09:45 08/10/2008

“Phương án tăng giá điện phải do EVN đề xuất”

Từ Nguyên

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết chưa nhận được một đề xuất hay một phương án cụ thể nào của EVN về việc tăng giá điện

"Tôi khẳng định EVN mới đang xây dựng phương án và sắp tới Bộ Công Thương sẽ họp bàn và nghe ý kiến về các phương án do EVN trình" - Ảnh: Từ Nguyên.
"Tôi khẳng định EVN mới đang xây dựng phương án và sắp tới Bộ Công Thương sẽ họp bàn và nghe ý kiến về các phương án do EVN trình" - Ảnh: Từ Nguyên.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết chưa nhận được một đề xuất hay một phương án cụ thể nào của EVN về việc tăng giá điện.

Tiếp xúc với báo chí chiều 7/10 để khẳng định lại những thông tin xung quanh đề án tăng giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng việc điều chỉnh giá điện là một tất yếu, song việc lựa chọn thời điểm để tăng giá điện là hết sức quan trọng, vì liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Trả lời báo chí, một thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết giá điện dự kiến sẽ tăng 20% từ đầu năm 2009, trong khi mới đây, lãnh đạo EVN lại khẳng định, tập đoàn này chưa có phương án tăng giá. Vậy, cần hiểu cụ thể những thông tin trên như thế nào, thưa ông?

Tôi khẳng định EVN mới đang xây dựng phương án và sắp tới Bộ Công Thương sẽ họp bàn và nghe ý kiến về các phương án do EVN trình. Sau khi thống nhất chọn một phương án tăng cụ thể, chúng tôi sẽ trình Chính phủ.

Còn những thông tin báo chí đưa những ngày gần đây là phương án tăng giá điện của năm 2005 mà Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương và EVN xây dựng. Những thông số, tính toán của phương án giá điện mới sẽ có nhiều thay đổi so với phương án trước đây.

Chính phủ đã có chủ trương các mặt hàng sẽ được thực hiện theo cơ chế giá thị trường với các lộ trình khác nhau. Hiện giá điện chưa theo giá thị trường nên việc điều chỉnh giá điện là nằm trong chương trình và kế hoạch của Chính phủ.

Chúng ta sẽ thực hiện theo cơ chế giá thị trường nhưng có tính đến việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách và áp dụng như đối với giá xăng dầu. Lựa chọn phương án cũng như thời điểm áp dụng sẽ do Chính phủ quyết định. Đi kèm đó là phương án điều hành quy định giá bán giờ cao điểm, thấp điểm, bù lỗ cho ngành điện...

Nhưng hiện nay, ngoài phương án tăng giá điện do EVN xây dựng thì Cục Điều tiết điện lực cũng đang xây dựng phương án tăng giá. Vậy, Bộ Công Thương sẽ nghiêng về phương án của bên nào, thưa ông?

Theo quy định, EVN là đơn vị được quyền xây dựng phương án về điều chỉnh giá điện vì EVN là doanh nghiệp nhà nước và cũng là đơn vị chiếm tỉ trọng cao nhất.

Còn Bộ Công Thương giao trách nhiệm cho Cục Điều tiết điện lực xem xét phương án của EVN và có kiến nghị về phương án của EVN. Cục cũng có quyền và trách nhiệm đưa ra ý kiến riêng của mình, tham mưu cho tổ công tác liên ngành về việc tăng giá điện.

Còn Cục Điều tiết không có thẩm quyền lập phương án riêng trình Chính phủ.

Vậy, theo quan điểm của Bộ thì giá điện trong năm 2009 sẽ tính theo giá thị trường chưa, thưa ông?

