA TIẾP THEO?
Đằng sau hậu trường, có thể chưa có sự đối đầu. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2022, ông Agrawal nói rằng “vai trò của chúng tôi (Twitter) không bị ràng buộc bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, trong đó đảm bảo quyền tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, hôm qua, vị CEO này đã đăng tải lên Twitter cho biết “qua các cuộc thảo luận với Elon (Musk) những tuần gần đây, chúng tôi thấy rõ rằng ông ấy sẽ mang lại giá trị lớn cho hội đồng quản trị của chúng tôi”.
Đáp lại, ông Musk nói rằng: "Mong được làm việc với hội đồng quản trị Twitter để tạo ra những cải tiến đáng kể cho Twitter những tháng tới!"
Hôm qua, Twitter cũng xác nhận rằng công ty đang nghiên cứu về việc thêm tính năng chỉnh sửa cho các dòng tweet đăng tải trên nền tảng này. Đây là một trong những thay đổi được yêu cầu nhiều nhất trên mạng xã hội này trong hơn một thập kỷ qua. Hiện tại, để sửa một dòng tweet, người dùng phải xóa hẳn đi và viết lại một tweet khác.
Động thái này diễn ra cùng ngày khi Twitter thông báo việc ông Musk được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị công ty. Trước đó, hôm thứ Hai, sau khi thông tin về việc 9,2% cổ phần Twitter được tiết lộ, ông Musk đã mở một cuộc thăm dò ý kiến trên trang cá nhân và hỏi rằng liệu có nên thêm nút chỉnh sửa vào Twitter hay không.
Đăng tải của ông Musk đã được CEO Agrawal chia sẻ và nói thêm rằng: "Kết quả của cuộc thăm dò rất quan trọng".
Trong khi đó, hồi 2020, người đồng sáng lập Dorsey nói rằng Twitter "có thể sẽ không bao giờ" thêm nút chỉnh sửa vào nền tảng của mình.
Trong thông báo ngày hôm qua, Jay Sullivan - phó chủ tịch phụ trách sản phẩm người dùng của Twitter, nhấn mạnh rằng nút chỉnh sửa có thể làm tăng lượng thông tin sai lệch trên Twitter.
"Bảo vệ tính toàn vẹn của các cuộc trò chuyện công khai là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi khi tiếp cận việc này", ông Sullivan nói. "Do đó, sẽ mất thời gian và chúng tôi sẽ tích cực nghiên cứu và tư duy đa chiều trước khi tung ra nút Chỉnh sửa".