22:44 03/06/2024

EU tài trợ nghiên cứu đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng xây 8km metro đi ngầm, đoạn Hà Nội - Hoàng Mai

Anh Tú

Liên minh châu Âu vừa tài trợ 10 triệu euro vốn ODA không hoàn lại cho công tác chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị...

Tuyến đường sắt đô thị số 3.2, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,786km, phần lớn đi ngầm (8,13km), với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt đô thị số 3.2, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,786km, phần lớn đi ngầm (8,13km), với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và lãnh đạo Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Hervé Conan vừa ký Thỏa ước tài trợ cho dự án hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị " sử dụng vốn không hoàn lại của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết trong bối cảnh tuyến đường sắt đô thị thí điểm của TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến 3.1) sẽ đi vào vận hành thương mại trong thời gian tới, việc hoàn thành thi công và đưa vào vận hành đoạn kéo dài của tuyến từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai sớm ngay sau giai đoạn 1 sẽ giúp tăng phạm vi ảnh hưởng, nâng cao năng lực vận chuyển và hiệu quả khai thác của cả tuyến.

 

Dự án hỗ trợ kỹ thuật trị giá 10 triệu euro tiền viện trợ không hoàn lại này sẽ tập trung tài trợ cho nghiên cứu khả thi để mở rộng tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; đồng thời, hỗ trợ phát triển mạng lưới giao thông đô thị tích hợp, sửa đổi khung quy hoạch tổng thể hệ thống đường sắt đô thị và giao thông đô thị trên địa bàn thành phố. 

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, việc hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư và tiến tới phê duyệt chủ trương đầu tư, sẵn sàng triển khai thi công giai đoạn 2 của tuyến 3 sẽ góp phần hình thành mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố, đảm bảo tiến độ thực hiện quy hoạch như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. 

Với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, TP. Hà Nội tin tưởng rằng dự án chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị sẽ được triển khai thành công, góp phần tạo dựng một Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại và đáng sống.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đối tác Quốc tế thuộc Ủy ban châu Âu (thuộc Liên minh châu Âu) Myriam Ferran, EU cấp khoản viện trợ trị giá 10 triệu euro cho dự án trong định hướng khuyến khích phát thải carbon thấp và chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị tại Thủ đô Hà Nội.

Đây cũng là minh chứng cho cam kết của EU trở thành đối tác trung thành của Việt Nam trong các hành động về khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.

Các hoạt động hỗ trợ trong khuôn khổ dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, đảm bảo tiến độ triển khai của hệ thống đường sắt đô thị của thành phố đến năm 2035 nói chung và của tuyến số 3 kéo dài nói riêng.

EU tài trợ nghiên cứu đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng xây 8km metro đi ngầm, đoạn Hà Nội - Hoàng Mai - Ảnh 1

Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai có tổng chiều dài 8,786km, đi qua 7 ga ngầm và 1 khu lập tàu tại Yên Sở. Toàn tuyến đường sắt đô thị 3.2 đi ngầm theo đường Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án gần 40.577 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA của 3 nhà tài trợ ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) là chủ yếu, vốn đối ứng trong nước chỉ khoảng 6.280 tỷ đồng.

Về việc chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3.2, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai dự kiến trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định năm 2025. Hiện thủ tục ký kết hiệp định vay cho dự án chưa được hoàn thành, thẩm quyền chấp thuận kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định cũng chưa được rõ ràng.

Tuyến 3.2 được đưa vào khai thác sẽ nâng cao năng lực vận chuyển của toàn tuyến, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho TP. Hà Nội thực hiện công tác tổ chức giao thông đô thị, từng bước giảm lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân trong khu vực nội đô, cải thiện điều kiện đi lại cho người dân Thủ đô.