Do yêu cầu của Chính phủ nên ngành điện trong thời gian qua đã không tăng giá. Tuy nhiên nếu việc này kéo dài sẽ không phù hợp với cơ chế thị trường. Cùng với đó, ngành điện cũng không có nguồn dôi dư để đầu tư cho các dự án điện thuộc Tổng sơ đồ 6 đã được phê duyệt nên gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện là cực kỳ phức tạp vì nó liên quan đến nhiều lĩnh vực, các tầng lớp người dân, liên quan đến sinh hoạt và sản xuất của doanh nghiệp… nên cần phải cân nhắc, xem xét đầy đủ trước khi trình Chính phủ để trở thành một phương án khả thi, được sự đồng thuận của người dân.

Nếu tính toán không đầy đủ sẽ xảy ra việc điều chỉnh quá cao gây tác động lớn, xáo trộn đời sống, sản xuất của người dân. Còn nếu điều chỉnh biên độ giá quá ít thì ý nghĩa không nhiều và lộ trình áp dụng giá điện theo thị trường bị kéo dài và ngành điện sẽ không có lãi và không khuyến khích được nhà đầu tư.

Trong quý 4/2008, Bộ Công Thương sẽ phải báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện. Còn thời điểm áp dụng cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định.

Theo tôi, chúng ta sẽ phải hết sức thận trọng về thời điểm tăng giá, bởi nếu tăng vào thời điểm nhạy cảm sẽ gây tác động rất lớn. Tôi tin rằng, trong phương án chúng tôi trình vào quý 4/2008, một trong những yếu tố mà Chính phủ sẽ phải cân nhắc đó là thời điểm áp dụng.

Hoan nghênh thái độ của Petro Vietnam

Cùng với đề án tăng giá điện, tới đây Bộ Công Thương có trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngành điện hiện nay?

Hiện Chính phủ giao Bộ Công Thương, ngoài việc quản lý sản xuất, cung ứng điện, quản lý chất lượng điện, đầu tư các dự án điện thì còn phải nghiên cứu phương án tái cơ cấu ngành điện.

Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ một số vấn đề quan trọng để tái cơ cấu ngành điện, như: cơ chế đầu tư của các đơn vị ngoài EVN, các dự án BOT, các dự án điện độc lập…

Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương việc chỉ đạo EVN xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và xem xét đề xuất việc tái cơ cấu ngành điện. Việc tái cơ cấu chắc chắn sẽ liên quan đến việc sản xuất, truyền tải, phân phối và hệ thống quản lý của ngành điện.

Nhưng tôi cũng xin lưu ý, việc điều chỉnh giá điện hay tái cơ cấu ngành điện cũng chỉ là một phần việc trong kế hoạch tổng thể để tiến dần tới một thị trường điện đúng cơ chế của nó.

Quan điểm của Bộ Công Thương như thế nào về việc EVN mới đây đã xin "trả lại" 13 dự án điện cho Chính phủ, thưa ông?

Theo tôi, việc EVN xin trả lại 13 dự án điện là họ đã phải cân nhắc rất kỹ khi đưa ra đề nghị đó, vì việc này ít nhiều sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của EVN do Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho họ.

Tuy nhiên, theo tôi thì sau khi tính toán, EVN nhận thấy không thể tiếp tục làm chủ đầu tư các dự án này nên họ quyết định từ chối. Vì vậy, thà trung thực và báo cáo Chính phủ còn hơn là xin đảm nhận và kéo dài đầu tư thì không biết lúc đó kết quả sẽ là như thế nào.

Do vậy, theo tôi, việc từ chối này cũng sẽ giúp Chính phủ  chủ động trong xem xét và điều chỉnh chủ đầu tư.

Tôi đánh giá về thái độ nghiêm túc và thẳng thắn của EVN, nhưng cũng cần tính đến trách nhiệm và vai trò của một đơn vị tiên phong trong ngành điện.

Hiện, chúng tôi đã được Chính phủ giao tính toán nên giao 13 dự án này cho đơn vị nào làm chủ đầu tư: giao cho doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, thực hiện dự án BOT hay 100% vốn nước ngoài…

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hoan nghênh thái độ của Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) khi đứng ra nhận làm các dự án này. Còn việc thực hiện có khả thi hay không thì chúng tôi sẽ phải xem xét.